Xuất hiện trong vài trò là cổ đông sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sabeco HP, chủ đầu tư lô đất vàng 16.000 m2 liên quan tới Sabeco xôn xao giới đầu tư những ngày qua, cái tên của bà Nguyễn Thị Phước (sinh năm 1959) gây không ít tò mò.
Theo tìm hiểu của người viết, bà Phước làm đại diện pháp luật và chủ sở hữu của gần chục công ty lớn nhỏ, hầu hết có ngành nghề kinh doanh bất động sản (BĐS).
Trong đó đáng chú ý nhất là vai trò nữ tướng tại những công ty như Sabeco HP, VIMEXCO hay Vietcomreal…
Bà Nguyễn Thị Phước. (Nguồn: Vietcomreal) |
Sabeco HP lùm xùm quanh dự án số 76 Đường Tôn Thất Thuyết quận 4
Gần nhất là Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP (gọi tắt là Sabeco HP), chủ đầu tư trực tiếp của dự án đất vàng Charmington Iris. Công ty được thành lập vào ngày 3/2/2016 theo đề xuất của lãnh đạo Sabeco lúc bấy giờ là Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà lên Bộ Công thương hồi tháng 3/2015.
Sabeco HP được thành lập với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Trụ sở chính tại số 76 Đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, TP HCM. Đây cũng là vị trí của dự án Charmington Iris hơn 16.000 m2 đang chịu quyết định thu hồi của UBND TP HCM mới đây.
Vốn điều lệ Sabeco HP hơn 305,3 tỉ đồng, do Sabeco góp 26% và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Du lịch Hiệp Phúc góp 74%; và bà Nguyễn Thị Phước làm Tổng Giám Đốc kiêm đại diện pháp luật công ty.
Đến tháng 4/2018, Công ty Sabeco HP tăng vốn điều lệ thêm 250 tỉ lên 555 tỉ đồng, trong đó các tỷ lệ góp vốn và vị trí của bà Phước đều được giữ nguyên.
Thất thường vốn điều lệ của VIMEXCO
Cổ đông chính của Sabeco HP là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Hiệp Phúc (viết tắt là VIMEXCO), bà Nguyễn Thị Phước giữ vai trò đại diện pháp luật Chi nhánh công ty ở quận Bình Thạnh, TP HCM.
VIMEXCO thành lập ngày 22/9/2005, ngành nghề kinh doanh chính là cho thuê nhà, do ông Lê Anh Tuấn làm đại diện pháp luật. trước tháng 7/2017, công ty có vốn điều lệ ban đầu 320 tỉ đồng, trong đó bà Phước là cổ đông lớn nhất nắm trên 74% vốn.
Tuy nhiên đến ngày 4/7/2017, công ty bất ngờ giảm vốn điều lệ còn 20 tỉ đồng và đến cuối tháng 12/2018, công ty lại tăng vốn lên 360 tỉ đồng, các thành viên đều giữ nguyên tỷ lệ góp vốn trong những lần thay đổi này.
Vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Hiệp Phúc
Nữ tướng của Vietcomreal và những người liên quan
Một cái tên cũng khá đáng chú ý là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh BĐS Thịnh Phát, bà Phước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên tại đây. Công ty thành lập ngày 22/3/2016 (tức chỉ khoảng hơn 1 tháng sau khi công ty Sabeco HP thành lập), vốn điều lệ ban đầu 20 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là CTCP Thương mại Địa ốc Việt (viết tắt là Vietcomreal) nắm 74%.
Công ty có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Đến tháng 12/2016, công ty tăng vốn lên 126 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông giữ nguyên.
Cơ cấu cổ đông Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh BĐS Thịnh Phát
Ngay chính cổ đông lớn nhất Vietcomreal cũng có sự hiện diện của bà Phước với vai trò Tổng Giám đốc.
Bà Nguyễn Thị Phước. (Nguồn: Vietcomreal) |
Vietcomreal chuyên xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, thành lập ngày 6/12/2007, từng do ông Đỗ Biên Quốc (sinh năm 1980), người nắm hơn 10% của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Hiệp Phúc, làm Tổng Giám đốc.
Đáng chú ý, trên website Vietcomreal giới thiệu công ty thành lập bởi các cổ đông gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank - Mã: VCB), Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Huy Hoàng, Hưng Thịnh.
