"Vua trái phiếu rác" Michael Milken: Đầu cơ bằng tiền của mình là giỏi, bằng tiền người khác còn giỏi hơn nhưng không cần tiền mới là tuyệt đỉnh

15/09/2019 14:59

Nói đến Michael Milken là nói đến junk bond (trái phiếu rác - từ lóng chỉ trái phiếu có lợi suất cao đi kèm rủi ro lớn), thâu tóm công ty bằng tiền của kẻ khác và sử dụng thông tin nội bộ trong kinh doanh chứng khoán, nhưng đồng thời tên tuổi của ông cũng gắn với những bê bối lớn nhất trong lịch sử Phố Wall.

Trong hai thập niên 1970-1980, Michael Milken tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thị trường trái phiếu rủi ro, dẫn đến bùng nổ hàng loạt vụ thôn tính và sáp nhập công ty theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé". Với biệt danh "vua trái phiếu rác", nhiều người coi Miken như "người hùng", nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng ông là nguyên nhân chính tạo ra vụ sụp đổ thị trường trái phiếu rủi ro khiến cho nhiều nhà đầu tư sạt nghiệp.

Michael Milken sinh ra trong một gia đình khá giả. Cuộc đời của ông có lẽ cũng như đa số thanh niên da trắng khác ở Mỹ nếu như không có sự việc xảy ra ngày 11/8/1965 ở Los Angeles - ngày người da đen trong thành phố này nổi loạn chống áp bức và phân biệt chủng tộc.

Milken đã đến tận nơi làm việc của những người da đen chỉ để tìm hiểu xem tại sao họ đập phá và hủy hoại chính nhà máy, công xưởng đã đem lại cho họ công ăn việc làm. Câu trả lời mà ông nhận được là xí nghiệp thuộc về người da trắng và người da đen không bao giờ có cơ hội tự lập nghiệp vì chẳng ai cho họ vay tiền. Sự việc này là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của Milken, bởi từ đó ông nhận thức ra sứ mệnh của riêng mình - cung cấp tín dụng.

Milken bỏ học toán, chuyển sang học kinh tế và tại đây, ông tình cờ có được một công trình nghiên cứu của nhà kinh tế Braddock Hickman. Kết luận quan trọng nhất của Hickman là những trái phiếu bị đánh giá thấp đem lại lợi tức cao hơn những trái phiếu được đánh giá cao và mức độ rủi ro không trả được nợ thậm chí còn thấp hơn so với đánh giá của các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Milken đến với thế giới đầu cơ cũng với nhận thức đó: nếu đầu cơ vào những loại trái phiếu ấy thì sẽ có lãi hơn nhiều so với đầu cơ vào các loại trái phiếu được đánh giá cao. Sau đó, ông đầu quân cho công ty Drexel Burnham với quyết tâm thực hiện sứ mệnh này.

[Quy tắc đầu tư vàng] Vua trái phiếu rác Michael Milken: Đầu cơ bằng tiền của mình là giỏi, bằng tiền người khác còn giỏi hơn nhưng không cần tiền mới là tuyệt đỉnh - Ảnh 1.

Ông vua của "trái phiếu rác"

Vì rủi ro cao, độ tin cậy thấp nên loại trái phiếu này rất kén người mua, kể cả các nhà đầu cơ cũng rất ngần ngại, nhưng Milken cho rằng đó là cơ hội không thể bỏ qua. Ông nghĩ, nếu có thể tạo nên một thị trường riêng cho loại trái phiếu này thì khả năng kinh doanh thật vô tận, thành lập cả những công ty mà chẳng cần đến một chút vốn thật nào.

Đầu cơ bằng tiền của mình là giỏi, bằng tiền của kẻ khác còn giỏi hơn, nhưng theo Milken thì không cần tiền mà vẫn đầu cơ được thì mới là giỏi nhất. Junk bond là thứ vũ khí để làm điều đó.

Để tạo dựng thị trường riêng cho junk bond, Milken đi khắp nước Mỹ thuyết trình với nhà đầu tư nhằm vận động và cổ súy cho junk bond. Đồng thời, ông tìm cách hạ thấp uy tín của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Lập luận của Milken là các công ty xếp hạng tín nhiệm dựa vào kết quả kinh doanh trong quá khứ để đánh giá doanh nghiệp, như vậy có nghĩa là nhìn về phía sau chứ không phải nhìn về phía trước. Ông nói với nhà đầu tư rằng: Thiếu gì doanh nghiệp hiện khó khăn nhưng rồi nay mai sẽ thuận lợi, hiện còn chưa đâu vào đâu nhưng tiền đồ lại rất tươi sáng, quan trọng là phải cung cấp vốn cho họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn.

