5 vị tướng gắn liền với danh hiệu bách chiến bách thắng dưới đây đều là những nhân vật sở hữu tên tuổi quen thuộc với hậu thế. Trong số đó, người đứng đầu bảng xếp này thậm chí còn được mệnh danh l...
Nhìn lại lịch sử phong kiến Trung Hoa, không khó để nhận thấy số lượng võ tướng tuy đông đảo, nhưng số người được cho là luôn cầm chắc chiến thắng trong mỗi lần xung trận lại không nhiều.
Theo xếp hạng của tờ báo Sohu (Trung Quốc), trong số ít các tướng lĩnh bách chiến bách thắng trên chiến trường thì 5 vị "Thường Thắng tướng quân" dưới đây được xem là những người nổi tiếng và tài năng hơn cả.
Vị trí thứ 5: Triệu Vân
Nhận định về Triệu Vân, hầu hết các ý kiến đều cho rằng ông vừa là một vị tướng uy dũng trên chiến trường, lại vừa có tư duy nhạy bén trong chính trị và cũng là một trung thần hết mực chính trực, cẩn thận. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Triệu Vân (? – 229), tự Tử Long, người vùng Thường Sơn, là danh tướng cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông cũng là một trong số những nhân vật có công lớn đối với việc thành lập nên nhà Thục Hán của quân chủ Lưu Bị.
Trong "Tam quốc diễn nghĩa", Triệu Vân được liệt vào hàng "Ngũ hổ thượng tướng" cùng với các tên tuổi khác là Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung và Mã Siêu.
Vào giai đoạn các thế lực quân phiệt nổi lên tranh đấu cuối thời Đông Hán, Triệu Vân ban đầu gia nhập tập đoàn quân sự của Bạch Mã tướng quân Công Tôn Toản. Ông cũng quen biết với Lưu Bị trong giai đoạn phụng sự dưới tướng nhân vật này.
Sau khi rời đi trận doanh của Công Tôn Toản và gặp lại Lưu Bị ở Nghiệp Thành, Triệu Vân đã quyết định đi theo phò tá Lưu Huyền Đức gây dựng nên cơ nghiệp Thục Hán.
Trong quãng thời gian phụng sự cho vị Tiên chủ họ Lưu, ông từng góp mặt và tạo nên nhiều chiến thắng vang dội trong các trận chiến nổi danh như trận Bác Vọng, trận Trường Bản, chiến dịch nhập xuyên, trận chiến ở Hán Thủy…
Trong số đó, nổi tiếng hơn cả phải kể đến chiến tích vị tướng họ Triệu một mình phá vòng vây của quân Tào và cứu được A Đẩu về cho Lưu Bị từ trận chiến khốc liệt tại Trường Bản.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh những công lao to lớn trên chiến trường, vị tướng họ Triệu này còn được mệnh danh là nhân vật "văn võ song toàn" khi từng kiêm nhiệm nhiều chức quan khác như Thái thú Quế Dương, Tư Mã lo việc nội chính ở Kinh Châu…
Bên cạnh đó, Triệu Tử Long còn được người đời ca ngợi là một nho tướng nhìn thấu thời cuộc và có tấm lòng vì dân vì nước.
Năm xưa sau khi bình định Ích Châu, ông chính là người đã dẫn câu chuyện về Hoắc Khứ Bệnh để khuyên Lưu Bị trả lại ruộng đất cho trăm họ chứ không nên đem thưởng cho binh lính, tướng sĩ.
Sau biến cố mất Kinh Châu và cái chết đột ngột của Quan Vũ – Trương Phi, chính vị tướng này cũng là một trong số những người cương quyết khuyên Lưu Huyền Đức không nên chinh phạt Đông Ngô vào thời điểm đó.
Cũng bởi sự vượt trội về tài năng và nhân cách, vị tướng họ Triệu ấy vẫn thường được không ít người ca tụng là nhân vật hoàn mỹ nhất vào thời Tam Quốc.
Vị trí thứ 4: Bạch Khởi
Đánh giá về con người của Bạch Khởi, có ý kiến cho rằng ông tuy vô địch trên chiến trường nhưng lại quá bộc trực, thiếu khéo léo, hơn nữa lại hiếu sát để rồi cuối cùng phải nhận lấy kết cục bi thảm. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Bạch Khởi (332 TCN – 257 TCN), là vị tướng nổi danh củ nước Tần dưới thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Dưới thời Tần Chiêu Vương, vị tướng họ Bạch này đã từng giữ chức chỉ huy quân đội Tần quốc trong suốt 30 năm, đánh bại Tam Tấn (3 nước lân bang là Hàn, Triệu, Ngụy) và Sở.
