40 bang Mỹ cùng ký đơn kiện Facebook

05/12/2020 13:47

 Mạng xã hội lớn nhất thế giới những năm gần đây thay vì để mọi người nhớ đến với tư cách một công ty công nghệ lớn có nhiều sáng kiến đột phá thì lại trở thành tâm điểm của nhiều vụ bê bối, kiện tụng.

Tổng giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ về hành vi độc quyền, ngày 29-7 - Ảnh: Reuters

Ngày 3-12 (giờ Mỹ), Hãng tin Reuters dẫn nhiều nguồn tin cho biết hơn 40 bang của Mỹ sắp kiện Facebook, liên quan đến các hành vi độc quyền trên thị trường. Đơn kiện này, nếu có, sẽ là vụ kiện lớn thứ hai trong năm nay chống lại một công ty thuộc nhóm Big Tech (Apple, Amazon, Facebook và Alphabet).

"Domino" kiện tụng

Nguồn tin của Reuters cho biết hơn 40 tiểu bang Mỹ sẽ ký vào đơn kiện nhưng không nêu đích danh. Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) có thể là cơ quan đại diện để nộp đơn kiện lên tòa án quận Mỹ. Hiện chưa rõ các tiểu bang sẽ đưa nội dung gì vào đơn kiện.

Cáo buộc chống lại Facebook thường thấy là mạng xã hội này thường tìm cách mua lại các đối thủ tiềm năng nhỏ với mức giá cao, bao gồm Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014.

Trong các phiên điều trần trước Quốc hội, tổng giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg từng nói công ty có nhiều đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ khác. Zuckerberg đã bảo vệ các thương vụ mua lại gây tranh cãi như Instagram và WhatsApp bằng cách nói nền tảng mạng xã hội của họ giúp các công ty nhỏ và thiếu ảnh hưởng trở thành công ty lớn mạnh.

Đây sẽ là vụ kiện chống độc quyền đầu tiên chống lại Facebook ở Mỹ. Điều đáng nói là vụ kiện có thể là khởi đầu của nhiều vụ kiện khác sắp tới.

Tờ Wall Street Journal ngày 30-11 cho biết các nhà chức trách liên bang và tiểu bang đang tìm cách chuẩn bị thêm bốn vụ kiện chống lại Facebook, Google hoặc cả hai công ty này vào cuối tháng 1-2021.

Nội dung đơn kiện sẽ tập trung vào việc hành vi của Facebook có cản trở cạnh tranh, gây rủi ro cho người dùng hay không và quản lý dữ liệu người dùng ra sao. Trong quá khứ, Facebook từng dính bê bối Cambridge Analytica - công ty sử dụng dữ liệu bất hợp pháp của 87 triệu người dùng Facebook trong chiến dịch bầu cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.

Phân biệt đối xử với lao động Mỹ

Cũng trong ngày 3-12, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Facebook liên quan đến vụ Facebook phân biệt đối xử với người lao động Mỹ. Sau 2 năm điều tra, từ 2018 đến tháng 9-2019, Bộ Tư pháp cáo buộc Facebook "từ chối" tuyển dụng lao động Mỹ cho hơn 2.600 vị trí. Thay vào đó, Facebook tuyển dụng lao động nhập cư có visa tạm thời, bao gồm lao động có visa H-1B.

Visa H-1B thường được các công ty trong lĩnh vực công nghệ dùng để đưa lao động nước ngoài có tay nghề chuyên môn cao tới Mỹ. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng luật quản lý loại visa này còn lỏng lẻo khiến cho việc thay thế lao động Mỹ bằng lao động nước ngoài có thù lao rẻ hơn trở nên quá dễ dàng.

Bộ Tư pháp cho rằng Facebook "cố tình tạo ra hệ thống tuyển dụng" như vậy để giúp những lao động nhập cư tạm thời có thẻ xanh hoặc thường trú nhân.

Vụ kiện Facebook là động thái mới nhất cho thấy xung đột giữa chính quyền ông Trump với Facebook nói riêng và Thung lũng Silicon nói chung đối với vấn đề lao động nước ngoài. Vào tháng 6, ông Trump tuyên bố tạm thời chặn lao động nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực H-1B. Đây được xem là một nỗ lực mà chính quyền khi đó cho rằng sẽ mang lại 525.000 việc làm cho người lao động Mỹ.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 5 của Viện Chính sách kinh tế (EPI), các nhà tuyển dụng lao động H-1B hàng đầu đều là những tập đoàn quen mặt nhớ tên: Amazon, Microsoft, Walmart, Alphabet, Apple và Facebook. Báo cáo của EPI cho biết hầu hết các công ty tuyển dụng nhiều lao động có visa H-1B là vì mức thù lao trung bình trả cho họ thấp hơn mức lương của lao động địa phương với cùng một công việc.

Đáp lại, các tập đoàn lớn lấy lý do rằng không có đủ sinh viên Mỹ tốt nghiệp với bằng cấp khoa học và kỹ thuật đáp ứng công việc trong nhiều lĩnh vực mà họ tuyển dụng, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI).

Kiện ngược

Ngày 27-7, Facebook kiện cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) vì những đòi hỏi mà mạng xã hội này cho là quá mức cần thiết trong công tác điều tra. Cơ quan chống độc quyền của EU cũng bắt đầu điều tra Facebook từ năm 2019, yêu cầu công ty cung cấp nhiều thông tin liên quan đến quản lý dữ liệu.

Facebook cho rằng họ phải chia sẻ nhiều tài liệu có phần không phù hợp để phục vụ điều tra, bao gồm thông tin cá nhân của nhiều nhân viên trong công ty. Họ yêu cầu tòa án EU xem xét lại yêu cầu từ cơ quan chống độc quyền của EU.

Cả 4 ông lớn đều bị "soi"

Mạng xã hội với 3 tỉ người dùng cùng với ba công ty còn lại trong nhóm Big Tech là Alphabet, Amazon và Apple đã bị các nhà chức trách nhắm tới từ tháng 6-2019.

Ngày 29-7-2020, cả bốn công ty dắt tay nhau ra điều trần về hành vi độc quyền, theo yêu cầu từ Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. Tháng 10, Hạ viện Mỹ đã tung ra một bản báo cáo hơn 400 trang, cáo buộc nhiều hành vi thao túng và độc quyền của các "ông lớn" công nghệ.

Cũng trong tháng đó, Bộ Tư pháp kiện Google, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đã vận hành đế chế độc quyền trong thị trường tìm kiếm trên Internet, gây hại cho cả người tiêu dùng lẫn các đối thủ cạnh tranh.

Theo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/40-bang-my-cung-ky-don-kien-facebook-20201204221957478.htm

Bạn đang đọc bài viết "40 bang Mỹ cùng ký đơn kiện Facebook" tại chuyên mục Chuyện thương trường.