Sau khi đại diện Eximbank xác nhận số vàng trong tài khoản của bà Thảo từng gửi tại ngân hàng này là 10.000 chỉ, không phải 10.000 lượng, phía ông Vũ điều chỉnh số tiền phản tố.
-
Vợ chồng ông Vũ đã đạt được những thỏa thuận gì?
Sáng 27/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
3 tuần trước, phiên tòa tạm dừng với lý do để xác minh số dư tài khoản gồm tiền, vàng trị giá hơn 2.100 tỷ đứng tên bà Thảo tại ngân hàng BIDV, Vietcombank và Eximbank. Đây là yêu cầu phản tố của ông Vũ tại Tòa vì cho rằng là tài sản chung của vợ chồng cần phải phân chia. Phía bà Thảo không đồng ý vì cho rằng ông Vũ đã rút phần yêu cầu này và nhấn mạnh tiền đã hết sau thời điểm Tòa xác minh.
Hai bên đã thống nhất giao cho bà Thảo nuôi 4 người con. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ/năm cho các con tính từ năm 2013 đến khi chúng học xong đại học. Về bất động sản cũng đã thỏa thuận cho bà Thảo nhận 7 bất động sản đang quản lý, ông Vũ nhận 6 bất động sản. Riêng bà Thảo được sở hữu căn nhà ở Tú Xương (quận 3).
Về cổ phần tại các công ty, ông Vũ và bà Thảo vẫn tranh cãi tỷ lệ chia. Ông Vũ đề nghị chia 7:3, trong khi bà Thảo yêu cầu được chia 51% tại Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Đây cũng chính là công ty nắm quyền chi phối Tập đoàn Trung Nguyên.
-
Chủ tọa công bố số dư tài khoản của bà Thảo
Khoảng 7h45, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tới tòa. Khác với những ngày xét xử trước đó, ông không khoác áo vest đen bên ngoài, thay vào đó là chiếc áo gile đen. Ông Vũ thoải mái trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề của cuộc sống, về Trung Nguyên. Theo ghi nhận của phóng viên, lúc 8h, bà Thảo cũng vào phòng xét xử.
Sau 15 phút, HĐXX vào làm việc. Chủ tọa nhắc lại lý do phiên tòa tạm dừng phiên tòa trước đó là để xác minh số dư tài khoản của bà Thảo tại các ngân hàng. Chủ tọa công bố theo xác minh, số dư tài khoản của bà Thảo tính đến thời điểm này ở các ngân hàng không còn, chỉ còn 1,3 tỷ tại ngân hàng Eximbank.
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi, để các bên đương sự hỏi các bên xoay quanh số tiền này.
-
2.100 tỷ là tài sản chung hay riêng?
Phía ông Vũ khẳng định khoản tiền phản tố 2.100 tỷ là tiền trong tài sản chung, đã được làm rõ trước tòa. “Chúng tôi cho rằng là tài sản chung. Nguyên đơn nếu như không có xác nhận đã chi tiêu vào khoản nào thì đây là tài khoản cá nhân của nguyên đơn nên chúng tôi không có câu hỏi nào thêm”, đại diện phía ông Vũ nói.
Còn phía bà Thảo cho rằng nếu tòa làm theo quy định pháp luật thì không kéo dài đến hôm nay. Đại diện theo pháp luật hỏi ông Vũ theo xác minh ghi 10.000 chỉ vàng, tại sao lại hiểu 1 chỉ là 1 lượng? “Nếu ông Vũ cho rằng tài sản chung thì căn cứ tạo lập tài sản chung là gì?”, đại diện bà Thảo hỏi.
“Tài sản tạo lập trong hôn nhân thì là tài sản chung”, phía ông Vũ đáp.
Đại diện cho bà Thảo tiếp tục nhấn mạnh: Tài sản có được phải do căn cứ tạo lập, do thu nhập hay tặng cho, hợp đồng khác. Phải căn cứ tạo lập để xác định đó là tài sản chung. Nguyên đơn cho rằng suy luận trên là thiếu cơ sở.
Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị dừng tòa
“Về mặt tố tụng, khi người ta có phản tố và tòa tiến hành thụ lý thì bên phản tố phải có bản tự khai thì mới có quan điểm, ý kiến về phản tố”, đại diện cho bà Thảo tiếp tục có ý kiến về thủ tục tố tụng của tòa.
