Đến hết tháng 9/2021, tổng nguồn lực để mua vaccine phòng COVID-19 khoảng 26.800 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Gửi đại biểu một số thông tin về chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cơ chế huy động nguồn lực mua vaccine tiêm phòng COVID-19, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu khá nhiều con số đáng chú ý.
Cụ thể, đến hết tháng 9/2021, tổng nguồn lực để mua vaccine phòng COVID-19 khoảng 26.800 tỷ đồng, cơ bản bảo đảm nguồn lực để mua vaccine theo kế hoạch.
Quy mô trên gồm nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã bố trí khoảng 18.100 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương (NSTW) đã bố trí khoảng 14.574 tỷ đồng (gồm: 1.237 tỷ đồng từ dự phòng NSTW năm 2021; 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch năm 2020 của Bộ Y tế chưa sử dụng chuyển sang năm 2021) và ngân sách địa phương (NSĐP) bố trí khoảng 3.540 tỷ đồng (bao gồm 1.040 tỷ đồng từ nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân).
Quỹ vaccine phòng COVID-19 tính đến ngày 5/10/2021 đã huy động được 8.693 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) từ các tổ chức và cá nhân đóng góp, tài trợ (huy động thêm được khoảng 56 tỷ đồng so với tháng trước).
Về việc sử dụng nguồn lực mua vaccine phòng COVID-19, đến hết tháng 9/2021, tổng số đã quyết định sử dụng để bổ sung cho Bộ Y tế mua vaccine là 15.534 tỷ đồng.
Nguồn này gồm NSTW chi 7.574 tỷ đồng (1.237 tỷ đồng từ dự phòng NSTW năm 2021; 5.100 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch năm 2020 của Bộ Y tế chưa sử dụng chuyển sang năm 2021). Quỹ vaccine chi 7.960 tỷ đồng.
Sau khi trừ số đã có quyết định sử dụng như trên (15.534 tỷ đồng), nguồn lực còn lại khoảng 11.27 nghìn tỷ đồng, gồm nguồn NSNN còn khoảng 10.530 tỷ đồng, gồm: tiết kiệm chi NSTW là 7 nghìn tỷ đồng; NSĐP 3,54 nghìn tỷ đồng. Quỹ vaccine còn lại 733 tỷ đồng.
Các chính sách đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 cũng được Ủy ban của Quốc hội đề cập.
Ủy ban cho biết, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về chủ trương tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Ngoài ra, có ý kiến đề xuất sử dụng kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Từ một số vấn đề nổi lên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, để bảo đảm kịp thời xử lý các vấn đề cấp bách trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ lưu tâm thực hiện một số giải pháp.
Một là, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động do dịch COVID-19; rà soát, cắt giảm các thủ tục không cần thiết; thực hiện công khai, minh bạch trong việc cấp phát tiền hỗ trợ tại địa phương, đảm bảo người dân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước kịp thời, thuận tiện.
Hai là, rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch nhằm tăng cường chế độ, bảo đảm sức khỏe, động viên hơn nữa cho lực lượng này; trong đó, lưu ý điều chỉnh các chính sách hỗ trợ hợp lý cho đội ngũ nhân viên y tế và tình nguyện viên để kịp thời động viên, khuyến khích những người tham gia lực lượng y tế chống dịch COVID-19.
Ba là, khẩn trương tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định những chính sách liên quan đến chi phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đúng thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 về kinh phí đã chi phòng, chống dịch COVID-19 (bao gồm nguồn NSNN và nguồn xã hội hóa) và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn này.