Trước khi trở thành chủ tịch của hãng cà phê nổi tiếng Starbucks, tỷ phú Howard Schultz từng trải qua quãng thời gian đầy cơ cực. Chứng kiến những tháng ngày từ thất vọng đến tuyệt vọng vì thất nghiệp của cha mẹ, ông đã nỗ lực vươn lên, phấn đấu hết mình để có được thành công ngày hôm nay.
Howard Schultz được coi là người tiên phong cách mạng hóa ngành cà phê ở Mỹ. Nhờ Howard Schultz mà người Mỹ biết đến những món cà phê mới lạ như cà phê Latte và họ sẵn sàng bỏ ra 4 USD cho một tách cà phê như thế.
Với thành công của Starbucks , Howard Schultz đã trở thành tỷ phú tự thân sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, ông tuyên bố nhường lại chức vị giám đốc điều hành Starbucks sau hơn 3 thập kỉ gắn bó và cống hiến. Điều này làm rộ lên tin đồn Howard Schultz sẽ tham gia chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2020.
Cùng nhìn lại hành trình đi tới thành công "đầy cảm hứng" của người đàn ông tài ba này:
Lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, phải bán máu để đóng học phí
Giống như nhiều tỷ phú tự thân lập nghiệp khác, Howard Schultz xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh nghèo khó và trải qua quãng tuổi thơ chẳng mấy êm đềm. Dù đã đứng ở vị trí chủ tịch một thương hiệu lớn mà nhiều người ao ước nhưng vị tỷ phú 64 tuổi luôn mang đến cảm giác khiêm nhường, giản dị trong lối sống và công bằng trong cách điều hành doanh nghiệp.
Chủ tịch Howard Schultz sinh ra ở quận Brooklyn, New York vào năm 1953. Cha mẹ của ông thậm chí không học hết trung học. Do hoàn cảnh nghèo khó, suốt những năm tháng tuổi thơ Howard Schultz phải ở trong khu nhà công cộng. Chính tại đây, Howard Schultz nói rằng ông đã trải qua những khoảnh khắc quan trọng nhất cuộc đời mình.
Từ năm 7 tuổi, Howard Schultz đã ý thức được hoàn cảnh của gia đình. Một ngày đi học về, ông chứng kiến cha bị chấn thương do lao động buộc phải nghỉ việc, không có bảo hiểm y tế dành cho công nhân nên gia đình ông không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào. "Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã chứng kiến gia đình lâm vào cảnh suy sụp nhất. Cha mẹ tôi trải qua những ngày tháng từ thất vọng đến tuyệt vọng vì thất nghiệp. Những vết sẹo đó là động lực giúp tôi phấn đấu có được ngày hôm nay", Howard Schultz chia sẻ.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mẹ của Howard Schultz đã khuyến khích và động viên ông tiếp tục học tập. Bà tin rằng nền tảng giáo dục tốt chính là cánh cửa mở ra cơ hội thoát khỏi cái nghèo cho con trai và gia đình. Nhờ sự ủng hộ của mẹ, Howard Schultz đã nhận được học bổng theo học trường Đại học Bắc Michigan. Để có thể trang trải những chi phí sinh hoạt cho cuộc sống tại trường Đại học, cậu sinh viên Howard Schultz đã làm rất nhiều công việc làm thêm như phục vụ tại cửa hàng rượu và thậm chí còn phải đi bán máu.
Ít ai biết rằng, trước khi trở thành người đứng đầu hãng cà phê cao cấp Starbucks, ông Howard Schultz từng phải đi bán máu để chi trả học phí.
Cơ duyên đến với Starbucks
Ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học, Howard Schultz cũng vẫn làm việc phục vụ trong nhà trượt tuyết, rồi sau đó chuyển đến bán hàng cho hãng Xerox và Hammarplast. Khi làm việc tại doanh nghiệp kinh doanh đồ gia dụng ở Hammarplast, Howard Schultz đã thăng tiến tới cấp bậc giám đốc quản lý. Howard Schultz biết đến Starbucks lần đầu tiên nhờ các cửa hàng của Hammarplast đặt mua một số lượng lớn máy pha cà phê.