Khi phía ông Vũ trình bày lại quá trình phản tố đối với số tiền này, phía bà Thảo ngắt lời, cho rằng nếu như ai đó cho bà Thảo vay tiền, tiền chạy vào tài khoản của bà Thảo thì bên ông Vũ suy luận cũng là tài sản chung hay sao? Bị đơn nhấn mạnh: Trừ khi nguyên đơn xác định đó là tài sản riêng.
Đại diện bà Thảo cho rằng ông Vũ phản tố mà không đưa ra căn cứ xác lập đó là tài sản chung thì phản tố làm gì? Và đặt câu hỏi đây có phải là hành vi cản trở tố tụng hay không? “Căn cứ chúng tôi đưa ra, xác minh là việc của tòa án”, phía ông Vũ nói.
Bà Thảo cho rằng điều này không chỉ ảnh hưởng uy tín cá nhân mà còn tác động yêu cầu xã hội. Phía bà Thảo yêu dừng phiên tòa để làm rõ, để bà Thảo có ý kiến về yêu cầu phản tố vì phiên tòa này chưa có đủ cơ sở để giải quyết. Chứng cứ tòa muốn lập không đủ là cơ sở để quyết định.
"Đề nghị HĐXX tiếp tục ngừng phiên tòa trong thời gian ngắn để đảm bảo việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật", người này nói.
-
-
Kết thúc phần tranh luận giữa hai bên, HĐXX bắt đầu hỏi đại diện của ông Đặng Nguyên Vũ. Phía ông Vũ và Trung Nguyên khẳng định bà Thảo chi tiêu không có thông báo gì cho ông Vũ. Trong khoảng thời gian 2015-2106, các công ty của Trung Nguyên không thay đổi giấy phép kinh doanh và công ty cũng không thực hiện thủ tục tăng vốn theo điều lệ của công ty.
-
HĐXX hỏi bà Thảo về việc rút 2.100 tỷ đồng
Chủ tọa tiếp tục hỏi bà Lê Hoàng Diệp Thảo về mục đích rút số tiền hơn 2.100 tỷ ra khỏi tài khoản. Người đại diện của bà Thảo cho biết vì số tiền trên không phải là tài sản chung và là bí mật cá nhân nên không chia sẻ tại tòa.
“Nếu bên bị đơn cho rằng là tài sản chung thì chúng tôi mới khai”, người này nhấn mạnh.
Chủ tọa hỏi bà Thảo có chứng minh gì chứng minh là tài sản riêng không? Phía bà Thảo cho rằng đây là câu hỏi thiếu khách quan cũng như lời khuyên của chủ tọa hôm trước dành cho bà Thảo. Phía bà Thảo tiếp tục khẳng định trừ khi ông Vũ chứng minh được đó là tài sản chung, còn phía bà Thảo không có nghĩa vụ chứng minh khoản tiền 2.100 tỷ là tài sản riêng.
-
Ông Vũ đề nghị chia 2.100 tỷ theo tỷ lệ 7:3
Tham gia xét hỏi, đại diện viện kiểm sát đề nghị phía bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về nguồn gốc số tiền 2.100 tỷ mà ông cho rằng là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và đề nghị chia theo tỷ lệ 7:3.
Phía ông Vũ tiếp tục khẳng định với cơ quan công tố rằng 2.100 tỷ là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Do là tài sản chung nên phía ông Vũ đề nghị chia theo tỷ lệ 7:3.
-
“Tiền ổ đâu mà có? Do hoạt động kinh doanh hay sao?”, viện kiểm sát hỏi.
Người đại diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói: “Là tiền thu nhập của 2 vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, kết quả kinh doanh”. Đại diện của ông Vũ nói vợ chồng bà Thảo có lương, có cổ tức rõ ràng, chỉ cần yêu cầu các công ty cung cấp số liệu sẽ sáng tỏ.
“Nếu số đó vượt qua cổ tức mà vẫn đòi được chia thì có lẽ phạm vào tội trốn thuế chứ không phải cứ đòi chia”, vị đại diện đề nghị tòa làm rõ và nhấn mạnh luật quy định rõ về thời điểm tạo lập, yêu cầu tạo lập thì mới chia được, còn yêu cầu tại phiên tòa là có dấu hiệu cản trở tố tụng. Bà Thảo chỉ có một cổ tức thôi.
