Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga là người đàn ông có cái đầu lạnh và luôn tự thân phấn đấu trên con đường chính trị.
Ông được sinh ra ở Ogachi, nay là Yuzawa, Akita. Đây là vùng đất với nhiều núi và tuyết trắng. "Bất kể mùa đông khắc nghiệt như thế nào, mùa xuân sẽ đến và tuyết sẽ tan. Vùng quê ấy dạy tôi sự kiên trì trước khi tôi biết điều đó", ông nói.
Một góc Akita
Sinh ra trong một gia đình nông dân trồng dâu tây, vì vậy ông phải làm việc ở một nhà máy sản xuất bìa cứng nhỏ tại thành phố để kiếm tiền trang trải học phí. Suga tốt nghiệp trường Hosei tại Tokyo, lý do chọn trường này đơn giản là bởi chi phí học rẻ nhất. Chàng sinh viên lúc ấy không hề nghĩ mình sẽ theo con đường chính trị.
Nhưng ông là một con người hoài bão. Suga tham gia vào trung tâm việc làm Hosei, tại đây kết nối được với chủ tịch hội cựu sinh viên. Đây là những bước đi đầu tiên của ông vào chính trường Nhật Bản.
Những bước tiến trên con đường chính trị
Ông là thư ký cho thành viên Quốc hội Hikosaburō Okonogi trong 11 năm, sau đó là thư ký cho Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế năm 1984 và còn là thành viên của hội đồng thành phố Yokohama.
Suga được bầu vào Quốc hội Nhật Bản năm 1996. Ban đầu là thành viên của phe Obuchi, sau đó ông từ chối ủng hộ Obuchi trong cuộc bầu cử đảng năm 1998 và rời khỏi phe này. Ông cũng từ chối tham gia vào phong trào không tự tin chống lại Yoshirō Mori năm 2000.
Đến hiện tại, ông là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, cũng là người đảm đương chức vụ này lâu nhất với 2.300 ngày giữ cương vị này. Suga là người được giao trọng trách công bố niên hiệu mới vào tháng 4 năm 2019.
Sẵn sàng chấp nhận rủi ro
Không ai vào thời điểm bầu cử năm 2012 ấy có thể tưởng tượng rằng ông Abe có thể gượng dậy được sau nhiệm kì đầy sóng gió năm 2007. Nhiều người đã quay lưng, nhưng ông Suga vẫn ở lại. Niềm tin tưởng vào vị lãnh đạo của mình giúp ông có quyết định đúng đắn.
Chính Suga đã thuyết phục ông Abe quay lại cuộc đua lãnh đạo.
"Suga luôn là một chiến lược gia, kể từ khi còn nhỏ. Giống như trong shogi, anh ấy di chuyển từng bước một và trước khi bạn nhận ra thì anh ấy đã ở vị trí chiếu tướng rồi", Hachiro Okonogi, nghị sĩ của LDP có quan hệ với ông Suga nhận xét. Shogi là tên gọi cờ tướng tại Nhật.
Người xứng đáng
Những người nắm giữ chức vụ Chánh văn phòng Nội các thường rơi vào hai kiểu. Thứ nhất là trợ lý kiêm cố vấn chính, phục vụ thủ tướng đi đôi với rèn giũa những kĩ năng của mình. Ví dụ điển hình là ông Keizo Obuchi những năm 1980, và sau này đã trở thành thủ tướng.
Kiểu thứ hai là người quản lý sắc sảo, mà đại diện là Hiromu Nonaka, người có biệt danh là "thủ tướng trong bóng tối" vì sự khéo léo của ông trong việc điều hành quốc hội và chính trị.
Ở Suga, người ta nhìn thấy cả hai tố chất trên. Ông luôn trao đổi với ông Abe nhiều lần trong ngày về những việc cần làm, nhưng đồng thời cũng vạch ra hướng đi chi tiết cho Abenomics, chiến lược quan trọng nhất với vị thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm.
Về mặt chính trị, Suga đã sử dụng quan hệ của mình trong LDP, đảng đối tác liên minh Komeito và đảng đối lập bảo thủ Nippon Ishin no Kai để duy trì cơ sở quyền lực của chính quyền Abe. Điều này giúp chính quyền ông Abe tranh thủ sự ủng hộ của các đảng, trong trường hợp những chính sách sắp tới không được lòng công chúng.
Tuy được sự khen ngợi của các chuyên gia và các lãnh đạo doanh nghiệp, ông lại không được công chúng yêu thích 1 cách rộng rãi. Gần đây, nhờ những bức hình cầm bức thư pháp thông báo niên hiệu mới "Reiwa" (Lệnh Hòa), ông đã nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Mọi người còn đặt cho ông biệt danh là "Chú Reiwa", thậm chí còn khen ông "dễ thương".
Nhiều nghị sĩ trong LDP nói họ có thể cảm nhận được sự thay đổi ở người đàn ông dường như từng bằng lòng với vai trò ở hậu trường. Mọi ánh mắt bây giờ đều đổ dồn về Suga, không ai biết ông sẽ làm thủ tướng như thế nào. Khi được hỏi về kỳ vọng của mình trong thời đại Reiwa, ông Suga nói: "Thu hút người nước ngoài, xuất khẩu nông sản và hỗ trợ vùng nông thôn bằng thuế quê hương".
Bước tiếp theo của con trai người trồng dâu tây sẽ là gì?
Ông thực sự có những kế hoạch khác ngoài chính trị. "Tôi muốn dành ba tháng hoặc lâu hơn tại một trường ngôn ngữ ở Cebu, Philippines ", ông nói. "Một khi tôi có thể nói một chút tiếng Anh , tôi muốn dành một hoặc hai năm đi khắp thế giới".
Ở tuổi 70, Suga đã quá tuổi nghỉ hưu bắt buộc của hầu hết công ty Nhật Bản, nhưng không vì thế mà sự nghiệp chính trị của ông ngừng lại.
Trí Thức Trẻ