Sinh nhật 10 tuổi Winmart

4 năm sau cuộc cách mạng di chuyển của Grab, Uber bạn có nhận ra đi xe ôm bây giờ giá còn chưa đến 1/2 so với ngày trước?

18/09/2018 15:17

Kì kèo ngã giá với anh xe ôm trung tuổi luôn chầu chực trước cửa hầm để xe của chung cư, chị Hương mới mặc cả được mức giá 60.000 đồng để di chuyển từ KĐT Kim Văn Kim Lũ đến Vũ Trọng Phụng. Đấy là chuyện 3 năm trước. Nay với các ứng dụng gọi xe, cước phí cho quãng đường trên còn chưa đến một nửa, lựa chọn "sang" hơn là di chuyển bằng ô tô cũng chỉ mất 40.000 - 50.000 đồng, đặc biệt không cần đến "kỹ thuật trả giá".


Kì kèo ngã giá với anh xe ôm trung tuổi luôn chầu chực trước cửa hầm để xe của chung cư, chị Hương mới mặc cả được mức giá 60.000 đồng để di chuyển từ KĐT Kim Văn Kim Lũ đến Vũ Trọng Phụng. Đấy là chuyện 3 năm trước. Nay với các ứng dụng gọi xe, cước phí cho quãng đường trên còn chưa đến một nửa, lựa chọn "sang" hơn là di chuyển bằng ô tô cũng chỉ mất 40.000 - 50.000 đồng, đặc biệt không cần đến "kỹ thuật trả giá".

Các ứng dụng gọi xe đã thay đổi hoàn toàn cách thức di chuyển của khách hàng, và cả cách thức "làm ăn" của giới tài xế.

Khoảng 4 năm trước, khi xe ôm công nghệ mới manh nha với sự xuất hiện của GrabBike, lượng xe chưa nhiều, chị Hương vẫn trung thành với xe ôm truyền thống mỗi khi có nhu cầu cần di chuyển. Và trả giá luôn là khâu vất vả nhất.

- Sao anh lấy giá đắt hơn cả cước taxi vậy?

- Chị đi khắp khu này xem ai lấy giá thấp hơn không. Kêu đắt hơn taxi vậy chị ra đường vẫy taxi đi đi!

- X. đồng được không?

- Đi xa mà trả có từng đó. Còn không đủ đổ xăng.

Trên đây chỉ là một đoạn hội thoại trả giá mà chị Hương thường gặp. Thường thì Giá một cuốc xe ôm = Cước thực tế * (Tính liên kết của cánh xe ôm trong khu vực + Độ cao hứng của lái xe - Kỹ thuật trả giá của khách hàng)

Chặng đường từ KĐT Kim Văn Kim Lũ đến Vũ Trọng Phụng dài 4,6 km, tính theo Google Maps. Giá cước xe ôm phổ biến nhất là 60.000 đồng sau khi kì kèo trả giá.

4 năm sau cuộc cách mạng di chuyển của Grab, Uber bạn có nhận ra đi xe ôm bây giờ giá còn chưa đến 1/2 so với ngày trước? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nay, chị chỉ mất 25.000 - 27.000 đồng nếu di chuyển bằng xe ôm công nghệ, "xài sang" hơn thì đi bằng ô tô, giá cũng chỉ ở mức 40.000 - 50.000 đồng - thấp hơn cả giá xe ôm ngày trước. Quan trọng hơn là không còn mất thời gian ngã giá. Thái độ của tài xế cũng lịch sự hơn trước.

Di chuyển thuận tiện hơn, mức giá rẻ hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn, đấy là về phía khách hàng. Tài xế cũng có thêm thu nhập với các cuốc gọi xe liên tiếp. Còn với các hãng xe công nghệ như Uber, Grab, đó là cả một chặng đường dài với cái giá phải trả là mồ hôi, tiền bạc, và cả... máu.

Cái giá của kẻ tiên phong: Bạo động chống Uber diễn ra trên mọi mặt trận, Việt Nam có đến hàng trăm xe ôm công nghệ bị xe ôm truyền thống hành hung

4 năm sau cuộc cách mạng di chuyển của Grab, Uber bạn có nhận ra đi xe ôm bây giờ giá còn chưa đến 1/2 so với ngày trước? - Ảnh 2.

Tài xế taxi Pháp đốt lốp xe trong cuộc biểu tình chống lại Uber trên phạm vi toàn quốc hôm 25/6/2015. Ảnh: Reuters.

Uber, Grab luôn được viện dẫn làm ví dụ điển hình cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng "kẻ tiên phong" nào cũng vấp phải sự kháng cự.