-
Viện kiểm sát truy vấn bà Thảo về số tiền 2.100 tỷ
2.100 tỷ có phải do hoạt động kinh doanh mà có không? Trả lời câu hỏi của viện kiểm sát, đại diện bà Thảo nói: “Tôi không khẳng định tài sản riêng của và Thảo nhưng không phải là tài sản chung của vợ chồng”. Người này cho rằng số tiền 2.100 tỷ không nhất thiết phải là tài sản chung hay riêng mà có thể tài sản của người khác. Khi viện kiểm sát tiếp tục đề nghị làm rõ, phía bà Thảo cho rằng câu hỏi từ cơ quan công tố không khách quan. Đại diện bà Thảo cho rằng khi người khởi kiện không đưa ra được căn cứ chứng minh thì bà không có nghĩa vụ phải làm rõ.
“Nếu nguyên đơn không chứng minh đó là tài sản riêng thì theo pháp luật, có cơ sở chứng minh là tài sản chung. Đề nghị nguyên đơn chứng minh căn cứ để chứng minh số tiền này”, viện kiểm đề nghị phía bà Thảo trả lời câu hỏi.
“Luật Hôn nhân Gia đình chỉ yêu cầu chứng minh tài sản chung - riêng, chứ không yêu cầu chứng minh tiền đang cầm của ai. Nếu chỉ xác định số liệu ngân hàng thì không phải là chứng cứ. Nếu cơ sở ông Vũ cung cấp phù hợp căn cứ xác minh tại ngân hàng thì mới phù hợp”, người đại diện trả lời.
Viện kiểm sát tiếp tục hỏi đại diện nguyên đơn: Trước hôn nhân bà Thảo có được tặng cho tài sản riêng? Câu trả lời nhận được là “không”.
-
10.000 chỉ hay 10.000 lượng?
Để làm rõ câu hỏi từ phía bà Thảo, số dư trong tài khoản có ghi 10.000 chỉ hay 10.000 lượng vàng, VKS mời đại diện ngân hàng Eximbank làm rõ thắc mắc. Đại diện Eximbank cho rằng có văn bản gửi cho tòa nên không có ý kiến bổ sung.
Khi VKS đề nghị giải thích rõ trong văn bản trả lời thì số đó là 10.000 chỉ hay 10.000 lượng, vị đại diện ngân hàng tiếp tục nhấn mạnh đã cung cấp cho tòa tại thời điểm phát sinh giao dịch, không có mang theo tài liệu nên không trả lời được.
-
Từ khi cưới nhau, anh có bao giờ chuyển cho em đồng nào hay không?
Khi HĐXX thông báo kết thúc phần xét hỏi, bà Thảo đề nghị hỏi ông Vũ. "Anh muốn chia tài khoản trong tài khoản của em, tiền đó ở đâu ra. Từ khi mình cưới nhau đến giờ, anh có bao giờ chuyển cho em đồng nào hay không?”, bà Thảo hỏi.
Người đại diện định trả lời thì bà Thảo không đồng ý, đề nghị chính ông Vũ phải trả lời. Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh có 2 loại câu hỏi: có câu hỏi nhờ trả lời, có câu hỏi phải trả lời. Chủ tọa ngắt lời : “Cái này chúng tôi biết”. Bà Thảo vẫn muốn ông Vũ trả lời câu hỏi này nhưng ông vẫn ngồi im, không đồng ý.
Người đại diện thay mặt trả lời, toàn bộ tiền bạc đều giao cho bà Thảo.
"Câu hỏi này chỉ mình anh Vũ mới trả lời được thôi. Luật sư không thể trả lời được. Từ khi cưới nhau, anh có đưa em giữ đồng nào hay chuyển vào tài khoản em một đồng nào hay không? Tôi cần anh Vũ trả lời”, bà Thảo tha thiết.
Ông Vũ định không trả lời nhưng trước sự đôi co hai phía, ông Vũ đứng dậy, cầm mic nói: "Nói lời nào cũng chạm nỗi đau. Gần như tôi im lặng, cái nào nói đã nói rồi. Gia đình, ai cũng hiểu. Hãy nói bằng cái lòng của cô. 5 năm nay tôi cũng không ai muốn nói cái gì hết. Cô đừng đứng đây mà đôi co. Tiền ở đâu? Phản tố cũng vậy, thẩm phán biết hết. Tôi đã nói để Trung Nguyên cho Qua. Tiền 20 năm nay có ai giành đồng nào...".
