Một tháng trước khi tròn 60 tuổi, ông Tuyến được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (tháng 6/2010). Đứng trước 2 lối rẽ, “gác kiếm” về vui thú điền viên cùng vợ con và tham gia cứu vớt “con tàu Vinashin” với cương vị Tổng giám đốc, ông chọn lối rẽ sau.
Nhưng cái giá mà ông phải trả thì quá đắt, để trở thành “người đốc công” lớn của ngành xây dựng ông mất 6 năm, 6 tháng, tạo nên thương hiệu Trương Văn Tuyến - Dầu Khí lẫy lừng trong nước và quốc tế. Nhưng chỉ cần 3 năm, Trương Văn Tuyến – Vinashin đã vướng ngay vào vòng lao lý, ở cái tuổi mà bạn bè ông đã phần đã vui thú tuổi già. Trách ai?
Anh em Dầu khí tính, kể từ khi rời Tổng công ty Lắp máy Việt Nam tháng 12/2003 gia nhập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hành trình có được danh hiệu AHLĐ mất đúng 6 năm, 6 tháng. Tên tuổi ông gắn liền với dự án là Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
Những công nhân thi công Dung Quất kể lại: “Hôm trước, ông có thể ngồi tiếp khách nước ngoài tại Khách sạn Petro Sông Trà (sang nhất Quảng Ngãi bấy giờ) cùng chai rượu ngoại đắt tiền, cả chục triệu đồng nhưng hôm sau có thể trải lá bao xi măng, ngồi uống rượu cuốc lủi với lòng lợn với anh em một các ngon lành, không hề khách khí”.
Để chậm tiến độ, giao ban ông thẳng thắn nói như “hắt nước vào mặt” cán bộ Lilama, những đồng nghiệp cũ của mình nhưng khi biết họ khó khăn về vốn thi công, ông lại sẵn sàng linh động giải quyết ngay.
Tháng 10/2010, ông rời Tập đoàn Dầu Khí trở thành Tổng giám đốc Vinashin, khi bước sang tuổi 61 được 3 tháng.
Một quyết định mà khá nhiều người can ngăn vì lúc đó Vinashin lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Ngoài việc mất cân đối tài chính, sản xuất đình trệ, hàng vạn người lao động có nguy cơ mất việc làm, không có thu nhập. Nhưng ông chọn và vì sao thì đến giờ cũng chỉ có chính ông mới biết được.
3 năm ở Vinashin chỉ để ông đủ hiểu, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam còn rất non trẻ về khoa học công nghệ, thiết bị, máy móc, vật liệu hầu hết phải nhập ngoại. Những người tiền nhiệm chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng của các chủ tàu nước ngoài, chưa thể tự thiết kế ra những dòng tàu biển mới. Sản phẩm của Vinashin vẫn chỉ là những con tàu công suất vừa và nhỏ mà vì lý do môi trường, nhiều quốc gia “né” không đóng trong nước.
Ông và các công sự loay hoay để làm sao nâng được tỷ lệ 30% giá trị đóng mới khi nhẩm tính 70% giá trị con tàu đóng tại Vinashin là nhập ngoại từ thiết kế bản vẽ, vật liệu, máy móc, động cơ của tàu đều nhập ngoại thì “hết giờ”. Người ta thấy để Vinashin vượt qua khủng hoảng, gồng mình để trả hết nợ và vươn lên làm ăn có lãi phải là “thuyền trưởng” khác, chứ không phải ông. Nghiệt ngã của số phận là thế!
Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố bị can; bắt ông Trương Văn Tuyến (nguyên tổng giám đốc Vinashin) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Tuyến được cho là đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền của tập đoàn (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trái quy định pháp luật. Có dấu hiệu là đồng phạm với Trần Đức Chính (kế toán trưởng Vinashin) trong việc chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng từ Oceanbank.
Theo Dân Việt