Sinh nhật 10 tuổi Winmart

World Cup ở đâu, khi thiếu những người "bước trong đêm đen" như Công Phượng, bầu Đức?

06/07/2019 17:22

“Tôi đã nhận rất nhiều "gạch đá" khi các cầu thủ thi đấu và gặp nhiều thử thách ở nước ngoài. Nhưng tôi vẫn quyết tâm để họ đi càng nhiều càng tốt”.


“Tôi đã nhận rất nhiều "gạch đá" khi các cầu thủ thi đấu và gặp nhiều thử thách ở nước ngoài. Nhưng tôi vẫn quyết tâm để họ đi càng nhiều càng tốt”.

1. Đó là những gì mà bầu Đức đã nói sau khi ông đưa Công Phượng gia nhập CLB Sint-Truidense V.V của Bỉ với thời hạn 1 năm. Tại sao lại nhiều "gạch đá", và tại sao lại nhiều nghi ngờ? Thực tế rằng, bản thân người Việt Nam đến tận hôm nay, xét cho cùng có một cái gì đó luôn "sợ biển".

Văn hóa người Việt Nam bắt đầu từ "lũy tre làng", đấy là một khái niệm về những thể quần cư sống khép kín và được bao bọc bởi các giá trị văn hóa riêng. Các làng xã ở thôn quê theo thời gian luôn sống hướng nội, ngại tiếp xúc với bên ngoài.

Đa phần mọi người không có tầm nhìn xa, và ít tiếp thu cái mới, "trai làng ta bảo vệ gái làng ta". Văn hóa người Việt thích ở bên trong lũy tre hơn là bơi ra ngoài đại dương. Nếu ví lũy tre như một văn hóa bó hẹp, quen thuộc, thì đại dương và biển là văn hóa mới, rộng mở, khó lường nhưng cũng đầy cơ hội.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, giai đoạn rực rỡ nhất của Việt Nam chính là giai đoạn chúa Nguyễn mở cõi vào Nam. Vì sao có được điều ấy? Khi đó để đối đầu với nhà Trịnh ở Đàng Ngoài với sự vượt trội về dân số, kinh tế, truyền thống, thì thứ vũ khí lớn nhất mà Đàng Trong có được chính là ngoại thương và đi ra biển. Chính biển đã góp phần định hình nên lãnh thổ của người Việt hôm nay.

World Cup ở đâu, khi thiếu những người bước trong đêm đen như Công Phượng, bầu Đức? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, người Việt Nam dù có biển trong tay, lại sợ đi ra biển. Biển là một tài nguyên lớn, nhưng biển chưa bao giờ được tôn trọng đúng, vì người Việt Nam sợ biển. Người Việt Nam ngại đi xa, ngại thay đổi. Và điều này có vẻ như đang đúng trong bóng đá, qua cái phản ứng của người hâm mộ dành cho trường hợp Công Phượng đi Bỉ.

Công Phượng đến Bỉ, đến ở cái giải VĐGQ đã từng sản sinh ra những Lukaku, Kevin De Bruyne, Kompany..., nghe qua là thấy có gì đó xa tầm với, nghe qua là đã cảm nhận được sự thất bại. Đặc biệt nếu nhìn lại lịch sử "du học" của Công Phượng thì rõ ràng toàn thất bại chứ chưa thành công lần nào.

Năm 2016, Công Phượng đến Mito HollyHock, đầu năm 2019 thì anh qua Incheon United. Cả hai cuộc phiêu lưu này đều là không để lại dấu ấn nào. Nhưng gượm đã, vậy hóa ra Công Phượng đã đi cả Nhật, cả Hàn, và giờ cả Châu Âu rồi. Lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có được người nào đi được cả 3 giải vô địch nước ngoài ở 3 môi trường khác nhau như Phượng hay chưa?

Câu trả lời là chưa từng.

World Cup ở đâu, khi thiếu những người bước trong đêm đen như Công Phượng, bầu Đức? - Ảnh 2.

2. Bầu Đức vốn đã liều, mà Công Phượng cũng dũng cảm chẳng kém gì ai. Đi Nhật Bản, đi Hàn Quốc, đi châu Âu ...chưa bao giờ từ nan, nhíu mày. Chịu bao nhiêu tiếng chế giễu, Phượng chưa bao giờ nhụt chí.

