Nikkei đưa tin, khi Tập đoàn Internet khổng lồ của Trung Quốc, Tencent Holdings tuyên bố vào năm 2018 rằng họ đang chuyển đổi để trở thành một "trợ lí kĩ thuật số cho các ngành công nghiệp", các nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi: Làm thế nào?
10 tháng sau, cùng với những khoản đầu tư đáng kể, Tencent cho biết câu trả lời chính là WeChat, ứng dụng nhắn tin cực kì phổ biến ở Trung Quốc.
"WeChat là một công cụ cực kì quan trọng", Dowson Tong, Phó chủ tịch điều hành cấp cao đứng sau chuyển đổi của Tencent cho biết. Ông nhận định: "Tiếp cận với người tiêu dùng chắc chắn là nhu cầu của rất nhiều ngành công nghiệp như bán lẻ và tài chính. Mục đích của họ đều là phục vụ người tiêu dùng".
Hiện nay, WeChat được sử dụng bởi 1,1 tỉ người, chủ yếu là Trung Quốc, để làm mọi thứ từ nhắn tin cho bạn nè, thanh toán hoá đơn và trao đổi hàng cũ. Điều này khiến cho ứng dụng trở thành nguồn dữ liệu vô giá, từ bệnh viện đến các công ty du lịch.
Tương tự như các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, Tencent muốn khai thác nhu cầu của các Tập đoàn khi sự suy thoái kinh tế đè nặng lên tâm lí người tiêu dùng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh hệ sinh thái kĩ thuật số toàn cầu của Tencent, các giám đốc điều hành từ những công ty có trụ sở tại Thâm Quyến ghi nhận đóng góp của WeChat trong việc đẩy nhanh sự phát triển của các lĩnh vực tương ứng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, Tencent cho biết có hơn 38.000 bệnh viện ở Trung Quốc đã chấp nhận sử dụng WeChat để cung cấp các dịch vụ đăng kí trực tuyến, tư vấn và các dịch vụ khác cho bệnh nhân. Và có ít nhất 70 triệu hành khách trên cả nước Trung Quốc sử dụng WeChat Pay để trả tiền vé xe bus, tàu điên ngầm.
Trong khi WeChat có thể không phải là một cái tên quen thuộc ở Phương Tây, ứng dụng này là một phần quan trọng trong cuộc sống ở Trung Quốc. Tại Côn Minh, một trong những điểm du lịch đông đúc nhất của Quốc, ứng dụng thậm chí có thể hướng dẫn du khách đến các điểm nhà vệ sinh công cộng gần nhất, và Tencent đã kí thoải thuận với chính quyền địa phương để cải thiện trải nghiệm du lịch tại đay.
Nhờ 1,1 tỉ người dùng WeChat, Tencent đã có được sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng Quốc, điều này rất có giá trị đối với các khách hàng doanh nghiệp, ông Zhong Xiangping, Phó chủ tịch Tencent cho biết
Các công ty Internet khác của Trung Quốc cũng đang tranh giành nhau để phục vụ khách hàng doanh nghiệp, như Tập đoàn Alibaba – Công ty TMĐT số 1 Trung Quốc, đã cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo cho các ngành công nghiệp truyền thống như nông nghiệp và sản xuất. Trong khi đó, công cụ tìm kiếm Baidu, đã mở rộng sang lĩnh vực xe tự lái.
Tencent cũng đã thành lập một đội ngũ vào tháng 9/2018 để tập trung vào điện toán đám mây và các ngành công nghiệp thông minh. "Nhiệm vụ của Tencent là trở thành trợ lí kĩ thuật số cho tất cả các ngành công nghiệp", Chủ tịch Martin Lau đã từng tuyên bố trong lần tái cấu trúc công ty lần đầu tiên cách đây 6 năm.
Harry Yuen, Phó giám đốc của Ocean Worldwide Securities có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết chiến lược đòn bẩy WeChat của Tencent để phục vụ khách hàng doanh nghiệp là một bước đi "tự nhiên và thông minh". Tuy nhiên ông nói thêm, nước cờ này cũng rất "mạo hiểm" khi đặt quá trình chuyển đổi của nhiều công ty vào một ứng dụng, vì bất kỳ thay đổi nào trong chính sách có thể đe dọa thành công của nó. Vào tháng 5, Nepal trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng WeChat Pay cùng với Alipay của Alibaba, với lí do bảo mật dữ liệu.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích lo ngại rằng những nỗ lực của Tencent để phục vụ các khách hàng công nghiệp có thể khiến công ty chịu lỗ.
Billy Leung, một giám đốc của Haitong International tại Hồng Kông cho biết: "Thách thức lớn đối với Tencent là khái niệm "internet công nghiệp" hiện tại vẫn còn non trẻ. Do thị trường đang ở giai đoạn sơ khai, một số dự án của Tencent mang về doanh số thấp, chỉ khoảng 200.000 nhân dân tệ (28.900 USD), trong khi mất số vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như trung tâm dữ liệu. Lợi nhuận của Tencent có thể bị ảnh hưởng".
Trong cuộc họp vào tháng trước, Tencent lần đầu tiên tiết lộ doanh thu từ điện toán đám mây, công nghiệp thông minh và công nghệ tài chính đạt 21,8 tỉ nhân dân tệ trong quí I/2019. Mặc dù con số đó chiếm 25% tổng doanh thu của Tencent, công ty thừa nhận rằng nhiều dự án mới của họ vẫn còn thua lỗ.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng