Mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Cơ khí Rạng Đông (thành viên thuộc Xuân Thiện Group) được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió.
Trước đó, tháng 10/2021, Công ty Cổ phần Cơ khí Rạng Đông đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy tại khu công nghiệp Nam Rạng Đông, nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Được biết, nhà máy cơ khí Rạng Đông có công suất sản xuất thiết bị điện gió đạt 1.000 MW/năm, mỗi cột có tua bin công suất 5 – 20 MW/cột - loại lắp đặt ngoài biển. Mục tiêu sản xuất đạt tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%. Ngoài ra, nhà máy cơ khí Rạng Đông cũng sẽ sản xuất thiết bị cơ khí công nghiệp nặng khác.
Đại diện Công ty Cổ phần Cơ khí Rạng Đông cho biết, dự án có tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng và sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022, hoàn thành trong năm 2024.
Cũng trong tháng 11, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Cơ khí Rạng Đông nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Theo đó, diện tích khảo sát khoảng 12.500 km2, ranh giới phía Bắc giáp vùng biển tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp vùng biển tỉnh Ninh Bình, phía Tây là đường triều kiệt các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, phía Đông trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Các đây ít lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng ký quyết định về việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình cho Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình. Theo đó, UBND tỉnh này đã đồng ý cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi của tỉnh, làm cơ sở lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện gió sau khi quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo văn bản này, tổng diện tích dự kiến khảo sát lên tới 3.162km2, có ranh giới cụ thể phía Bắc giáp vùng biển thuộc Hải Phòng, phía Nam giáp vùng biển tỉnh Nam Định, phía Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam và phía Tây giáp với khu kinh tế Thái Bình.
Phác họa Xuân Thiện Group
Tìm hiểu về Xuân Thiện Group, được biết đây là cơ nghiệp của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện (1970), người con cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành (1950), bên cạnh hai người em trai là Nguyễn Đức Thụy (1976) - "bầu Thụy" và Nguyễn Xuân Thủy (1988).
Xuân Thiện Group thành lập từ năm 2000, với hệ sinh thái nhiều công ty thành viên, tập đoàn đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng (lĩnh vực truyền thống), nông nghiệp công nghệ cao, khách sạn - du lịch, bất động sản, logistics, giáo dục và đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Về lĩnh vực vật liệu xây dựng, với sản phẩm chính là xi măng, hiện Xuân Thiện Group sở hữu một số nhà máy xi măng như nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (công suất 6 triệu tấn xi măng/năm), nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam (công suất 1,3 triệu tấn xi măng/năm), nhà máy xi măng Minh Tâm Bình Phước (công suất kế hoạch 2,5 triệu tấn xi măng/năm).
Tuy nhiên, Xuân Thiện Group được dư luận biết tới nhiều hơn ở lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) với cột mốc vào năm 2014, khi một đơn vị thành viên là Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tiên "xuất quân" đầu tư thủy điện vào Cameroon (châu Phi).
Được biết, Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam đã sở hữu 2 dự án tại quốc gia châu Phi này là thủy điện Yabassi và Toumbassala trên sông Wouri và Nkam với tổng công suất gần 600 MW.
Ước tính, Xuân Thiện Group đang thực hiện đầu tư khai thác khoảng hơn 20 dự án thủy điện trong và ngoài nước như thủy điện Suối Sập, thủy điện Háng Đồng A, thủy điện Háng Đồng A1 cùng có công suất 88 MW tại Sơn La; thủy điện Khao Mang Thượng có tổng công suất 62,7 MW tại Yên Bái.
Tập đoàn cũng sở hữu nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Sup giai đoạn I tại Đắk Lắk; nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tại tỉnh Ninh Thuận, bên cạnh các nhà máy sản xuất thiết bị điện gồm nhà máy thiết bị điện mặt trời tại Hòa Bình (công suất 360MW/năm); nhà máy sản xuất thiết bị điện gió Đắk Lắk (3.000MW/năm)...