Uber liên tiếp gặp làn sóng biểu tình phản đối, nhiều cuộc biểu tình trong số đó đã biến thành bạo lực tại Pháp và Tây Ban Nha.

Còn tại thị trường Việt Nam, ngoài chuyện kiến nghị, kiện cáo đến từ các hãng taxi truyền thống, Grab cũng đau đầu khi một mặt phải đi thuyết phục từng bác xe ôm tham gia làm đối tác, một mặt xử lý sự cố các cánh xe ôm truyền thống hành hung xe ôm công nghệ tại các điểm nóng như sân bay, bến xe…

Grab là người tiên phong trong cuộc chơi xe ôm công nghệ. Bước vào thị trường Việt Nam tháng 2/2014 và ra mắt dịch vụ đặt xe ôm GrabBike vào cuối tháng 10/2014, đại diện Grab cho biết chỉ trong vòng 2 năm, đã có hàng trăm việc xô xát, hành hung các đối tác Grab được ghi nhận.

4 năm sau cuộc cách mạng di chuyển của Grab, Uber bạn có nhận ra đi xe ôm bây giờ giá còn chưa đến 1/2 so với ngày trước? - Ảnh 3.

Ảnh: GTVT.

"Chúng tôi đã dày công xây dựng thị trường từ con số 0, từ khi tài xế không biết smartphone là gì, không hiểu tại sao mình phải tham gia một công ty, đồng ý trả chiếu khấu 20% cho đến khi việc dùng App là việc dễ như trở bàn tay, đem lại thu nhập ổn định cho cả trăm nghìn đối tác tài xế", đại diện Grab cho biết.

Trong 2 năm đầy mâu thuẫn ấy, Grab đã phải từng bước thuyết phục xe ôm truyền thống thay đổi cách nhìn nhận về Grab và các đối tác GrabBike.

Lợi thế cho kẻ đến sau

4 năm sau cuộc cách mạng di chuyển của Grab, Uber bạn có nhận ra đi xe ôm bây giờ giá còn chưa đến 1/2 so với ngày trước? - Ảnh 4.

Sau cuộc "khai phá" của người tiên phong trên thị trường xe ôm công nghệ, khi cả khách hàng lẫn tài xế đều "lướt êm" trên chiếc smartphone với App gọi xe, những kẻ bước chân sau vào thị trường được hưởng lợi. Thay vì tốn công sức "educate" thị trường như kẻ tiên phong, những tân binh trên thị trường App gọi xe chỉ cần ra sức giành thị phần tại thị trường đã mở ra trước đó.

Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, thị trường gọi xe công nghệ 2 bánh cũng lần lượt xuất hiện thêm VatoBike của Vato, FastBike của FastGo, và Go-Viet (dù hiện mới chỉ chạy 6 quận nội thành).

Trong cuộc chiến ấy, GrabBike và Go-Viet với 2 màu xanh - đỏ đang tung chiêu khuyến mãi cạnh tranh về giá khốc liệt nhất.

Sau khi chạy thử nghiệm với mức cước 5.000 đồng rồi 9.000 đồng cho chặng đường dưới 8km tại TPHCM, Go-Viet đã xuất hiện ở Hà Nội với mức cước 1.000 đồng cho mọi chuyến đi dưới 6km xuất phát từ 6 quận trung tâm của Hà Nội, bao gồm Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa và Cầu Giấy.

Grab cũng tung khuyến mãi nhưng "nhẹ nhàng" hơn, nhắm tới đối tượng chưa từng dùng GrabBike mới mức giảm 50% (tối đa 20.000 đồng) cho 2 chuyến cho khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ tại Hà Nội, TPHCM, Biên Hòa, Bình Dương.

Grab cũng tung các khuyến mãi mạnh hơn ở thị trường các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… với mức giảm lên tới 25.000 đồng/chuyến cho 10 chuyến GrabBike.

Xét số lượng tài xế, GrabBike hiện có khoảng 150.000 đối tác tài xế 2 bánh. Go-Viet mới đây cũng công bố hãng này đã thu hút 25.000 đối tác tài xế.

Bước ra khỏi tòa nhà văn phòng trên đường Vũ Trọng Phụng, chị Hương mở app gọi xe để so sánh giá cả giữa các hãng như một thói quen. Trời mưa hay nắng gắt thì chọn di chuyển bằng ô tô. Giờ cao điểm thì vuốt điện thoại đặt xe hai bánh tránh tắc đường.

Chắc giờ đây cũng còn ít ai nhớ đến 4 năm trước việc gọi xe, nhận khách, kì kèo nhiêu khê đến thế nào. Bây giờ cả hành khách lẫn tài xế, cứ vuốt điện thoại, mở app, thế là xong.


Bình An

Theo Trí Thức Trẻ