Bà Thảo đề nghị ông Vũ trả lời vào câu hỏi, chủ tọa hỏi lại ông Vũ có trả lời câu hỏi này hay không, ông Vũ nói không trả lời nữa. Bà Thảo chen ngang: "Anh Vũ không chuyển cho tôi một đồng nào"
-
Phía bà Thảo chất vấn về chuyện siêu xe, các khoản từ thiện
Luật sư phía bà Thảo hỏi tổng số tiền mà Tập đoàn Trung Nguyên chi cho các từ thiện, đóng góp cho xã hội là bao nhiêu? Phía ông Vũ cho rằng câu hỏi này không liên quan và không trả lời.
Phía bà Thảo hỏi tiếp vậy các siêu xe, các khoản từ thiện, nghe chi 5 tỷ đô tạo lập Khởi nghiệp thanh niên có phải là tài khoản chung không? Phía ông Vũ cho rằng tổng số siêu xe, khoản từ thiện là phương án kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên, không liên quan đến tài khoản vợ chồng.
-
Luật sư của ông Vũ: Chúng tôi không có nghĩa vụ chứng minh 2.100 tỷ là tài sản chung
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ cho ông Vũ) nhắc lại đây không phải là yêu cầu phản tố mới tại tòa mà là yêu cầu phản tố được đưa ra từ trước và bị đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu này. Luật sư Tâm nói lý do phản tố đã trình bày rõ.
"Số tiền 2.100 tỷ, về nguyên tắc tài sản do vợ chồng tạo lập trong tời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Ai đó cho rằng không phải là tài sản chung thì phải chứng minh đó là tài sản riêng hoặc vay mượn được sự đồng ý của cả hai", luật sư này trình bày. Người bảo vệ cho ông Vũ cho rằng khi quan hệ hôn nhân chưa được tòa án quyết định thì thời kỳ hôn nhân vẫn còn, chứ không phải từ khi gửi đơn xin ly hôn. Tài sản của vợ chồng gồm bất động sản, các cổ phần…
"2.100 tỷ là tài sản chung vợ chồng đứng dưới tên bà Thảo. Về nguyên tắc tài sản đứng tên vợ chồng thì là tài sản chung, chúng tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh đó là tài sản chung nữa. Nguồn gốc số tiền này là bắt nguồn thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong suốt hơn 20 năm. Ông Vũ đã nói 20 năm qua, ông chỉ quan tâm phát triển Trung Nguyên mà do bà Thảo quản lý hết…. Một người vợ quản lý hết tiền của gia đình thì đó là tài sản chung. Nếu nguyên đơn nói đó là tài sản riêng thì phải chứng minh còn chúng tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh. Pháp luật đã xác định cho chúng tôi điều đó nên không cần phải chứng minh”, luật sư tranh luận và cho rằng quan điểm của ông Vũ là tòa công nhận số tiền phản tố, xem xét trên yêu cầu của phía ông Vũ chia theo tỷ lệ 7:3.
-
'Phản tố của ông Vũ là đúng luật'
Tiếp lời, luật sư Trương Thị Hòa (ảnh) đề nghị tòa xem xét tài sản do bà Thảo đứng tại các tài khoản ngân hàng liên quan tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Luật sư Hoàng Nhân nhấn mạnh quá trình phản tố của ông Vũ là đúng theo pháp luật, đúng quá trình tố tụng và khẳng định ngay khi ông Vũ phản tố, bà Thảo đã có đơn ý kiến về yêu cầu phản tố này. Điều đó chứng minh phía bà Thảo cũng đã biết và có ý kiến.
"Tiền không chi tiêu cho gia đình, không tái đầu tư. Bà Thảo không được tặng cho bất cứ tài sản nào trong quá trình hôn nhân. Và những vấn đề này luật sư phía bà Thảo đã trả lời nên chúng tôi không cần nói thêm”, luật sư của ông Vũ kết thúc phần tranh luận.
-
2.100 tỷ tạo lập thời gian nào?
Luật sư Phan Trung Hoài (ảnh) đề nghị HĐXX xem xét thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, đó là trước khi tòa mở phiên xử. Khi ông Vũ rút yêu cầu phản tố thì trong biên bản giao nộp chứng cứ lần cuối cùng không có nhắc lại yêu cầu phản tố với số tiền này. Do đó, luật sư Hoài cho rằng các bên chưa hề có đánh giá và trình bày.
