Theo ông Lê Phước Vũ, để có thể ứng phó với sự thay đổi liên tục của thị trường, người đứng đầu doanh nghiệp phải biết thích ứng với mọi tình huống.
Tên tuổi của tập đoàn Hoa Sen gắn liền với cuộc đời của vị doanh nhân gốc Bình Định Lê Phước Vũ. Thưở mới lập nghiệp, ông Vũ lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề như lái xe con, làm tại đội xe khoán,... rồi đến những tháng ngày "quăng" mình tìm kiếm cơ hội tại mảnh đất Tây Ninh, Sài Gòn, Buôn Mê Thuột...
Đến tháng 4/1994, ông quyết định mở một cửa tiệm cắt tôn. Lúc này, trong tay ông chỉ có một số vốn ít ỏi là 2 chỉ vàng và 2 triệu đồng. Nhờ nỗ lực và khả năng nắm bắt cơ hội, ông dần mở rộng, phát triển kinh doanh, và bước ngoặt vào năm 2001, khi vị doanh nhân sinh năm 1963 thành lập Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác.
Từ 22 nhân viên ban đầu, tính đến năm 2015 (14 năm hoạt động), Hoa Sen đã tạo việc làm và đảm bảo cuộc sống ổn định cho khoảng 4.800 nhân viên. Bản thân ông Lê Phước Vũ từng có thời điểm đứng thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ đã chia sẻ nhiều về những triết lý, lời khuyên mà ông cảm thấy tâm đắc trong kinh doanh.
Theo ông Lê Phước Vũ, để có thể ứng phó với sự thay đổi liên tục của thị trường, người đứng đầu doanh nghiệp phải biết thích ứng với mọi tình huống:
"Những doanh nghiệp lâu năm, trong bối cảnh này đều phải cố gắng tự điều chỉnh. Có như vậy cơ hội mới có thể mở ra. Hẳn các bạn trẻ sẽ thắc mắc, làm thế nào để doanh nhân có thể nhận biết cơ hội mà nắm bắt kịp thời. Câu trả lời rất đơn giản: bằng trực giác. Do đó, không nên nhìn sự việc qua hiện tượng, mà nên xem xét bản chất của sự việc. Và trực giác tốt luôn đi kèm với kiến thức" - ông nói.
Trong khi đó trong quá trình kinh doanh, người trẻ nên tự hỏi xem tiền bạc là mục tiêu hay phương tiện? Nếu xem tiền bạc là mục tiêu, người trẻ sẽ dễ bất chấp phương tiện. Thực chất, người làm kinh tế là người mang lợi ích đến cho cộng đồng. Và trên thực tế, doanh nhân Việt Nam chịu rất nhiều áp lực. Các nước khác đều đã hoàn thiện về mặt chuẩn mực, nhân lực cũng có chất lượng cao, làm kinh tế do vậy cũng nhiều thuận lợi. Nên đòi hỏi người làm kinh doanh phải hết sức tinh tế và đặt ra được những mục tiêu sao cho hiệu quả nhất.
Đồng thời, ông Vũ nhấn mạnh lời khuyên dành cho giới trẻ, thế hệ luôn tìm kiếm ý tưởng mới để khởi nghiệp:
"Tuy nhiên, khó khăn nhất cũng chính là cơ hội, bởi khi trật tự đã được xác lập thì rất khó để khởi nghiệp. Ở Việt Nam, rõ ràng còn nhiều cơ hội dành cho người biết nhìn ra cơ hội. Đặc biệt, khó khăn hiện tại cũng là giai đoạn tốt nhất cho những người khởi nghiệp tham gia thương trường. Tuy nhiên, cũng đừng quá ảo tưởng, mà phải biết dấn thân." - ông đúc kết.
Tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Lê Phước Vũ hiện đang rơi vào khủng hoảng. Trong diễn biến mới nhất, theo Zing đưa tin, tập đoàn này đã gửi văn bản lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc chấm dứt hoạt động cùng lúc của 70 chi nhánh trực thuộc tập đoàn.
Doanh nghiệp cũng từng chấm dứt hoạt động của 60 chi nhánh trực thuộc. Mới đây nhất, tập đoàn đóng cửa 21 chi nhánh vào tháng 1.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa qua, ông Lê Phước Vũ cũng thừa nhận tình hình kinh doanh của tập đoàn đang sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu trong đó là tình hình nợ vay tăng cao, lên tới hơn 14.000 tỷ đồng (70% tổng tài sản), cùng với đó là các khoản lãi phải trả và hàng tồn kho lớn
Theo Doanhnhan.vn