Việt Nam trở thành trung tâm sửa chữa máy bay Sukhoi cho cả Đông Nam Á?

04/08/2018 17:18

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, với tay nghề và hiệu quả công việc đã được kiểm nghiệm qua thực tế, Nhà máy A32 hoàn toàn đủ khả năng tiến lên trở thành trung tâm sửa chữa lớn tiêm kích Sukhoi cho cả khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, với tay nghề và hiệu quả công việc đã được kiểm nghiệm qua thực tế, Nhà máy A32 hoàn toàn đủ khả năng tiến lên trở thành trung tâm sửa chữa lớn tiêm kích Sukhoi cho cả khu vực Đông Nam Á.

Nhà máy A32 trực thuộc Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân là cơ sở đầu ngành trong việc sửa chữa, tăng hạn máy bay chiến đấu cho Không quân nhân dân Việt Nam.

Trong năm 2016, Nhà máy A32 cùng các chuyên gia đến từ Ukraine đã hoàn thành chương trình đại tu, tăng hạn sử dụng cho chiếc tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 sau khi nó đã trải qua 20 năm tại ngũ.

Chiếc tiêm kích trên đã ngay lập tức quay trở lại thành phần trực chiến của Trung đoàn 925 và còn tham gia diễn tập bắn đạn thật tiêu diệt mục tiêu mặt đất

Điều này đã chứng minh năng lực của các kỹ sư quân sự Việt Nam trong việc sửa chữa lớn chiến đấu cơ hiện đại, điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

Thành công của chương trình đại tu, sửa chữa lớn chiến đấu cơ Su-27UBK (phiên bản 2 chỗ ngồi) đã tạo tiền đề để đơn vị thực hiện nội dung tương tự đối với biến thể Su-27SK (phiên bản 1 chỗ ngồi).

Với những kinh nghiệm thu được, đầu năm 2017, Nhà máy A32 đã đẩy nhanh tiến độ bằng cách đưa 2 chiếc Su-27SK số hiệu 6001 và 6003 lên dây chuyền bảo dưỡng cùng lúc.

Gần đây trong một phóng sự của Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam trên dây chuyền sửa chữa lớn của Nhà máy A32 đã xuất hiện thêm 2 chiếc Su-27 nữa đó là tiêm kích Su-27SK số hiệu 6002 và Su-27UBK số hiệu 8522.

Việc liên tiếp đưa các chiến đấu cơ Su-27SK/UBK lên dây chuyền đại tu sửa chữa lớn với thời gian hoàn thành ngày càng nhanh cho thấy Việt Nam đã thực sự làm chủ công nghệ tăng hạn cho dòng tiêm kích hiện đại này.

Ngoài Su-27, hiện nay Phân xưởng 6 - Nhà máy A32 còn bắt đầu tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật và sửa chữa nhỏ cho dòng chiến đấu cơ tối tân hơn là Su-30MK2, tạo tiền đề cho việc tiến tới đại tu sửa chữa lớn trong tương lai.

Như vậy có thể thấy mặc dù tiềm lực tài chính cũng như khoa học kỹ thuật còn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực nhưng Việt Nam lại đạt được thành tựu không hề nhỏ trong lĩnh vực hàng không quân sự.

Chúng ta là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có thể sửa chữa lớn chiến đấu cơ họ Flanker mà không phải gửi máy bay về Nga để tiến hành bảo dưỡng.

Điều này còn mở ra triển vọng trong tương lai Việt Nam có thể tiến tới trở thành nơi cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa lớn tiêm kích họ Flanker cho các quốc gia trong khu vực.

Mới đây một quốc gia Đông Nam Á khác cũng được trang bị Su-27SK và Su-30MK2 như Việt Nam đã phải mang máy bay sang Nga để sửa chữa do ngành công nghiệp quốc phòng nội địa chưa đáp ứng nổi.

Indonesia và cả Malaysia (quốc gia được trang bị tiêm kích Su-30MKM) đang tìm kiếm một cơ sở sửa chữa máy bay lân cận để giảm thời gian cũng như chi phí đại tu, sửa chữa lớn.

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm kỹ thuật hàng không hàng đầu khu vực Đông Nam Á khi kinh nghiệm và tay nghề của chúng ta đã được khẳng định.

Việt Dũng

Theo An Ninh Thủ Đô