Cơ quan công tố cho rằng bà Thảo phải chứng minh. Tuy nhiên, theo luật sư thì phía phản tố phải chứng minh chứ bà Thảo không có nghĩa vụ phải chứng minh. Xoay quanh việc phản tố này, luật sư cho rằng chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, yêu cầu này phải được tách ra.
Bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo, luật sư Phan Trung Hoài đi vào làm rõ 2 vấn đề, đó là: Tiền vàng quy đổi ra có phải là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân hay không và có được thu thập theo đúng thủ tục tố tụng hay chưa?
Luật sư đính chính ý kiến của luật sư phía ông Vũ cho rằng hôn nhân kết thúc khi có bản án của tòa, nhưng theo quy định tại Luật Hôn nhân Gia đình không có câu chữ nào ghi về điều này. "Ngày chấm dứt hôn nhân khác với bản án tòa tuyên”, luật sư này nói.
Luật sư chỉ ra có 2 nguồn quan điểm của ông Vũ nói về khoản tiền này. Ông Vũ cho rằng đây là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nhưng lại chưa chứng minh được. Ông Vũ đang cung cấp cho tòa số dư tài khoản tại thời điểm tòa xác minh có hiện diện các khoản tiền đó nhưng theo Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự có quyền chủ động thu thập chứng cứ nộp cho tòa nhưng phải chứng minh có căn cứ.
"Ông Vũ nói không quan tâm tiền bạc thì làm sao ông biết 2.100 tỷ trong tài khoản bà Thảo là tạo lập trong thời kỳ hôn nhân? Chưa nói đến tranh cãi thời kỳ hôn nhân chấm dứt khi nào mà chỉ nói trên yêu cầu xác minh của tài khoản có thực tế chứng minh hơn 2.100 tỷ tạo lập thời gian nào?”, luật sư Hoài chất vấn.
Phía ông Vũ xác minh yêu cầu tại ngân hàng Vietcombank, công văn trả lời thể hiện ngày phát sinh giao dịch là tháng 1/2016 - sau thời điểm bà Thảo khởi kiện tranh chấp ly hôn. "Trong yêu cầu phản tố đó có 10.000 lượng vàng, sau tranh cãi, tòa thận trọng hỏi đại diện Eximbank là lượng hay chỉ thì hóa ra là 10.000 chỉ. Lúc này phía ông Vũ mới nói tính toán điều chỉnh lại. Điều này làm dư luận hiểu không đúng. Đó là 10.000 chỉ chứ không phải 10.000 lượng. Chính sự không chắc chắn trong yêu cầu phản tố cho thấy sự không rõ ràng trong việc yêu cầu phân chia tài sản tại ngân hàng, chưa kể là có yêu cầu xác minh tại tài khoản ngân hàng nước ngoài. Điều này có nghĩa là chưa đủ cơ sở chứng minh đây là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân”, luật sư Hoài nhận định.
-
'Ông Vũ yêu cầu chia 70% là không có căn cứ'
Tiếp tục tranh luận, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu ông Vũ hợp tác hơn trong việc làm rõ các vấn đề tại tòa thì sẽ dễ dàng hơn trong việc xét xử. Bởi có những vấn đề luật sư không thể hiểu rõ.
Luật sư Nghĩa nói ông Vũ không chứng minh gì cả mà yêu cầu chia 70% là không có căn cứ. Luật sư đề nghị tòa bác bỏ yêu cầu này trong vụ ly hôn vì không đủ chứng cứ. "Không thể có một phán quyết về khoản tiền này dựa trên những cái hiện có mà phải bác bỏ", vị luật sư trình bày.
Người đại diện cho bà Thảo đề nghị HĐXX bác yêu cầu của ông Vũ là vàng tại ngân hàng. Người này cho rằng quan điểm "không quan tâm đến tiền" của ông Vũ mang ý nghĩa là: Không biết số tiền mình ở đâu và số tiền bao nhiêu, chỉ cần biết "cá ở ao ta là của ta". Phải xem thời điểm rút yêu cầu phản tố, ý chí thể hiện lại phản tố này. Việc phản tố không có căn cứ. Đề nghị tòa bác bỏ”, luật sư Nghĩa kết thúc phần tranh luận.
Theo Zing