Áp lực về công việc mới, cơm áo gạo tiền, lo lắng về cái nhìn của những người xung quanh khiến tôi bị trầm cảm nặng.
Năm nay tôi 30 tuổi, nhưng lại chẳng có gì trong tay. Cách đây 5 năm, tôi cũng đã từng có một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước. Nhưng rồi với khao khát tuổi trẻ phải làm gì đó mới mẻ, thay đổi cuộc sống, nên tôi đã bỏ việc để khởi nghiệp. Tôi bắt tay vào tìm hiểu và kinh doanh trong lĩnh vực thời trang. Tưởng rằng "dễ xơi" nào ngờ tôi nhanh chóng bị lừa, phá sản, mất cả chì lẫn chài.
Lần đầu tiên thất bại, tôi đổ bể hơn 500 triệu. Không chấp nhận số phận, tôi tiếp tục vay mượn tiền của bố mẹ, bạn bè để vực dậy công việc kinh doanh. Đến giờ ngay cả sổ đỏ gia đình tôi cũng bị tôi đem đi cầm cố. Nhưng việc kinh doanh của tôi cũng chỉ được một thời gian rồi chẳng đâu vào đâu.
Dường như tôi không phù hợp với kinh doanh. Có điều cái giá để tôi nhận ra điều đó quá chua chát. 30 tuổi, sau vài năm khởi nghiệp bất thành, thứ tôi ôm về là nợ nần chồng chất. Nếu không thể trả nợ, căn nhà mà bố mẹ tôi đang ở cũng sẽ bị siết nợ hết. Tôi thực sự cảm thấy bế tắc. Tạm dừng ước mơ kinh doanh, tôi quay lại để xin đi làm trong các công ty về IT (theo đúng chuyên môn), nhưng chẳng chỗ nào tôi làm được lâu dài. Chỗ thì nợ lương, chỗ không thể hòa hợp với sếp nên tôi lại bỏ việc.
Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi, bế tắc. Tôi không biết mình phải làm gì nữa, khi bạn bè đã ổn định cuộc sống, có đứa mua được nhà được xe, lấy vợ có con, còn tôi vẫn lông bông với 2 bàn tay trắng.
Căng thằng, suy nghĩ tiêu cực nhiều khiến cơ thể tôi bị suy nhược đến mức nhập viện. Bác sĩ nói tôi có dấu hiệu trầm cảm và khuyến cáo tôi nên đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị. Tôi cũng đã làm theo, nhưng về căn bản vấn đề của tôi vẫn không thể được giải quyết. Nhiều khi tôi cảm giác mệt mỏi đến mức chỉ muốn giải thoát để không phải nghĩ nhiều. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, nên tôi lại không dám làm liều. Tôi không biết phải làm gì để tốt hơn nữa./.
PV/VOV.VN (Ghi)
Theo VOV