Trong số những chiến thắng vang dội của Bạch Khởi, nổi tiếng hơn cả phải kể tới 2 trận đánh lớn thời Chiến Quốc là trận Y Khuyết và trận Trường Bình.
Năm 293 TCN, Bạch Khởi đem quân đánh nước Hàn ở phía đông, đánh bại liên quân Ngụy – Hàn ở Y Khuyết. Bấy giờ, lợi dụng tâm lý e sợ của liên quân hai nước, vị tướng họ Bách đã chủ động tấn công nhánh quân Hàn yếu hơn, khiến cho quân địch nhanh chóng tan giã, sau đó thừa thắng truy kích liên quân, chém được 24 vạn thủ cấp, làm kinh động cả hai nước Hàn – Ngụy.
Năm 260 TCN, Bạch Khởi được Tần vương chỉ định tham chiến ở Trường Bình và giành chiến thắng, chấm dứt cuộc chiến mà quân Tần đã sa lầy trong hơn 2 năm.
Sau khi giành được thắng lợi, vị tướng họ Bạch đã quyết định đồ sát 45 vạn quân Triệu. Đây cũng bị xem là một trong những cuộc thảm sát lớn nhất thời cổ đại trong lịch sử Trung Quốc.
Được mệnh danh là vị tướng bách chiến bách thắng của nước Tần, Bạch Khởi đã được liệt vào hàng ngũ 4 nhà cầm quân tài ba nhất thời Chiến Quốc cùng với các tên tuổi khác là Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục.
Những thắng lợi quân sự trọng yếu mà ông mang lại cũng đã trở thành nền tảng cho việc thống nhất Trung Nguyên mà Tần Thủy Hoàng chính là người hoàn tất sau này.
Vị trí thứ 3: Hoắc Khứ Bệnh
Xông pha trận mạc từ khi còn niên thiếu và qua đời ở độ tuổi rất trẻ, thế nhưng Hoắc Khứ Bệnh đã khắc ghi tên tuổi vào lịch sử với tư cách là một đại tướng chống Hung Nô nổi tiếng của Hán triều. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Hoắc Khứ Bệnh (140 TCN – 117 TCN), người huyện Bình Dương, quận Hà Đông (nay thuộc Sơn Tây, Trung Quốc), là đại tướng chống Hung Nô nổi tiếng của nhà Hán.
Vị tướng họ Hoắc này là cháu ngoại của danh tướng Vệ Thanh. Ông được sử cũ miêu tả là người giỏi cưỡi ngựa, thạo bắn cung, sử dụng binh khí tinh thông, linh hoạt, có tài định ra phương hướng, chiến lược, dũng mãnh quả quyết, giỏi về bôn tập đường dài, có sở trường về các lối đánh tập kích bất ngờ, đánh vu hồi…
Vào năm 18 tuổi, Hoắc Khứ Bệnh trong lần đầu cầm quân đã dẫn theo 800 người tiến sâu vào lãnh thổ Hung Nô, chém hạ tổng cộng 2028 tên địch, buộc quân Hung Nô phải hoảng sợ tháo chạy. Cũng trong trận chiến ấy, ông còn bắt được thúc phụ của thiền vu Hung Nô là La Cô Bỉ và giết được ông của thiền vu.
Trong lần thứ hai đánh Hung Nô vào năm 121 TCN, vị tướng họ Hoắc ấy với 1 vạn phiêu kỵ quân đã tiến sâu vào 1000 dặm qua 5 tiểu quốc Hung Nô chỉ trong vòng 6 ngày, diệt được 9000 quân địch, bắt được hơn 1000 tù binh.
Chiến thắng của ông ở Hà Tây trong năm đó đã giúp nhà Hán hoàn toàn khống chế khu vực này và buộc quân Hung Nô phải lui về phía Bắc.
Trong cuộc chiến quyết định ở mạn bắc vào năm 119 TCN, Hoắc Khứ Bệnh tiếp tục thắng lớn và xóa được nạn Hung Nô uy hiếp triều đình. Sau chiến công này, ông được phong làm Đại tư mã của Hán triều khi chỉ mới ngoài 20.
Chỉ tiếc rằng "trời cao đố kỵ anh tài", vào năm Nguyên Thú thứ 6 dưới thời Hán Vũ Đế, vị tướng họ Hoắc đã không may lâm bệnh qua đời khi chỉ mới 24 tuổi.
Vị trí thứ 2: Nhạc Phi
Mỗi khi nhắc tới tên tuổi của danh tướng họ Nhạc ấy, sử cũ thường đánh giá ông là người văn võ mưu trí, có những ưu điểm của Hàn Tín, Bành Việt, lại có tác phong của Gia Cát Khổng Minh. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nhạc Phi (1103 – 1142) là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa và là danh tướng chống quân Kim cốt cán vào thời Nam Tống.