Trong lần đến thăm trụ sở của Starbucks ở Seatle, Howard Schultz bị ấn tượng bởi niềm đam mê của Gerald Baldwin và Gordon Bowker – những người sáng lập Starbucks. Chỉ sau một năm, Howard Schultz được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc marketing và bán lẻ. Tại thời điểm đó, Starbucks vẫn chưa thực sự phát triển mà chỉ là nơi rang xay cà phê bán cho khách hàng sử dụng tại nhà.
Tuy nhiên vào đầu những năm 80, việc Howard Schultz gia nhập công ty đã giúp Starbucks đạt mục tiêu dường như bất khả thi, trở thành hãng cà phê cao cấp phổ biến nhất nước Mỹ. Thực tế chứng minh, Howard Schultz là người có tham vọng lớn, ông không chấp nhận Starbucks chỉ giậm chân ở quy mô nhỏ như chuỗi các thương hiệu cà phê trong khu vực như Peet’s. Ông muốn đưa Starbucks vươn tầm thế giới.
Thậm chí, Howard Schultz từng rời công ty một thời gian ngắn vì không thể thuyết phục được những nhà sáng lập Starbucks phát triển hãng theo kế hoạch của mình, đưa công ty trở thành chuỗi thương hiệu quốc tế chứ không chỉ là một nơi rang xay cà phê.
Người đàn ông tham vọng đưa thương hiệu Starbucks ra "biển lớn"
Năm 1987, Howard Schultz mua lại thương hiệu Starbucks và 17 cửa hàng bán lẻ với giá chỉ 3,8 triệu USD. Sau đó, ông chính thức trở thành giám đốc điều hành của Starbucks, tiến hành cải tổ và mở rộng nhiều chi nhánh tại các thành phố lớn khác. Năm 2008, Starbucks đã phải trải qua cơn khủng hoảng lớn nhưng Howard Schultz đã tìm cách vực lại doanh nghiệp thành công. Người ta nói rằng, huyền thoại trong lĩnh vực công nghệ là Steve Jobs thì "ông trùm" ngành công nghiệp cà phê chắc chắn phải nhắc đến Howard Schultz. Ông đã chứng minh rằng Starbucks tốt hơn nhiều thương hiệu cà phê khác: thương lưu, phong phú và tinh tế hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Schultz, tập đoàn tăng trưởng đến mức đáng kinh ngạc. Ông liên tục tạo ra những chiến dịch lớn cho Starbucks và gây nhiều tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sau một thập kỉ thành lập, Starbucks đã phát triển từ 1.886 chi nhánh lên tới 16.680 chi nhánh. Hiện tại, Starbucks đã có hơn 28.000 cửa hàng tại 77 quốc gia, đem lại doanh thu ròng khoảng 22.4 tỷ USD chỉ tính riêng năm 2017.
Schultz đã đi một chặng đường dài từ cậu bé thuộc tầng lớp lao động nghèo ở Brooklyn để trở thành nhà điều hành doanh nghiệp lớn tầm cỡ thế giới. "Tôi đã luôn khao khát theo đuổi mục tiêu của mình. Tôi đã luôn hành động để đạt được những điều mà bản thân mong muốn, có thể chưa ai thấy. Những người thành công không bao giờ cảm thấy thoả mãn với những giá trị đích thực", Howard Schultz chia sẻ trong cuốn tự truyện "Pour Your Heart Into It".
Chủ tịch Starbucks chính là nhân vật đã truyền cảm hứng cho những người có khát vọng vươn lên từ nghèo khó. Đối với Howard Schultz, cuộc cách mạng cà phê với Starbucks có thể chỉ là bước khởi đầu cho những giấc mơ tiếp nối.
Theo Nguyễn Nguyễn/Trí Thức Trẻ