Năm 2017, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,1%, mức cao nhất trong một thập kỷ và lần đầu tiên cao hơn của Trung Quốc trong gần ba mươi năm qua. Liệu chúng ta có thể hóa hổ?
LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn
Thế giới kỳ vọng “con hổ Việt Nam”
Năm 1996, sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Việt Nam gia nhập ASEAN năm trước đó, cùng với việc chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8% của Việt Nam trong vài năm liên tục, tờ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông – một tạp chí uy tín về kinh tế và chính trị Châu Á lúc đó đã có bài phân tích, nhận định Việt Nam có thể là con hổ kinh tế mới ở Châu Á.
Mười năm sau, năm 2006, sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tăng trưởng kinh tế tăng tốc trên 7,5% trong các năm 2004 và 2005 trước đó, thế giới một lần nữa lại gọi tên kỳ vọng con hổ kinh tế mới Việt Nam.
Hai năm trở lại đây với đà tăng trưởng kinh tế gia tăng lên 7%, Việt Nam lại được các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư và giới báo chí một lần nữa gọi là con hổ kinh tế mới.
Nhưng dường như mỗi khi thế giới kỳ vọng Việt Nam trở thành con hổ kinh tế châu Á, chúng ta lại bỏ lỡ chuyến tàu. Mỗi lần tưởng như chúng ta lấy lại được đà tăng trưởng cao, thì đà đó thường không kéo dài quá một vài năm.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, nhiều chuyên gia đặt hi vọng vào giai đoạn cất cánh của Việt Nam nhưng thực tế sau đó lại khác, kéo theo "một thập kỷ mất mát” như nhiều người trong số họ thừa nhận. Năm 2018, một lần nữa Việt Nam lại đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%. Làm thế nào để Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng này để chúng ta tăng tốc, cất cánh, hay ít nhất là không rơi lại vào vòng xoáy trầm lắng, hay thậm chí là vòng xoáy bất ổn như trước đây?
Không thể phủ nhận, với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân hàng năm khoảng 5,5% và sự phát triển khá ấn tượn trong mấy chục năm vừa qua kể từ 1990, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, cũng trong khoảng thời gian đó tốc độ tăng trưởng của chúng ta không cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan là hơn 4%, nhưng lại thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc hơn 9%.
Do vậy, sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa thể đuổi kịp các nước ASEAN khác (chưa nói đến việc bị Lào vượt qua về thu nhập bình quân đầu người) và khoảng cách với nước láng giềng Trung Quốc ngày càng doãng ra xa.
Tự hào về những thành tựu đã đạt được nhưng vẫn có một chữ “giá như”. Giá như chúng ta có những quyết sách đúng, mạnh, kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội thì giờ đây Việt Nam đã đang ở một vị thế khác.
Nguyên nhân chủ yếu là do những sai lầm trong chính sách và chậm cải cách của Việt Nam trong giai đoạn này. Liệu lần này Việt Nam có bỏ lỡ chuyến tàu để trở thành con hổ kinh tế mới thực sự, không phải chỉ trên giấy và trong các phân tích của các nhà kinh tế là câu hỏi lớn đặt ra.
Công thức để hóa hổ
Để Việt Nam hóa hổ, phải chăng không cần những điều quá phi thường. Trong các báo cáo của các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu kinh tế, dường như có những “công thức chung” cho việc các nền kinh tế đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hóa hổ.
Không nhất thiết phải nghĩ ra những lý luận, chính sách khác biệt mà chỉ cần quyết tâm, quyết liệt thực hiện những chỉ dấu, những kinh nghiệm, những bài học, những giá tri phổ quát của "những con hổ" đi trước. Nhà lãnh đạo có công chuyển đổi Singapore, ông Lý Quang Diệu đã tổng kết lại nguyên tắc thành công của một quốc gia là có một tầng lớp lãnh đạo quyết đoán, một bộ máy quản lý hiệu quả và một xã hội kỷ luật.
Để hóa hổ, Việt Nam cần đạt được tốc độ tăng trưởng từ 7% trở lên trong hơn hai mươi năm tới. Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, tránh đi vào vết xe đổ của những nền kinh tế đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chỉ với tốc độ phát triển như vậy mới cho Việt Nam có vị thế tốt nhất để bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình.
Đã có nhiều nghiên cứu mô hình phát triển của các nền kinh tế đi trước đã tổng kết lại gói gọn trong 6 chữ vàng: lãnh đạo, bộ máy và con người.
Trước tiên, cần tầm nhìn sáng suốt của lãnh đạo. Dường như mỗi giai đoạn hưng thịnh của mỗi quốc gia đều gắn với tên tuổi của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và quyết tâm cho sự phát triển của tổ quốc như Singapore có Lý Quang Diệu, Hàn Quốc có Pak Chung Hye… Gắn với các lãnh đạo này là nhưng quyết định sáng suốt, mạnh dạn cải cách và đổi mới, vượt lên các lý luận giáo điều.
Dứt khoát thoát khỏi mô hình cũ và dám chấp nhận cải cách đau đớn là điều mà các nền kinh tế Hàn Quốc, Singapore đã làm để cất cánh, trở thành những con hổ kinh tế.
Thứ hai, xây dựng bộ máy quản trị hiệu quả. Một bộ máy công quyền có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đất nước; quyết sách đúng và sáng suốt nhưng không có bộ máy hiệu quả không thể đưa quyết sách đó vào thực tiễn.
Xây dựng một bộ máy công quyền hiệu quả là dám cắt bỏ những thể chế, thủ tục cản trở phát triển, dám sử dụng những lãnh đạo có năng lực, đổi mới và trách nhiệm, dám quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, không vì mục tiêu cá nhân…
Thứ ba, thúc đẩy một xã hội tiến bộ. Sự phát triển của con hổ trước đây cho thấy không thể thiếu sự tham gia của xã hội. Nhưng để có xã hội đó, cần có những chính sách để phát huy hết năng lực, nguồn lực của nhân dân.
Nếu mỗi cá nhân nhìn thấy lợi ích từ sự phát triển chung của xã hội, nếu mỗi cá nhân nhìn thấy con cái họ có tương lai trong xã hội đó, mỗi cá nhân cảm nhận được xã hội, môi trường mình đang sống là đáng sống thì sẽ tích cực đóng góp vào sự nghiệp chung này.
Năm 2017, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,1%, mức cao nhất trong một thập kỷ và lần đầu tiên cao hơn của Trung Quốc trong gần ba mươi năm qua. Đây là chỉ dấu đáng khích lệ.
Nhưng điều quan trọng hơn là liệu Việt Nam có tiếp tục đổi mới để duy trì được tốc độ tăng trưởng này trong những năm tiếp theo hay không là điều đáng suy nghĩ.
Và điều quan trọng nhất, chúng ta có dám thay đổi để tiến bước theo những giá trị, tiêu chuẩn văn minh, phổ quát của nhân loại trong nhiều lĩnh vực để thực sự hóa hổ?
Tô Hoàng
Theo VietnamNet