Kể từ khi ra đời, Instagram đã phần nào định nghĩa lại khái niệm "mạng xã hội". Đây là "lãnh thổ" cuối cùng mà các nhà làm marketing đặt mục tiêu chinh phục bởi cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt và thành công ngày càng khó nắm bắt. Trên thực tế, làm marketing trên nền tảng này không phải là "đốt" hàng triệu USD hay thuê các KOL (người ảnh hưởng) nổi tiếng để chia sẻ bài đăng về sản phẩm. Thay vào đó, nó đòi hỏi cách tiếp cận tinh tế và nhiều sắc thái hơn để tạo ấn tượng tốt với đúng đối tượng mục tiêu.
Dưới đây là 5 "bậc thầy" làm marketing trên Instagram:
Nữ tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất lịch sử - Kylie Jenner (146 triệu người theo dõi)
Tuy sinh ra trong một gia đình giàu có và nổi tiếng nhưng Kylie Jenner đã "vượt sướng" để trở thành tỷ phú USD ở tuổi 22. Theo cô, hãng mỹ phẩm Kylie Cosmetics do cô thành lập và sở hữu chính là yếu tố giúp tăng tài sản của mình lên 10 con số chỉ trong 3 năm ngắn ngủi.
Một phần trong thành công đó là cách Kylie làm marketing trên Instagram thông qua các câu chuyện và tương tác. Mỗi bài đăng hay video của nữ tỷ phú trẻ đều có hàng triệu lượt thích cùng hàng chục ngàn bình luận của người theo dõi. Điều đó đã giúp củng cố thêm sự nổi tiếng của cái tên Kylie Jenner và công ty mỹ phẩm của cô.
Nike (92,8 triệu người theo dõi)
Rất ít công ty trên thế giới có thể tạo ra những đôi giày sneaker phổ biến hơn Nike và về "năng lực Instagram", thương hiệu này cũng là đơn vị dẫn đầu. Đầu năm ngoái, Nike đã đưa ra một chiến lược thông minh để tăng sự quan tâm đến mẫu giày React sắp ra mắt vào tháng sau của mình.
Hình ảnh quảng bá của Nike là một chiếc giày đặt trên lò xo, gối và những miếng bọt biển. Đây là cách thương hiệu thể thao này truyền đạt thông điệp về sản phẩm giày mang lại sự thoải mái cho người dùng của họ. Và Nike đã thành công với chiến dịch này với việc đạt 7 triệu lượt xem sau khi video giới thiệu sản phẩm bổ sung được đăng tải và đó là bài đăng được xem nhiều nhất năm 2018 của hãng.
Tesla Motors (6,2 triệu người theo dõi)
Hãng xe điện Tesla đã hợp tác với nhà phát triển Vector Unit để tích hợp xe Tesla và trò chơi của họ, Beach Buggy Racing 2. Video quảng cáo trên Instagram của Tesla đã thu hút gần 2 triệu lượt xem. Bài học rút ra: Tìm các mối quan hệ hợp tác thích hợp cho phép bạn dễ dàng xác định và nhắm mục tiêu vào đối tượng khách hàng thay thế.
Lego (4,5 triệu người theo dõi)
Đám cưới Hoàng gia năm ngoái là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trên toàn cầu vào tháng 5/2018. Nhưng Lego, một thương hiệu bán đồ chơi thì có liên quan gì đến sự kiện này? Trên thực tế, Lego là một công ty luôn đi đầu trong việc bắt "trend" và tái hiện các sự kiện quan trọng thông qua sản phẩm của mình.
Thời điểm đó, hashtag #RoyalWedding đang thịnh hành trên mạng xã hội và Lego đã nhanh chóng chia sẻ một video tái hiện lại đám cưới sử dụng nhân vật được tạo nên từ khối lắp ghép của họ.
Lego đã "bắt trend" đám cưới Hoàng gia rất tốt vào năm ngoái.
Với hơn 155.000 lượt xem cho đến thời điểm này, có thể nói Lego đã có một video làm marketing thành công trên nền tảng của Instagram. Bài học đơn giản cho các công ty sản xuất khác là nắm bắt sự kiện đang thịnh hành trên thế giới và biến nó thành của riêng mình với hình ảnh hoặc video thu hút trên Instagram.
Airbnb (4,4 triệu người theo dõi)
Hầu hết các nhà làm marketing đều có quan niệm rằng việc lan truyền và thu hút hàng triệu lượt thích cũng như lượt xem một bài đăng là điều họ cần theo đuổi. Tất nhiên, chiến lược đó mang lại lợi ích nhưng nó không phải tất cả đối với những người duy trì ảnh hưởng một cách ổn định.
Airbnb là một trong những công ty sáng tạo như vậy và dòng thời gian trên Instagram của họ tập trung nhiều hơn vào việc giúp người xem sống trong giấc mơ khám phá toàn cầu.
Airbnb đã khơi dậy đam mê khám phá thế giới của người dùng một cách khéo léo thông qua các bài đăng trên Instagram.
Công ty liên tục lấy nội dung do người dùng tạo ra từ các địa điểm khác nhau của Airbnb trên toàn thế giới, từ đó hình thành mong muốn "xách balo lên và đi" của người dùng. Có thể nói, dòng thời gian của Airbnb rất đẹp nhưng cũng tạo ra sự gắn kết ổn định, hình thành nên chiến lược có tầm nhìn xa hơn so với các thương hiệu chỉ dựa trên dịch vụ.
Bất kể Instagram có trở nên phổ biến ra sao, tính độc đáo vẫn là điều có giá trị hơn mọi thứ khác trên nền tảng này. Đây là điều mà 5 công ty và cá nhân ở trên đã khai thác tốt để duy trì sự ảnh hưởng và đem lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, để thành công, bạn hãy tìm cách hiểu khách hàng hơn và sáng tạo hơn trong cách tiếp cận trên mạng xã hội.
Theo Tri thức trẻ.