Viễn Thông A 'về tay' tỷ phú Phạm Nhật Vượng, số phận Thế Giới Di Động sẽ ra sao?

06/11/2018 11:44

Thâu tóm Viễn Thông A, Tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng càng khẳng định tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone thứ 2 tại Việt Nam sau Bkav. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài ngoài nguy cơ 'teo tóp' về lợi nhuận, nay còn phải đối mặt với bài toán sinh tồn trước đối thủ đáng gờm Vingroup.

Thâu tóm Viễn Thông A, Tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng càng khẳng định tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone thứ 2 tại Việt Nam sau Bkav. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài ngoài nguy cơ 'teo tóp' về lợi nhuận, nay còn phải đối mặt với bài toán sinh tồn trước đối thủ đáng gờm Vingroup.

Sau nhiều đồn đoán, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xác nhận chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2018, Vingroup cũng ghi nhận Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Viễn Thông A là công ty con với 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích.

Thâu tóm Viễn Thông A, dọn đường cho Vsmart

Trước đó, vào ngày 14.9, người đại diện theo pháp luật của Viễn Thông cũng đã được thay đổi từ ông Huỳnh Việt Thương sang bà Mai Thu Thủy.

Bà Thủy là gương mặt điều hành quen thuộc của VinGroup, giữ nhiều vai trò như Chủ tịch HĐQT Vincom Mega Mall Royal City, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, Thành viên HĐQT Vincom Retail, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển Đô thị Nam Hà Nội.

CTCP Đầu tư Việt Nam do bà Mai Thu Thủy làm Chủ tịch hiện đang nắm giữ hơn 880 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 33,37% lượng cổ phiếu lưu hành.

Viễn Thông A là nhà bán lẻ hàng công nghệ lâu đời tại TP.HCM, thành lập năm 1997. So với Thế Giới Di Động và FPT Shop, Viễn Thông A có bề dày truyền thống hơn, và là chuỗi hiếm hoi trụ lại kể từ thời kỳ đầu của điện thoại di động tại Việt Nam. Chuỗi này hiện có gần 200 cửa hàng. Việc sở hữu Viễn Thông A cùng với hệ thống VinPro sẽ giúp củng cố vị thế Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy.

Cũng phải nói thêm rằng, việc Vingroup muốn có một chuỗi bán lẻ riêng càng được khẳng định khi giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ tuyên bố chính thức triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Những sản phẩm này sẽ được sản xuất bởi Công ty Vinsmart thuộc tập đoàn Vingroup.

Tại thời điểm đó, tuyên bố của Vingroup đã gây nhiều bất ngờ với giới công nghệ bởi trước đó Tập đoàn này chưa từng hé lộ sẽ tham gia thị trường đang dần bão hòa với thị phần phần lớn thuộc về 2 “ông lớn” Samsung và Apple. Vingroup cũng từng gây ấn tượng với tham vọng sản xuất thương hiệu ô tô nội địa VinFast.

Chỉ 3 tuần sau tuyên bố làm điện thoại thương hiệu Việt, Vingroup đã mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ hãng sản xuất smartphone hàng đầu Tây Ban Nha. Cũng trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tháng 10.2018, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất mua lại hệ thống 25 siêu thị Fivimart.

Việc mua lại Viễn Thông A được xem như bước đi tiếp theo của Vingroup nhằm chuẩn bị kênh phân phối cho điện thoại Vsmart.

Một số chuyên gia nhận định, việc Vingroup thâu tóm Viễn Thông A có lẽ là 1 nước cờ đã có sự tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng. Nước cờ này tiến tới sẽ là bàn đạp để Vingroup đưa những smartphone do tập đoàn này sản xuất tới tay nhiều người tiêu dùng hơn. Và có khi, Vinsmart sẽ không chỉ sản xuất smartphone mà còn làm nhiều sản phẩm công nghệ khác.

Điều này khá phù hợp với định hướng của Vingroup, khi mới đây tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ.

