Vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco: Ông Tất Thành Cang và 10 đồng phạm kháng cáo

15/02/2022 06:55

Liên quan đến vụ án bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco, ngay sau bản án sơ thẩm đã có 11/20 bị cáo kháng cáo. Trong đó, ông Tất Thành Cang kháng cáo cho rằng hình phạt như án sơ thẩm là quá nặng đối với ông.

Ngày 14/2, Ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM) cùng 10 đồng phạm trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - 100% vốn nhà nước), Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (Sadeco - công ty con của IPC), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

Trong đó, ông Tất Thành Cang kháng cáo đối với các nội dung trong bản án sơ thẩm liên quan đến mình, ông Cang cho rằng hình phạt như án sơ thẩm là quá nặng đối với ông.

Các bị cáo: Tề Trí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty IPC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco; Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng Giám đốc Công ty Sadeco; Phạm Văn Thông, cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM; Huỳnh Phước Long,cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM; Trần Công Thiện, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Trần Đăng Linh, cựu Phó tổng giám đốc Công ty IPC; Vũ Xuân Đức, cựu Phó tổng giám đốc Công ty IPC; Đỗ Công Hiệp, cựu Kế toán trưởng Công ty Sadeco kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

z3092168645332_a6748745bfe8fda84377267b02e49972-1-1742

Bị cáo Tất Thành Cang (bìa phải) cùng các đồng phạm tại tòa chiều 8/1.

Riêng, bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Xây dựng Tân Thuận kháng cáo xin xét xử lại vụ án, xem xét lại tội danh và mức án đối với bị cáo.

Còn bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, cựu Thành viên HĐTV Công ty IPC xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Bị hại trong vụ án là Công ty Sadeco cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm bồi thường số tiền 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 ngày 7/12/2017 của Công ty Sadeco (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Sadeco cũng yêu cầu Sở KH&ĐT TP.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Sadeco với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, trước đó, vào chiều 8/1, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án đối với bị cáo Tất Thành Cang và 19 đồng phạm.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù và bị cáo Phạm Văn Thông  6 năm tù cùng  về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đối với bị cáo Tề Trí Dũng, tòa tuyên phạt mức án 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và 9 năm tù đối với tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt 20 năm tù.

Cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản", bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc nhận tổng mức án 16 năm tù; Đỗ Công Hiệp 10 năm tù; Huỳnh Phước Long 12 năm tù; Trần Công Thiện 13 năm tù; Phạm Xuân Trung, cựu Thành viên HĐTV Công ty IPC, Phó tổng giám đốc Công ty IPC 6 năm tù; Trần Đăng Linh, cựu Phó tổng giám đốc Công ty IPC 8 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Minh 3 năm 6 tháng tù về tội "Tham ô tài sản".

HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Hữu Thành, cựu Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Nguyễn Kim 5 năm tù, Lê Hoàng Minh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty IPC 4 năm tù, Vũ Xuân Đức 3 năm tù, Nguyễn Trường Bảo Khánh 3 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Các bị cáo: Trần Mạnh Khôi, cựu Trưởng ban kiểm soát của Công ty Sadeco, Đoàn Minh Lý (cựu Thành viên Ban kiểm soát của Công ty Sadeco, Lâm Văn Tuấn, cựu Thành viên Ban kiểm soát của Công ty Sadeco, Phùng Đức Trí, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách Phòng Tài chính - Kế hoạch Công ty IPC, Đoàn Thị Minh Trang, cựu Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Công ty IPC,, Lương Trí Cường, cựu Chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch Công ty IPC bị phạt từ 2-3 năm tù treo cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cùng quan điểm với Viện kiểm sát (VKS), ghi nhận hậu quả vụ án đã được khắc phục do Công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng tiền lãi phát sinh cho Sadeco; số tiền 4,6 tỷ bị cáo Tề Trí Dũng và đồng phạm tham ô cũng đã nộp lại. Riêng 1,3 tỷ đồng chi đi du lịch sai quy định, toà tuyên bị cáo Dũng và các bị cáo liên đới bồi thường.

Theo cáo trạng vụ án, Sadeco là công ty con của Công ty IPC, với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.

Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại Sadeco. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco), với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9/2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại Sadeco với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco thì phải đấu giá.

Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và Sadeco đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho SADECO 1.103 tỷ đồng.

Trong đó, thất thoát tài sản nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng, gồm vốn của UBND TP.HCM hơn 485 tỷ đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TP.HCM hơn 184 tỷ đồng, tương đương 16,7%.

Theo cáo trạng, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy TP.HCM (chủ sở hữu vốn Thành ủy), ông Tất Thành Cang phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá trị cổ phần theo Nghị định 91/2015. Nhưng ông Tất Thành Cang vẫn phê duyệt "đồng ý" chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược là sai, vi phạm quy định tại điều 125 và điều 149 luật Doanh nghiệp, gây thất thoát cho tài sản nhà nước.

Tại cơ quan điều tra, ông Tất Thành Cang cho rằng việc ông đồng ý là do người đại diện vốn báo cáo không trung thực, che giấu việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, không cung cấp đủ thông tin khi xin ý kiến Thành ủy.

Cáo trạng xác định, ông Tất Thành Cang đã có hành vi bút phê "đồng ý" vào tờ trình số 1148 ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về việc phát hành cổ phần của Sadeco với giá 40.000 đồng/cổ phần, không yêu cầu thẩm định giá và đấu giá. Đây là cơ sở dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng, trong đó vốn của Thành ủy TP.HCM hơn 184 tỷ đồng, nên hành vi của ông Cang đóng vai trò đầu vụ.

Còn ông Tề Trí Dũng đã đồng ý thực hiện các thủ tục trên là làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang. Ngoài sai phạm trên, ông Tề Trí Dũng và một số bị cáo còn bị cáo buộc về hành vi tham ô 4,7 tỷ đồng thông qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng.

Theo Lý Tuấn/Nhà đầu tư