Doanh thu của 4 trong số 10 công ty bán lẻ hàng đầu như Alibaba hay JD.com đến hoàn toàn từ thị trường Trung Quốc. Điều này càng nhấn mạnh vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử ở châu Á – Thái Bình Dương.
Hai gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc là Alibaba và JD.com là các nhà bán lẻ hàng đầu xét về doanh thu tại châu Á – Thái Bình Dương với tổng doanh thu đạt 444,5 tỷ USD.
Theo báo cáo về Top 100 nhà bán lẻ khu vực này của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International, Alibaba đã tạo ra doanh thu 243,5 tỷ USD vào năm ngoái, tăng khoảng 25% so với con số 196,9 tỷ USD năm 2017. Trong khi đó, JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 của đất nước tỷ dân thu về 201 tỷ USD, tăng 40% so với mức 142,6 tỷ USD.
Công ty Nhật Bản, Seven Seven & I Holdings – đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, tập đoàn AEON và tập đoàn Amazon chia nhau các vị trí còn lại trong Top 5.
Top 10 nhà bán lẻ tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo báo cáo của Euromonitor International.
Ivan Uzunov, giám đốc nghiên cứu của Euromonitor cho biết: "Doanh thu của 4 trong số 10 công ty bán lẻ hàng đầu như Alibaba hay JD.com đến hoàn toàn từ thị trường Trung Quốc. Điều này càng nhấn mạnh vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử ở châu Á – Thái Bình Dương.
Không có gì quá ngạc nhiên khi hai đơn vị này tiếp tục là những gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương do vị thế thống trị của họ ở Trung Quốc, nơi họ đã chiếm được gần 3/4 thị trường".
Euromonitor dự đoán cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung sẽ có tác động đến doanh số bán lẻ, khiến nó tăng trưởng ở mức thấp và đạt 5.800 tỷ USD vào năm 2020 so với 5.600 tỷ USD trong năm nay.
Ivan cũng bày tỏ lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể tác động sâu sắc hơn đến ngành bán lẻ nói chung vì sản lượng kinh tế của toàn khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Ở Hong Kong, ông lớn về lĩnh vực sức khỏe và làm đẹp Watson được xếp hạng số 1, theo sau là Tập đoàn Dairy Farm International - công ty vận hành chuỗi siêu thị Wellcome. Chow Tai Fook, tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực trang sức, bất động sản, khách sạn, vận tải… đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách.
Watson là nhà bán lẻ số 1 tại Hong Kong.
Euromonitor cũng lưu ý rằng tình trạng bất ổn hiện tại ở Hong Kong có thể sẽ tác động lớn hơn đến doanh số bán hàng xa xỉ trong thời gian tới. Ivan cho biết Hong Kong là một trung tâm mua sắm hàng cao cấp với doanh thu cao hơn hẳn do với Brazil hay Singapore. Vấn đề là những người mua sắm giàu có từ Trung Quốc đại lục – cơ sở tiêu dùng quan trọng của thị trường Hong Kong đang có xu hướng xa lánh khu vực này do tình trạng bất ổn. Thậm chí, một số nhà bán lẻ còn phải tạm thời đóng cửa cửa hàng để không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Bên cạnh đó, một vấn đề đang chú ý khác là sự chênh lệch giá cả hàng hóa giữ Hong Kong và Trung Quốc đại lục đã thu hẹp từ 30% xuống còn 10% ở thời điểm hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc khách du lịch sẽ có ít lý do hơn để đến Hong Kong mua sắm.
Trong khi đó, doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc được dự báo là sẽ tiếp tục chiếm phần lớn hơn trong "miếng bánh" bán lẻ tổng thể và có thể tăng lên 30% trong 10 năm tới so với 10% hiện tại.
Ivan cho biết phần lớn người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới đang ít đi mua sắm tại các cửa hàng vật lý và chuyển sang mua hàng online vì sự tiện lợi và nhiều ưu đãi của hình thức này.
theo SCMP