“Hiện nay Vingroup được biết đến trong nhiều lĩnh vực từ hệ thống bán lẻ, bất động sản, ô tô và tới đây là những sản phẩm điện tử khác như điện thoại thông minh. Một khi những tham vọng này được hiện thực hóa thì tầm ảnh hưởng của Vingroup tới mọi thị trường và chi phối mạnh mẽ tới nền kinh tế. Tôi cho rằng, đó mới là cái đích “lớn” nhất của ông Phạm Nhật Vượng”, một chuyên gia kinh tế cho hay.

Kịch bản nào cho Thế giới di dộng?

Mảng bán lẻ di động nói riêng và hàng công nghệ nói chung hiện dẫn đầu bởi CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, kế đến là FPT Shop. Trong đó, Thế Giới Di Động từng công bố chiếm 50% thị phần bán lẻ smartphone ở quy mô chuỗi.

Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm của MWG có thể thấy, doanh thu và lợi nhuận của công ty này đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu đạt 65.478 tỷ đồng, tăng trưởng 37% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.187 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với 9 tháng đầu năm 2017.

Liên tục công bố con số tăng trưởng cao qua mỗi quý nhưng tình hình tài chính của MWG chưa thể khiến nhà đầu tư yên tâm khi nhìn vào kết quả của 2 quý liền trước: MWG đã trải qua 2 quý liên tiếp sụt giảm mạnh về cả doanh thu cũng như lợi nhuận sau khi lập đỉnh vào quý I.2018.

Quý I.2018 thực sự là thời kỳ bùng nổ của Thế Giới Di Động khi doanh thu tăng vọt lên 22.800 tỷ đồng từ mức 17.700 tỷ của quý 4/2017. Hai quý tiếp theo, doanh thu mỗi quý lại giảm đi 1.000 tỷ đồng.

Cùng với sự đi xuống của doanh thu, lợi nhuận của Thế Giới Di Động cũng giảm đáng kể: từ mức 808 tỷ của quý đầu năm xuống 732 tỷ trong quý II và xuống 647 tỷ trong quý III, giảm khoảng 10% qua mỗi quý.

Trước đây, lợi nhuận MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng giảm liên tục cả 4 quý năm 2016 do mở rộng đầu tư trước khi bật lên mức cao mới kể từ quý 1/2017. Nhưng khi đó, doanh thu vẫn liên tục tăng trưởng mạnh.

Tăng trưởng hiện tại của MWG chủ yếu đến từ chuỗi Điện Máy Xanh, nhưng với quy mô hiện đã quá lớn, chuỗi điện máy này khó có thể tiếp tục tăng trưởng phi mã trong thời gian tới. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ điện thoại Thegioididong.com đã bước vào giai đoạn bão hòa còn quy mô của chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn còn rất khiêm tốn.

Thế Giới Di Động

Mặc dù vẫn giữ được mặt bằng doanh thu, lợi nhuận cao hơn hẳn năm 2017 nhưng những tín hiệu sụt giảm này cho thấy bài toán tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong thời gian tới không hề dễ dàng.

Trong bối cảnh Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài đang còn loay hoay với bài toán tìm động lực phát triển thì Viễn Thông A về một nhà với Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, điều này cũng đồng nghĩa với miếng bánh thị phần về di động cũng như các sản phẩm điện tử khác cũng sẽ có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Với mạng lưới bán lẻ lớn như hiện nay, lợi thế hiện đang có phần nghiêng về tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bài toán cạnh tranh, bài toán lợi nhuận sẽ trở lên khốc liệt và khó khăn hơn đối với ông Nguyễn Đức Tài.

Ngoài ra, việc CEO Nguyễn Tử Quảng từ chối phân phối Bphone 3 tại hệ thống Thế Giới Di Động cũng là 1 dấu hỏi lớn về sự hấp dẫn của MWG trên thị trường hiện nay.

Huyền Anh

Theo Dân Việt