Có ai mà không muốn ở gần gia đình, bố mẹ, được nghe tiếng Việt mỗi ngày? Vậy mà Công Phượng hết năm này qua tháng khác, sống nơi đất khách quê người với tham vọng hoàn thiện kỹ năng chơi bóng, làm nở mày nở mặt cho nền bóng đá Việt Nam, cho riêng Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức.

Thành công hay thất bại, xin không dám đoán định. Nhưng người dám dấn thân thì đã hơn xa bao kẻ đứng trong lũy tre làng ngày ngày chỉ trỏ rồi. Không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ Nam Mỹ luôn mong xuất ngoại, những cầu thủ Thái, Hàn, Nhật luôn mong được ra nước ngoài thi đấu.

World Cup ở đâu, khi thiếu những người bước trong đêm đen như Công Phượng, bầu Đức? - Ảnh 3.

Khi muốn thực hiện ước mơ dự World Cup hay ước mơ nâng cao kỹ năng chơi bóng, thì các cầu thủ phải ở suy nghĩ cao và xa hơn. Dẫu cho lương sẽ thấp hơn, dù cho khả năng dự bị cao hơn. Nhưng với họ, đó là thử thách, đó là trưởng thành, đó là bước đệm để đi đến chỗ xa hơn, và đó là sự "vươn tầm" lên biển lớn. Và bởi họ thích biển hơn thích lũy tre làng. Thất bại, thành công, thì kinh nghiệm mang về ngày trở lại đất nước vẫn luôn là bài học lớn.

Chúng ta vẫn luôn mơ về World Cup, nhưng World Cup ở đâu cho những người không dám vượt biển? World Cup ở đâu cho những người chưa bao giờ biết "Ngoài người còn có người / Ngoài trời còn có trời".

Và World Cup ở đâu khi mà ta vẫn đang sống trong một môi trường V-League với nhiều cảnh tranh tối tranh sáng, với sự quản lý cũ kỹ cùng nhiều khuất tất, và với một câu hỏi quanh đi quẩn lại đã mấy tháng nay chưa ai trả lời: "Tiền đâu trả lương cho ông Park?" World Cup ở đâu nếu ta không biết hy vọng và chúc phúc cho những cầu thủ bước đi trong đêm đen với mong mỏi làm được điều gì đó cho bóng đá Việt như Công Phượng, như Bầu Đức.

World Cup ở đâu, khi thiếu những người bước trong đêm đen như Công Phượng, bầu Đức? - Ảnh 4.

37 năm về trước, ở Nhật Bản có một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà ra đi và đáp chuyến bay một mình đến Sao Paulo, Brazil - thánh đường bóng đá thế giới. Cậu bé ấy có 7 năm ở Brazil, lưu lạc qua 7 đội bóng, sống bằng nghề hướng dẫn viên, ngủ ở khu tệ nạn đĩ điếm và ma túy.

Bảy năm, cậu không làm được nhiều thành tích bóng đá nào đáng kể. Nhưng người Nhật Bản tôn trọng cậu, yêu quý cậu, và hạnh phúc vì những gì cậu đã mở đường, tự hào với những gì cậu đã làm được.

Thất bại ư? Đó không phải là điều đáng quan tâm nhất. Quan trọng là cậu đã cho thấy người Nhật Bản dám nghĩ lớn, dám làm lớn. Và truyền thông Nhật đã biến cậu ấy thành một niềm cảm hứng để nền bóng đá "đi ra biển". Cậu bé ấy chính là Miura Kazuyoshi, tức "King" Kazu, nguyên mẫu của nhân vật Tsubasa, vị vua của cả nền bóng đá xứ mặt trời mọc, là một trong những người đã tạo nên nền bóng đá Nhật Bản của hôm nay.

Chúng ta đã nghĩ lớn hay chưa? Chúng ta đã biết trọng kẻ dấn thân và giàu ý chí hay chưa? Hay ta chỉ bận tâm về "lũy tre làng", và đợi ngày Công Phượng trở về để cười cợt mà thôi? Câu trả lời có lẽ đã có cả trong lòng mỗi người rồi.


Theo Dũng Phan - Ảnh: Vương Phi

Nhịp Sống Việt