Vingroup 'gả bán' Vinmart và VinEco: Tại sao lại là Masan?

03/01/2020 23:10

Thương vụ M&A giữa Vingroup và Masan gây chấn động dư luận và được coi là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ. Mặc dù khá bất ngờ nhưng đi sâu vào phân tích sẽ thấy đây là một nước cờ khôn ngoan và cũng đầy trách nhiệm của hai tỷ phú đô la.

Thương vụ M&A giữa Vingroup và Masan gây chấn động dư luận và được coi là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ. Mặc dù khá bất ngờ nhưng đi sâu vào phân tích sẽ thấy đây là một nước cờ khôn ngoan và cũng đầy trách nhiệm của hai tỷ phú đô la.

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Tập đoàn Vingroup cho biết, lý do quyết định hợp tác với Massan là mong muốn đưa VinCommerce và VinEco phát triển lên tầm cao mới, đồng thời tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp – công nghệ.

Thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

VinCommerce là đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup hiện sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam cùng thương hiệu rau an toàn VinEco.

Masan Consumer Holdings là công ty thành viên của Tập đoàn Masan được thành lập năm 2013, hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng bao gồm các loại thực phẩm và nước giải khát với nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường như Chinsu, Nam Ngư, Vinacafe…

Các sản phẩm của Masan vốn đã ngập tràn trong hệ thống VinMart.

Thương vụ này tiếp tục chứng minh triết lý kinh doanh của Masan Group, đó là “không tham gia cổ phần thiểu số”, hay nói cách khác là không đầu tư thụ động và luôn nắm quyền kiểm soát tại doanh nghiệp. Điều này giúp Masan chủ động nâng cao giá trị và áp dụng những chuẩn mực tốt nhất.

Trong chiến lược thực thi, Masan cũng công bố chỉ cạnh tranh trong các lĩnh vực có thể mang lại quy mô lớn với các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Đồng thời, xác định ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên là những lĩnh vực trọng điểm của mình.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng các thương vụ mua bán công ty, đồng thời phát triển các doanh nghiệp hiện tại. Chúng tôi chỉ thực hiện các giao dịch nắm quyền kiểm soát với các doanh nghiệp mà chúng tôi tin tưởng có thể trở thành công ty dẫn đầu thị trường.” – Tập đoàn Masan cho hay.

Trong khi đó, Vingroup sau khi phát triển hệ thống VinMart, VinMart+ trở thành hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam từ việc lần lượt mua lại OceanMart, Fivi Mart, Shop&Go,… chỉ trong vòng 5 năm đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trước làn sóng mở rộng của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại.

Việc VinMart, VinMart+ đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia bán lẻ ngoại đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam (trong đó có Masan) giữ vững thị phần thông qua kênh phân phối này. Đã có thời, người Việt lo lắng khi thị phần bán lẻ lần lượt rơi vào tay người Thái, người Nhật, người Hàn, hệ quả nhãn tiền là hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống của những ông chủ ngoại.

Theo các chuyên gia phân tích, việc hai tỷ phú Việt từng trở về từ Đông Âu lựa chọn hợp tác với nhau là một tín hiệu tốt không những cho hai tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam mà cả cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Masan là “ông lớn” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng như mì gói, nước mắm, thịt lợn,… với hàng trăm loại sản phẩm mang thương hiệu khác nhau. Nắm được hệ thống bán lẻ lớn nhất này, ông Nguyễn Đăng Quang đã có thể tự tin mở rộng thị phần cho các sản phẩm của Masan. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng có thêm hàng tỷ USD để tập trung phát triển Vingroup trở thành tập đoàn sản xất – công nghệ hàng đầu khu vực.

Rõ ràng, cái bắt tay giữa hai tỷ phú Việt sẽ giúp hai tập đoàn Vingroup và Masan Group phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn. Masan sẽ tập trung phát triển ngành tiêu dùng và bán lẻ, Vingroup tập trung đầu tư và phát triển công nghiệp và công nghệ.

Cần thêm thời gian để trả lời Masan có thành công khi tự mình vận hành hệ thống bán lẻ hay không, nhưng rõ ràng thương vụ M&A này là một tín hiệu tốt không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế.

Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Hiền Anh

Theo Infonet