Gia nhập quân đội vào những năm cuối thời Bắc Tống, trong khoảng thời gian gần 2 thập kỷ chống Kim, ông đã có tổng cộng 126 trận giao chiến với quân Kim và toàn thắng.
Năm 1140, Hoàn Nhan Ngột Truật đem quân ồ ạt xâm chiếm xuống phía Nam. Nhạc Phi được lệnh chỉ huy quân tiếp viện, trước sau thu phục Trịnh Châu, Lạc Dương, đại phá đội quân tinh nhuệ của địch ở Yển Thành, sau lại đánh bại quân chủ lực của Kim tại trấn Chu Tiên.
Giữa bối cảnh quân Tống đang khí thế bừng bừng, triều đình với phe chủ hòa và đầu hàng mà đứng đầu là Tống Cao Tông cùng Tần Cuối đã buộc Nhạc Phi phải hồi kinh.
Trong quá trình Tống – Kim nghị hòa, Nhạc Phi bị Tần Cối vu oan và cuối cùng bị giết vào tháng 1 năm 1142 ở tuổi 39. Phải tới thời kỳ Tống Hiếu Tông tại vị, vụ án của danh tướng chống Kim này mới chính thức được rửa oan.
Cho tới ngày nay, Nhạc Phi vẫn được xem như là một trong những biểu tượng lớn về lòng yêu nước và là anh hùng dân tộc của Trung Quốc.
Vị trí thứ nhất: Trần Khánh Chi
Nhiều giai thoại đã truyền lại rằng Trần Khánh Chi tuy là võ tướng cốt cán trong triều nhưng lại sở hữu ngoại hình không khác gì một thư sinh nho nhã. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Trần Khánh Chi (484 – 593) là danh tướng nước Lương thuộc thời kỳ Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Hoa.
Sử cũ miêu tả vị tướng họ Trần này là người cung kính cẩn thận, đời sống tiết kiệm, giản dị, thường mặc áo bào màu trắng nên được người đời gọi là "Bạch bào tướng quân".
Một trong những thiên phú của Trần Khánh Chi phải kể tới nghệ thuật bày binh bố trận thuộc hàng thượng thừa. Những trận chiến do ông đích thân chỉ huy đều nhờ vậy mà có thể lấy ít địch nhiều, tốc chiến tốc thắng.
Nhắc tới tên tuổi của nhân vật này, không thể không kể tới chiến tích Bắc phạt được đánh giá là "kỳ công" trong lịch sử giai đoạn Nam – Bắc triều.
Sử cũ ghi lại, vào năm 528, Bắc Ngụy phát sinh nội loạn, hoàng tộc nước này là Nguyên Hạo đã nhờ cậy nước Lương. Lương Vũ Đế liền phái Trần Khánh Chi đem theo 7000 binh lính hộ tống Nguyên Hạo về nước và giúp ông lấy lại hoàng quyền.
Với đội quân chỉ vẻn vẹn có 7000 người, công cuộc Bắc phạt của Trần Khánh Chi đã giành chiến thắng trong 47 trận chiến, công phá 32 thành trì.
Chiến tích tiêu biểu trong chiến dịch ấy phải kể tới trận chiến ở thành Tuy Dương, khi vị tướng họ Trần đã cùng 7000 quân đánh bại đại phe đối phương lên tới 70 ngàn người.
Cùng với đó là trận chiến mang tính quyết định ở thành Huỳnh Dương, Trần Khánh Chi khi ấy phải đương đầu với 70 ngàn quân địch trấn thủ cùng 30 vạn quân tiếp viện đang trên đường đến. Tuy nhiên quân tiếp viện còn chưa kịp tới nơi thì thành trì ấy đã bị ông đánh hạ một cách nhanh chóng.
Tên tuổi của danh tướng này càng được khẳng định thông qua công cuộc bình định quân phản loạn khét tiếng ở vùng Giang, Hoài. Bấy giờ, phe địch sở hữu số lượng lên tới con số 30 ngàn và hung hăng tới nỗi triều đình cũng phải e dè.
Tuy nhiên với tài dụng binh bách chiến bách thắng của mình, Trần Khánh Chi đã dẹp yên bè lũ phản loạn ấy trong vòng chưa tới 12 ngày và đưa được thủ cấp của 2 kẻ cầm đầu về kinh đô.
Cũng bởi Trần Khánh Chi có biệt tài dụng binh như thần nên đã từng có ý kiến cho rằng, ông chính là người xứng đáng với danh hiệu "đệ nhất chiến thần" trong lịch sử Trung Hoa.
*Theo xếp hạng của Sohu.
Theo Trần Quỳnh
Trí thức trẻ