"Sếu đầu đàn" của Xuân Thiện Group là Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (viết tắt là Xuân Thiện Ninh Bình), có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Xuân Thiện, khu đô thị Xuân Thành, TP. Ninh Bình.
Với vai trò là công ty mẹ của hàng loạt công ty thành viên có vốn lên tới cả chục nghìn tỷ, tuy nhiên kết quả kinh doanh của Xuân Thiện Ninh Bình những năm gần đây không hề nổi trội, thậm chí còn cho thấy sự sa sút rõ rệt.
Xét giai đoạn 2016 - 2020, theo thông tin VietnamFinance có được, doanh thu thuần của Xuân Thiện Ninh Bình dao động theo đồ thị hình sin với sự thăng giáng rất mạnh, lần lượt ghi nhận ở mức 1.377 tỷ đồng, 573,2 tỷ đồng, 1.491 tỷ đồng, 958,4 tỷ đồng và 1.093 tỷ đồng. Ngược lại với đó, chi phí giá vốn hàng bán của Xuân Thiện Ninh Bình biến động ổn định và luôn treo ở ngưỡng rất cao với doanh thu thuần, qua đó đè nặng biên lợi nhuận gộp xuống mức "mỏng manh" với 0,038%, 0,12%, 0,04%, 0,05% và 0,04% trong giai đoạn 2016 - 2020.
Chính vì vậy, sau khi khấu trừ các chi phí vận hành và thuế, lợi nhuận ròng của Xuân Thiện Ninh Bình rất nhỏ với: 412 triệu đồng (2016), 176 triệu đồng (2017), 185 triệu đồng (2018) và 214 triệu đồng (2019). Sau 4 năm liên tiếp lợi nhuận mấp mé bờ thua lỗ, tới năm 2020, Xuân Thiện Ninh Bình đã chính thức ghi lỗ hơn 2,6 tỷ đồng, bất chấp doanh thu thuần vẫn tăng trưởng tương đối tốt (14% so với cùng kỳ).
Không chỉ chịu lỗ, năm 2020 còn là khoảng thời gian đánh dấu sự kiện cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Xuân Thành và cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Văn Thuyết (1986) thoái toàn bộ vốn tại Xuân Thiện Ninh Bình sau nhiều năm gắn bó.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thiện và cổ đông mới là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (sở hữu 70% và 30% vốn doanh nghiệp) cũng có cú rót vốn kỷ lục, nâng vốn điều lệ của Xuân Thiện Ninh Bình lên 6.000 tỷ đồng. Ngoài Xuân Thiện Ninh Bình, bà Nhung cũng đồng hành cùng ông Thiện tại Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam. Dù vậy, tới cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mới chỉ ở mức 3.038 tỷ đồng...
Điểm sáng đó là nhờ dòng vốn mới chảy về, doanh nghiệp đã cải thiện mức độ tự chủ về nguồn lực với nợ phải trả cuối năm 2020 chỉ chiếm 37% tài sản (1.777 tỷ đồng), trong khi trước đó là tỷ lệ này là 41% và 56% (2018 - 2019). Xuân Thiện Ninh Bình cũng còn khá nhiều dư địa huy động vốn do nợ vay ngắn hạn khá thấp với hơn 890 tỷ đồng, tương ứng gần 30% vốn chủ sở hữu; doanh nghiệp không phát sinh nợ vay dài hạn suốt 5 năm trở lại đây.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, hệ sinh thái của Xuân Thiện Group còn có CTCP EA Súp 1, CTCP EA Súp 2, CTCP EA Súp 5, CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 2, CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 3, CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 5, CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 11, CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 12, CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc, CTCP Cơ khí Rạng Đông, CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận, CTCP Năng lượng Cư Kuin, CTCP Năng lượng Krông Pắk, CTCP Năng lượng Đắk Lắk, Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình, Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái, Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình, Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam.