Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Vua' hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn và cách xây dựng lòng trung thành của nhân viên

18/03/2018 10:49

Nhân viên ra đi rồi quay lại là chuyện thường tình ở bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng cửa đón nhân viên giỏi trở lại, bởi theo nhiều nghiên cứu, một nhân viên cũ có thể tiết giảm 50% chi phí so với tuyển dụng một ứng viên mới. 

Song, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn - ông chủ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP - lại có tư duy khác: "Bước chân đi cấm kỳ trở lại". Thế nhưng, để giữ được chân nhân viên giỏi, doanh nghiệp phải có những "cục nam châm" hữu hiệu. Với IPP, "cục nam châm" đó là gì?

Ông chủ IPP chia sẻ: Tổ chức doanh nghiệp tương tự một kim tự tháp, khối đế phía dưới là đám đông nhân viên, nghe theo khối quản lý tầng giữa, tầm trung, CEO là tầng cao nhất, đỉnh trên cùng. Những vị trí quản lý tầm trung là những người thực sự hành động, điều hành, đặt ra quy trình, thúc đẩy nhân viên làm việc. Vị trí cao nhất như CEO, chủ tịch chỉ ra quyết định vào giờ phút cuối cùng dựa trên những quyết định hàng ngày của quản lý tầm trung. Chủ doanh nghiệp biết sử dụng đúng số đông người quản lý tầm trung sẽ thành công. "Dụng nhân như dụng mộc" vậy.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc không để mất những người quản lý tầm trung rất khó. Công ty này trả 5.000 USD, có công ty khác trả 7.000 USD, họ "nhảy" liền, mất người biết làm việc ngay.

Tại IPP, có những giám đốc công ty con đã theo ông nhiều năm, thậm chí những người đồng sáng lập đã theo ông tới 30 năm. Với những người "chóp bu" đó, ngoài lương cao, IPP lo nhà để họ an cư, lo xe hơi cho họ, không Mercedes thì Camry cũng tốt... Sau đó, dù trả lương 5.000 USD thì họ cũng không có ý "nhảy việc" với mức lương 10.000 USD nữa. Đó là phương cách để IPP xây dựng lòng trung thành của giới quản lý tầm trung.

Hậu đãi với cả tấm chân tình chính là một trong những "cục nam châm" giữ chặt chân nhân sự giỏi.

Minh Hạnh

Công Thương