TDo giới hạn về nguồn vốn đầu tư vào tài sản cố định và nhu cầu sử dụng hiện tại chưa khai thác hết dự án, Vietinbank đã xin ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án Vietinbank Tower.
Công trình Vietinbank Tower đang xây dựng dở dang tại Ciputra
Tờ
trình tại ĐHCĐ bất thường năm 2018 ngày 8/12 của Vietinbank cho biết,
HĐQT của ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại Dự án
đầu tư tòa nhà Trụ sở chính VietinBank (Vietinbank Tower) tại Khu đô
thị Ciputra.
Theo đó, ngân hàng sẽ ưu tiên chuyển nhượng toàn bộ
tài sản của dự án. Sau đó VietinBank sẽ thuê tại tháp 68 tầng để làm Trụ
sở làm việc. Hết thời hạn thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá
tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.
Phương
án 2 là chuyển nhượng một phần tài sản của dự án gồm Tòa tháp 48 tầng,
Khối đế và các tài sản khác (nếu có thỏa thuận). Riêng tòa tháp 68 tầng,
Vietinbank vẫn sở hữu để làm Trụ sở làm việc.
Đối với phương án
này, ngân hàng sẽ xin chủ trường của Ngân hàng Nhà nước để điều chỉnh
tổng mức đầu tư của tháp 68 tầng để triển khai thực hiện hoàn thành tòa
nhà làm trụ sở chính.
Trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn
bộ dự án hoặc một phần dự án, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai đầu tư
dự án, thúc đẩy nhanh tiến độ, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của
ngân hàng. Đây được xem làm phương án 3.
HĐQT của Vietinbank cho
biết, lộ trình tăng vốn điều lệ của ngân hàng chưa được thực hiện theo
kế hoạch, ảnh hưởng giới hạn vốn đầu tư vào tài sản cố định (trong đó có
dự án Vietinbank Tower) gây ra khó khăn về nguồn vốn để thực hiện dự án
này.
Theo phương án đầu tư được thông qua từ năm 2013, Vietinbank
Tower có tổng mức đầu tư hơn 10.267 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 tòa tháp
68 tầng và 48 tầng cùng khối đế 8 tầng và 2 tầng hầm được xây dựng trên
diện tích khoảng 30.000 m2.
Tòa tháp 68 tầng theo kế hoạch được sử
dụng làm trụ sở của Vietinbank, phần còn lại của dự án là khách sạn,
căn hộ cho thuê, khu thương mại dịch vụ. Tuy nhiên trong văn bản mới
đây, Vietinbank cho biết nhu cầu hiện tại của ngân hàng chưa khai thác
tối đa tiềm năng của dự án này.
Dự án được khởi công từ năm 2010
nhưng đến nay mới hoàn thiện xong phần móng, khối đế và một số tầng của
của hai tòa tháp. Sau khi lỗi hẹn vào năm 2014, dự án được kỳ vọng hoàn
thành vào cuối năm nay nhưng khó khăn về vốn đầu tư đã khiến Vietinbank
quyết định tái cấu trúc dự án.
Vietinbank Tower nằm trong Khu đô
thị Ciputra, rộng hơn 300ha được chia làm 3 giai đoạn, công bố quy hoạch
riêng, do liên doanh UDIC (30%) và Ciputra Indonesia (70%) phát triển.
Tuy
vậy liên doanh này chỉ phát triển một phần dự án, nhiều chủ đầu tư khác
đang tham gia vào xây dựng Khu đô thị này với các hình thức khác nhau
như nhận chuyển nhượng lại các lô đất riêng lẻ từ Ciputra, nhận đất đối
ứng từ TP Hà Nội cho các dự án BT hoặc phát triển các dự án nhà ở thuộc
chương trình nhà ở chính sách của Thành Phố.
Ngoài Vietinbank
Tower, khu trung tâm thương mại lớn nhất của Ciputra đã được bán cho tập
đoàn Lotte Hàn Quốc để xây dựng Lotte Mall. Dự án này khởi công và hoàn
thiện phần móng nhưng đã dừng thi công từ năm 2012 đến nay. Hiện Lotte
vẫn chưa khởi động lại dự án này.
Một công ty bất động sản khác là
Sunshine Group hiện đang phát triển nhiều dự án tại Khu đô thị này với
các vai trò khác nhau như chủ đầu tư trực tiếp sau khi mua lại đất từ
liên doanh Ciputra hoặc đơn vị phát triển dự án cùng với các chủ đầu tư
được giao đất.
Ngoài hai dự án đang hoàn thiện là Sunshine City và Sunshine Riverside, công ty này còn ít nhất hai dự án khác tại khu đô thị này gồm một dự án thấp tầng và một dự án gồm các lô cao tầng quy mô khoảng 40.000 m2.
Theo MInh An/TheLeader