Vợ Thủ tướng Lý Hiển Long: Từ kỹ sư đến nữ doanh nhân quyền lực bậc nhất Singapore

28/04/2017 09:58

Không chỉ được biết đến là vợ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, bà Ho Ching còn rất nổi tiếng với vai trò một doanh nhân.

Cách đây ít ngày, bà Ho Ching (Hà Tinh), phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gây xôn xao giới truyền thông Mỹ khi chỉ dùng chiếc ví 11 USD trong chuyến đến thăm Nhà Trắng.

So với đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, nhiều người đánh giá bà Ho Ching có phần kém nổi bật hơn hẳn. Thế nhưng đằng sau vẻ giản dị, thậm chí có phần xuề xòa đó lại là người phụ nữ vô cùng quyền lực trên thương trường.

Từ vị trí kỹ sư

Bà Ho Ching sinh năm 1953 trong một gia đình thương gia có 4 người con.

Ngay từ thời đi học, bà Ho Ching đã là một sinh viên nổi bật với những thành tích học tập xuất sắc. Bà từng được vinh danh là "Sinh viên của năm" khi theo học trường National Junior College (trường dự bị của Đại học Singapore, nay là trường Đại học quốc gia Singapore).

Năm 1976, bà Ho Ching tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành kỹ thuật điện trường Đại học Singapore. Cũng trong năm này, bà bắt đầu làm việc tại Bộ quốc phòng Singapore với vị trí kỹ sư. Năm 1982, bà Ho Ching tiếp tục lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật điện của Đại học Stanford (Mỹ).

Một năm sau đó, ở tuổi 30, bà trở thành Giám đốc cơ quan mua sắm quốc phòng đồng thời kiêm chức Phó giám đốc Tổ chức nghiên cứu khoa học quốc phòng của Singapore.

Chính thời gian làm việc tại Bộ quốc phòng đã đem đến cho bà Ho Ching cơ duyên quen biết và gặp gỡ với ông Lý Hiển Long - Thủ tướng hiện nay của Singapore. Họ kết hôn vào ngày 17/12/1985. Trước đó, ông Lý từng trải qua một cuộc hôn nhân khác với một bác sĩ y khoa, nhưng bà này đã qua đời vào năm 1982 vì lên cơn đau tim.

Đến doanh nhân quyền lực

Năm 1987, bà Ho Ching gia nhập Công ty công nghệ Singapore với cương vị Phó giám đốc kỹ thuật. Sau 10 năm đảm nhận nhiều trọng trách khác nhau, bà chính thức trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty vào năm 1997.

Trong những năm tháng lãnh đạo doanh nghiệp này, bà đã tiến hành cải tổ và giúp công ty phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bà Ho Ching cũng được ghi nhận là người kiến lập và đưa Công ty kỹ thuật công nghệ Singapore trở thành công ty công nghệ quốc phòng lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán ở châu Á vào năm 1997.

Sự nghiệp của bà bước sang một giai đoạn mới khi được S.Dhanabalan, Chủ tịch quỹ đầu tư của chính phủ Singapore -Temasek Holdings mời về làm việc tại đây.

Năm 2002, bà Ho Ching gia nhập Temasek với vị trí một giám đốc, sau đó tiếp tục nhậm chức CEO tập đoàn vào tháng 1/2004.

Bà Ho Ching đã có nhiều năm lãnh đạo Temasek Holdings, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore
Bà Ho Ching đã có nhiều năm lãnh đạo Temasek Holdings, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore

Theo ông Dhanabalan, việc đề bạt bà Ho Ching "không liên quan" gì đến việc bà là phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long mà vì "bà Ho là người sẵn sàng mạo hiểm một cách có tính toán". "Bà ấy là người thích hợp nhất cho công việc đó", ông Dhanabalan nhấn mạnh.

Kể từ khi giữ chức CEO, bà Ho đã đưa Temasek từ một quỹ chỉ tập trung đầu tư ở Singapore mở rộng sang châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới.

Tính đến ngày 31/3/2016, giá trị tài sản ròng danh mục đầu tư của Temasek đạt 242 tỷ đôla Singapore (179 tỷ USD), tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Qũy này hiện có 10 văn phòng đại diện trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

<br />
Một số doanh nghiệp được Temasek đầu tư<br />

Một số doanh nghiệp được Temasek đầu tư

Temasek đầu tư vào rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, như: dịch vụ tài chính, viễn thông, truyền thông và công nghệ, vận tải và công nghiệp, khoa học đời sống, ngành tiêu dùng, bất động sản, năng lượng và tài nguyên.

Tại Singapore, Temasek nắm giữ đến 56% cổ phần của hãng hàng không Singapore Airlines, 100% cổ phần hãng truyền thông MediaCorp, 100% cổ phần của Công ty cảng quốc tế PSA, 51% cổ phần Công ty kỹ thuật công nghệ Singapore (STEngineering), 30% cổ phần Tập đoàn DBS và là cổ đông lớn của nhiều công ty khác của đảo quốc sư tử (số liệu đến ngày 31/3/2016).

Danh mục đầu tư của Temasek còn có nhiều cái tên nổi tiếng khác như Tập đoàn Alibaba, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Standard Chartered...

Tại Việt Nam, Temasek cũng rót vốn vào một số doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk...

Qũy đầu tư này một trong số ít các công ty tầm cỡ toàn cầu được xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cao nhất bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm, như “AAA” bởi Standard & Poor’s hay “Aaa” bởi Moody’s.

Với tài năng và thành tích lãnh đạo của mình, bà Ho Ching thường xuyên xuất hiện trong các bảng xếp hạng những người ảnh hưởng và quyền lực nhất hành tinh.

Năm 2007, bà Ho được Tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2016, bà xếp thứ 30 trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh của Tạp chí danh tiếng Forbes, tăng 13 bậc so với năm 2015.

Theo Linh Lam

Người đồng hành