Vietcomreal được biết đến là chủ đầu tư của hai dự án căn hộ gồm Riva Park 4.784 m2 tại mặt tiền số 504 đường Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4; và dự án Viva Riverside 7.466 m2 tại số 1472 Võ Văn Kiệt, phường 13, quận 6. Theo kế hoạch, dự án này bàn giao nhà vào quý II/2018.
Dự án Riva Park đã được bàn giao vào quý II/2017. (Nguồn: TTDN) |
(Theo kế hoạch, dự án này bàn giao nhà vào quý II/2018. Hình ảnh dự án vào tháng 4/2018. Nguồn: vivariverside.com) |
Năm 2017, theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP HCM điều chỉnh chức năng và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc dự án số 4 đường Thi Sách (hợp với số 3 đường Thái Văn Lung), phường Bến Nghé, quận 1 (tên thương mại là Vietcomreal Tower).
Cụ thể, chức năng dự án điều chỉnh từ khách sạn - thương mại dịch vụ - văn phòng - căn hộ tái định cư thành văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) - bãi đậu xe nổi - căn hộ tái định cư, kinh doanh và các chức năng bổ trợ khác.
Dự án 2.000 m2 này ngay trung tâm quận 1, gần với nhiều chuỗi khách sạn 5 sao của TP HCM và phố đi bộ Nguyễn Huệ. Được khởi công giữa tháng 5/2017; quy mô gồm 4 tầng hầm và 29 tầng nổi (không kể tầng mái, sân thượng), tổng diện tích sàn xây dựng hơn 33.300 m2. Dự kiến, công trình hoàn thành vào cuối 2019, giá bán căn hộ từ khoảng 6.000 USD/m2 trở lên.
Phối cảnh dự án Vietcomreal Tower |
Một điểm đáng chú ý khác là ông Quốc có cùng chỗ ở với bà Phước tại số 62A Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Điều này rất có thể bà Phước và ông Quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Ông Quốc còn làm đại diện pháp luật hoặc chủ sở hữu của khá nhiều công ty khác như CTCP Đầu tư – Xây lắp – Hạ tầng Sài Gòn, thành lập ngày 10/7/2017; ngành nghề xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Công ty vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó ông Quốc sở hữu 19% vốn, còn Vietcomreal của bà Phước nắm chi phối 51%.
Cơ cấu cổ đông CTCP Đầu tư – Xây lắp – Hạ tầng Sài Gòn
Dở dang dự án 89 Nguyễn Khoái quận 4
Hay đại diện pháp luật của CTCP Môi giới Hợp Nhất thành lập ngày 12/7/2011 với ngành kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Công Ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Sài Thành (gọi tắt là công ty Sài Thành)vthành lập này 25/10/2009 với ngành nghề tư vấn quản lý.
Hồi năm 2011, CTCP Dệt lưới Sài Gòn từng có chủ trương góp vốn cùng với Công ty Sài Thành để thành lập CTCP kinh doanh BĐS. Cụ thể, trong thông báo này, Dệt lưới Sài Gòn lấy căn cứ chủ trương của UBND TP HCM về việc di dời nhà máy của Dệt lưới Sàigòn ra ngoại thành, nhằm tạo nguồn vốn phục vụ công tác di dời nhà máy ra ngoại thành, nên HĐQT Công ty đã mời Vietcomreal, Công ty Sài Thành tham gia hợp tác đầu tư khai thác mặt bằng 89 Nguyễn khoái, quận 4, TP HCM.
Vào ngày 20/9/2011, ba công ty này đã tham gia ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 09/2011/HĐHTĐT/DL-VCR-HP để cùng hợp tác đầu tư khu đất 89 Nguyễn Khoái và thống nhất thành lập CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Hưng vốn 6 tỉ đồng. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa hề có thông tin nào về tiến độ dự án này đã được triển khai đến đâu.
Casumina và dự án 504 đường Nguyễn Tất Thành quận 4
Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Thương Mại Hồng Phúc trụ thành lập vào ngày 10/6/2005. Dù là ngành kinh doanh chính là trồng rừng và chăm sóc rừng nhưng Công ty này từng được biết đến với thương vụ thâu tóm khu đất dự án Riva Park 4.784 m2 tại mặt tiền số 504 đường Nguyễn Tất Thành (đề cập trên), trước đây do CTCP Cao su Miền Nam (Casumina) thuê làm kho chứa.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, vào năm 2009, Casumina ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Vietcomreal và CTCP đầu tư thương mại Hồng Phúc.