Milken được giới đầu cơ coi là thiên tài vì khả năng thuyết phục ấy. Trong thời gian không dài, Milken gây dựng nên được cả một đế chế junk bond trị giá 200 tỷ USD. Một phần ba tổng số giao dịch về junk bond trên toàn thị trường nằm trong tay Milken.

Bước tiếp là ông dùng junk bond để thâu tóm công ty. Để làm được điều này với giá 0 đồng, Milken tập hợp một vài công ty rồi thành lập ra một công ty mới. Công ty mới này phát hành trái phiếu junk bond. Milken bán số junk bond này đi lấy tiền để thâu tóm công ty mục tiêu. Nếu việc thâu tóm thành công thì giá trị của công ty mới sẽ tăng lên, đủ khả năng trang trải cho giá trị của junk bond. Nếu việc thâu tóm thất bại, công ty mới thành lập tuyên bố phá sản và những chi phí hành chính cho vụ phá sản cũng không quá nhiều.

Thập niên 80 được coi là thời hoàng kim của junk bond và thâu tóm công ty nhờ junk bond, hay còn được gọi là dùng tiền người ngoài để thâu tóm công ty. Milken đạt đến đỉnh cao của vinh quang khi thấy sứ mệnh tự nhận đã được thực hiện.

Nhưng cuộc chơi của Milken cũng đến hồi kết. Đầu thập kỷ 90, junk bond bắt đầu mất thiêng và Milken dính líu vào vụ bê bối sử dụng thông tin nội bộ. Không phải ai khác ngoài Ivan Boesky, người xưa từng cộng tác và giờ tố giác Milken. Năm 1990, Milken bị tuyên án 10 năm tù và nộp 1 tỷ USD tiền phạt, cấm vĩnh viễn tham gia kinh doanh chứng khoán.

[Quy tắc đầu tư vàng] Vua trái phiếu rác Michael Milken: Đầu cơ bằng tiền của mình là giỏi, bằng tiền người khác còn giỏi hơn nhưng không cần tiền mới là tuyệt đỉnh - Ảnh 2.

Trong một bài phỏng vấn, mặc dù không tiết lộ quá nhiều nhưng Miken đã mở rộng lòng chia sẻ một số kinh nghiệm bước chân vào thị trường cho những nhà đầu tư mới:

Tư duy logic và khả năng quan sát thị trường

Rất nhiều nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán theo cảm tính, mà không dựa trên những căn cứ có cơ sở và lập luận logic. Động thái mua vào hay bán ra cần được cân nhắc và kiểm soát kỹ lưỡng để tránh thua thiệt trong đầu tư. Đầu óc minh mẫn và khả năng phán đoán luôn đi cùng nhau là vô cùng cần thiết, bởi nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường cần vận dụng tất cả kinh nghiệm, sự hiểu biết, kiến thức hay thậm chí cả những mánh khóe và linh cảm cũng đôi khi hỗ trợ rất nhiều.

Loại bỏ khỏi danh mục những cổ phiếu không sinh lời

Phản ứng sáng suốt của NĐT khi tiếp nhận thông tin không thuận lợi được công bố là việc bán ra. Điều này hết sức quan trọng do tâm lý chung của NĐT trước nguồn thông tin dẫn đến việc giảm giá nhiều phiên tiếp theo đó. Như vậy, việc bán ra và tái đầu tư khoản tiền đó vào một cổ phiếu tiềm năng khác là hoàn toàn cần thiết.

Ngoài ra, NĐT cần tỉnh táo để phân biệt và hấp thụ thông tin từ những thông tin được công bố, bởi hơn hết, tính trung thực của thông tin sẽ quyết định sự thành công hay thất bại việc đầu tư của bạn. Điều này càng trở nên rủi ro hơn khi những thông tin thiếu khách quan và được bóp méo theo chủ quan của đối tượng đứng đằng sau có động cơ tác động lên giá để kiếm lời cho riêng họ.

Lê Hằng

Theo Nhịp Sống Việt