Tính trên bình quân đầu người, ngoại trừ Thung lũng Silicon, quốc gia Bắc Âu này tạo ra số lượng công ty trị giá hàng tỷ USD được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Làm thế nào để một quốc gia với dân số chỉ hơn 10 triệu dân có thể đạt được thành tích như vậy?
Trong một thập kỷ qua, Thụy Điển đã xây dựng được danh tiếng là một trung tâm đổi mới, nổi tiếng trên khắp giới công nghệ truyền thống với vai trò một trung tâm của hoạt động kinh doanh. Tính trên bình quân đầu người, ngoại trừ Thung lũng Silicon, quốc gia Bắc Âu này tạo ra số lượng công ty trị giá hàng tỷ USD được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Spotify, Skype, iZettle, Klarna, Oatly, Minecraft, King là một vài cái tên trong các startup kỳ lân ở Thụy Điển.
Tinh thần kinh doanh của Thụy Điển đã ăn sâu vào DNA của người dân nước này. Jan Stenbeck đã làm thay đổi lĩnh vực viễn thông và truyền thông vào những năm 1980s sau khi ông thành lập Modern Times Group, Millicom và Tele2, hỗ trợ nhiều nhà sáng lập công nghệ châu Âu bao gồm Niklas Zennstrom, nhà sáng lập của Skype. Các công ty này đã đặt nền tảng cho Thụy Điển trở thành trung tâm công nghệ thú vị nhất ở châu Âu vào thời điểm hiện tại.
Làm thế nào một quốc gia với chỉ 10,2 triệu dân như Thụy Điển có thể tạo ra nhiều công ty tuyệt vời như vậy?
Nhiều lý do khách quan giải thích tại sao Thụy Điển có thể thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người dân nước này: đào tạo kỹ thuật chuyên sâu trong các trường đại học, hệ thống trường học khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo, và đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất như băng thông siêu nhanh. Bên cạnh các chất xúc tác đó, một số các điều kiện đặc biệt ở Thụy Điển đã ảnh hưởng đến các doanh nhân quốc gia này về cách nhìn nhận thế giới và nắm bắt cơ hội.
Đổi mới xuất phát từ khao khát và mong muốn trao quyền. Các mạng lưới an toàn xã hội ở Thụy Điển không chỉ mang lại lợi ích cho người nghèo, mà chúng còn mong muốn trao quyền cho bất cứ ai chấp nhận rủi ro, xây dựng một doanh nghiệp từ bàn tay trắng. Nỗ lực này thể hiện sự hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn và không chỉ áp dụng cho những nhà khởi nghiệp mà còn cho các lĩnh vực sáng tạo khác như nghệ thuật – những ngành nghề thường đòi hỏi nhiều năm để thành công.
Ở Mỹ, những người sáng lập (đặc biệt là những người không nhận được đầu tư mạo hiểm vào giai đoạn đầu hoặc hưởng lợi từ tài sản của gia đình) phải chịu nhiều áp lực tài chính khác nhau. Các chi phí như chăm sóc trẻ nhỏ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, khoản vay cho sinh viên và chi phí chăm sóc người già đều là những ức chế tiềm năng cho những người sáng lập.
Trong khi đó, ở Thụy Điển, các chi phí này được chính phủ chi trả đầy đủ hoặc trợ cấp rất nhiều, loại bỏ các rào cản lớn có thể dẫn đến rủi ro hoặc cản trở quá trình khởi nghiệp.
Thị trường nội địa nhỏ. Thụy Điển là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ 10,2 triệu người. Vì thị trường nội địa không lớn, nên các doanh nhân đầy tham vọng, những người mở công ty ở Thụy Điển buộc phải sở hữu tư duy toàn cầu ngay từ đầu. Theo Ryan Darnell, hội viên quản trị và Matt Weinberg, chủ tịch sắp được bổ nhiệm của Max Ventures – một trong những quỹ đầu tư giai đoạn đầu hoạt động năng nổ nhất ở New York, nếu bạn muốn thành lập một công ty với tư duy toàn cầu, những kỳ vọng mở rộng ra thị trường quốc tế cần phải là một phần của công ty ngay từ đầu.
Rất ít doanh nhân sở hữu tư duy toàn cầu từ ngày đầu, đặc biệt là những nhà sáng lập ở các thị trường lớn như New York hay Thung lũng Silicon. Hầu hết các doanh nhân Mỹ đều không chắc rằng liệu họ có cần phải mở rộng thị trường ra ngoài nước Mỹ hay không, ít nhất là trong vòng 5 -7 năm đầu. Darnell và Weinberg tin rằng tư duy toàn cầu ngay từ khi mở công ty là lý do chính dẫn đến sự ra đời của rất nhiều nền tảng công nghệ toàn cầu ở Thụy Điển.
Dịch vụ/Tài nguyên bị hạn chế. Do dân số Thụy Điển nhỏ, quốc gia này thường bị bỏ qua và đánh giá thấp bởi các công ty nước ngoài. Ví dụ, Amazon Prime vẫn chưa mở rộng dịch vụ của họ tới Thụy Điển. Chính tình thế này đã truyền cảm hứng để các doanh nhân Thụy Điển phát triển tư duy sáng tạo và có tài xoay sở, một lợi thế rất lớn khi khởi nghiệp.
Trong thập niên 80s, 90s, Thụy Điển thường nhận được các lô hàng album (dưới dạng đĩa CD) vài tháng sau khi album đó phát hành. Hạn chế này đã khiến những đam mê âm nhạc như Daniel Ek cảm thấy được tiếp thêm động lực. Khi Daniel tạo ra Spotify ở tuổi 23, anh đã sử dụng phần mềm này để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với âm nhạc.
Vì Daniel đã phải trải qua những ngày tháng không thể mua nhạc theo nhu cầu, anh đã xây dựng một sản phẩm cung cấp truy cập âm nhạc theo yêu cầu mọi lúc mọi nơi. Hiện Spotify là một công ty toàn cầu trị giá hơn 30 tỷ USD.
Thụy Điển đã trở thành một quốc gia dẫn đầu về đổi mới ở châu Âu, một trong những nơi đã sản sinh ra nhiều công ty công nghệ kỳ lân. Mỗi công ty công nghệ thành công lại tạo ra một loạt các doanh nhân có tài năng mới.
Hệ sinh thái được làm mới, củng cố và mở rộng khi những nhân viên đầu tiên giúp xây dựng Spotify, Klarna và iZelling rời đi để bắt đầu các công ty startup của riêng họ. Nhiều nguồn lực có sẵn hơn ở địa phương, và nhiều vốn đổ vào Thụy Điển hơn để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.
Tương lai tươi sáng vẫn đang chờ đợi Thụy Điển ở phía trước, ngay cả với lịch sử lâu đời là một trung tâm đổi mới xứng đang dùng làm gương, những năm tháng thú vị nhất của quốc gia Bắc Âu này vẫn còn đang ở phía trước.
K Nguyễn
Theo Nhịp Sống Kinh Tế