Đến 2014, cả Casumina và Hồng Phúc thoái vốn dự án dù Casumina vẫn làm pháp nhân dự án và ủy toàn quyền cho đối tác thực hiện dự án đến khi chuyển nhượng khu đất hoàn toàn. Casumina thu về hơn 20 tỉ đồng từ việc hỗ trợ di dời và lợi thế thương mại.
Sau đó, UBND TP HCM chấp thuận cho Casumina chuyển toàn bộ dự án cho Vietcomreal giá 103 tỉ đồng. Theo đó, Vietcomreal chi 123 tỉ đồng để thâu tóm dự án đất vàng này.
Kiện tụng tại Dự án 50 Lê Hồng Phong TP Nha Trang
Không chỉ ở TP HCM, bà Phước còn từng làm Chủ tịch HĐTV của Công Ty TNHH Đầu Tư Cao ốc Và Thương Mại Nha Trang (viết tắt là VIB Nha Trang) ở Nha Trang. Tuy nhiên hiện nay đã được đổi sang người mới là bà Đỗ Thu Diễm (cùng họ, cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại với ông Đỗ Biên Quốc và bà Phước).
Công ty thành lập ngày 8/7/2002, vốn điều lệ 40 tỉ đồng. Ban đầu do VIMEXCO sở hữu chi phối 90%, kế đến là bà Đỗ Biên Thùy (cùng hộ khẩu thường trú với bà Diễm và bà Phước). Sau đó VIMEXCO chuyển nhượng cổ phần cho nhiều cá nhân khác và giảm sở hữu chỉ còn 10%.
Cổ đông VIB Nha Trang
VIB Nha Trang có trụ sở chính tại số 50 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề về mua bán nông sản; mua bán thủy sản; mua bán máy móc, thiết bị xây dựng; mua bán vật liệu xây dựng; xây dựng công trình dân dụng, thủy lợi; đầu tư xây dựng khu chung cư, khu thương mại.
VIB từng được biết đến xung quanh lùm xùm dự án chung cư 50 Lê Hồng Phong. Theo Báo Khánh Hòa, VIB Nha Trang từng được UBND tỉnh Khánh Hòa giao làm chủ đầu tư dự án chung cư 50 Lê Hồng Phong năm 2003. Dự án có diện tích hơn 5.500 m2, tổng mức đầu tư gần 164 tỉ đồng và là đất sạch, không phải giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên nhiều năm được giao đất, công ty vẫn không triển khai đến năm 2012 chấm dứt toàn bộ hiệu lực pháp lý có liên quan đến việc cho phép Công ty TNHH Đầu tư cao ốc và thương mại Nha Trang làm chủ đầu tư dự án chung cư 50 Lê Hồng Phong. Tháng 3/2013, tỉnh Khánh Hòa giao dự án cho CTCP Đầu tư BĐS Đô Thành (hiện là CTCP Dịch vụ Thương mại Địa ốc Thiên Nam) làm chủ đầu tư. Song ghi nhận đến năm 2017, dự án vẫn bị bỏ không. VIB làm đơn khiếu nại. Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất lại cho chủ cũ, Công ty Thiên Nam đã không đồng ý và khởi kiện UBND tỉnh Khánh Hòa.
Những công ty khác…
Bên cạnh BĐS, bà Phước còn làm đại diện pháp luật của một công ty chuyên sản xuất cà phê rang xay, cà phê phin, hòa tan là Công Ty TNHH Một Thành Viên Hiệp Phúc Cát Lái thành lập ngày 14/5/2015. Địa chỉ tại Lô A1, đường K1, Khu công nghiệp Cát Lái, Cụm II, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM.
Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Kinh Doanh Bất Động Sản Việt Hưng, bà Phước giữ vai trò Chủ tịch HĐTV. Công ty thành lập ngày 26/9/2011 với ngành nghề kinh doanh chính là BĐS với vốn điều lệ ban đầu 6 tỉ đồng. Sau đó, công ty tăng vốn lên 75 tỉ đồng vào tháng 8/2016. Đến tháng 3/2017, công ty nâng vốn lên 110 tỉ đồng.
Đón đọc phần tiếp theo: Sabeco và đất
Tiến Vũ
Theo Kinh tế & Tiêu dùng