Việt Nam vẫn hưởng ưu đãi của WTO và vẫn bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp dù nằm trong danh sách các nước "đang phát triển" hay không.
Ngày 10/2, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Trả lời VnExpress hôm nay (21/2), ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc này "không có tác động gì lớn".
Để được xem là nước đang phát triển, theo cách tiếp cận mới của Mỹ, thị phần thương mại phải thấp hơn 0,5% tổng thương mại thế giới. Theo dữ liệu từ WTO, tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 lần lượt đạt 242,6 tỷ USD (chiếm 1,3% thị phần toàn thế giới) và 235,5 tỷ USD (1,19% thị phần) - đều cao hơn mức 0,5%.
"Do đó, chúng ta và nhiều nước không nằm trong danh sách. Việc thay đổi không có tác động thực tế đến Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Ở khía cạnh điều tra chống trợ cấp, theo quy định của WTO, các chính phủ phải chấm dứt điều tra chống trợ cấp nếu biên độ trợ cấp là không đáng kể (dưới 1% giá trị hàng hóa). Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, mốc này là dưới 2%.
"Nhưng trong 7 cuộc điều tra chống trợ cấp của Mỹ với Việt Nam đến nay, Mỹ đều kết luận Việt Nam có trợ cấp, và mức trợ cấp đều trên 2%", ông thông tin.
Về lâu dài, khi xu hướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ với Việt Nam gia tăng, chính sách này sẽ có tác động nhất định nếu có vụ việc kết luận mức trợ cấp dưới 2%. Khi đó, Việt Nam vẫn phải chịu áp thuế do đã nằm ngoài danh mục các nước đang phát triển được Mỹ công nhận.
Trong bối cảnh không ở trong danh sách các nước đang phát triển của Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam vẫn được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của WTO, theo đó một nước thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển.
Ngoài ra, các nước phát triển dành cho các nước đang và kém phát triển một số linh hoạt, trong đó linh hoạt lớn nhất là "Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)". Thêm vào đó, linh hoạt khác là được miễn trừ việc bị các nước phát triển áp thuế chống trợ cấp hay thuế chống bán phá giá nếu như mức xuất khẩu được họ xác định với khối lượng nhỏ hoặc khoản trợ cấp là không đáng kể.
Chính quyền Trump từ lâu vẫn muốn chấm dứt các ưu đãi đặc biệt này với các quốc gia nằm trong một số nhóm nước khác, như G20, OECD hoặc các nước được Ngân hàng Thế giới (WB) coi là thu nhập cao.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nói thêm, mục đích của họ là tránh việc nhiều nước đã là quốc gia phát triển nhưng vẫn tự coi mình là nước đang phát triển để hưởng ưu đãi.
Lần này, những cái tên bị loại khỏi danh sách không chỉ có Việt Nam mà còn Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Georgia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyz, Malaysia, Moldova, Montenegro, North Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine.
Trong thông cáo ngày 10/2, USTR khẳng định "đã cân nhắc ảnh hưởng của quyết định này, và thấy rằng nó không có tác động kinh tế đáng kể lên lượng lớn doanh nghiệp nhỏ. Do nó chỉ nhằm phục vụ các hoạt động nội bộ và pháp lý của USTR".
Dù vậy, SCMP cho rằng việc này sẽ giúp Mỹ hạ ngưỡng tiêu chuẩn để điều tra liệu một quốc gia có đang làm tổn hại đến các ngành công nghiệp của nước này bằng các biện pháp trợ giá xuất khẩu bất công hay không. USTR cũng cho biết quyết định điều chỉnh phương pháp đánh giá với các nền kinh tế đang phát triển, nhằm điều tra thuế chống trợ cấp, là cần thiết. Do quy định cũ của Mỹ có từ năm 1998 và "hiện đã lỗi thời".
Cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang theo dõi sát tình hình để có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời. Hôm qua (20/2), trả lời về việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cũng cho biết sẽ "duy trì đối thoại, phối hợp với Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương".
Hà Thu - Hoài Thu
Theo Vnexpress