Sinh nhật 10 tuổi Winmart

6 bài học thất bại các startup cần 'khắc cốt ghi tâm'

12/03/2019 11:09

Theo thống kê từ Statistic Brain, 25% số công ty khởi nghiệp (startup) sẽ thất bại ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Còn theo thống kê của CB Insights thì 70% các startup công nghệ sẽ đóng cửa sau 20 tháng hoạt động. Vậy đâu là những nguyên nhân chủ yếu khiến startup 'bại trận'. Hãy lắng nghe chia sẻ của một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt đang thành công trên thương trường.

Theo thống kê từ Statistic Brain, 25% số công ty khởi nghiệp (startup) sẽ thất bại ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Còn theo thống kê của CB Insights thì 70% các startup công nghệ sẽ đóng cửa sau 20 tháng hoạt động. Vậy đâu là những nguyên nhân chủ yếu khiến startup 'bại trận'. Hãy lắng nghe chia sẻ của một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt đang thành công trên thương trường.

Muốn thành công, các startup cần phải tránh những sai lầm không đáng có

Bài học 1: Nghĩ rằng gọi được vốn là thành công

Nguồn vốn là một yếu tố cực kỳ quan trọng, đóng vai trò kéo dài “sự sống” cho một startup. Dù vậy không phải nguồn vốn sẽ quyết định cho sự thành bại của startup. Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, nhiều startup nghĩ rằng gọi được vốn là đã thành công nhưng gọi được vốn cũng như lấy được vợ, “nếu nói lấy được vợ là thành công, đó là sai lầm. Quan trọng là tìm được người đồng hành đủ dài, hiểu mình, tôn trọng nhau”, bà Hoàng Phi ví von. Sự thành công của một startup gồm nhiều yếu tố hợp lại, trong đó bên cạnh việc nhận được vốn từ nhà đầu tư, người khởi nghiệp còn cần có sản phẩm độc đáo, tiếp thị tốt, đội ngũ bản lĩnh và hướng kinh doanh đúng.

Bài học 2: Nghĩ rằng có ý tưởng, một sản phẩm độc nhất trên thị trường là thành công

Giám đốc điều hành công ty Ba Lá Xanh, ông Lê Đăng Khoa, khuyên rằng các startup đừng cố chứng minh sản phẩm của mình là duy nhất, độc nhất. Không nhất thiết sản phẩm phải là độc nhất thì mới thành công. Ông Khoa nói rằng với những sản phẩm rất bình thường, nhưng nếu có cách tư duy khác, có cách bán hàng khác cũng sẽ giúp startup thành công.

Bài học 3: Nghĩ rằng có thể vay vốn ngân hàng để phát triển startup

Nhiều người khi mới khởi nghiệp nghĩ rằng mình có thể trình bày ý tưởng, sản phẩm của mình với ngân hàng để vay tiền, nhưng các ngân hàng sẽ không cho vay mà không nhận được thế chấp. Ông Trần Trọng Kiên, CEO tập đoàn Thiên Minh chia sẻ rằng mình đã tích cóp được 2.000 USD để đầu tư khởi nghiệp, sau đó tích cóp tiếp để phát triển, để đầu tư tiếp chứ không dùng nguồn vốn ngân hàng. Ông Kiên cũng chia sẻ rằng số tiền đầu tư ban đầu để khởi nghiệp chắc chắn sẽ mất, vì vậy đừng tạo gánh nặng cho mình bằng việc vay ngân hàng.

Bài học 4: Không có một nguồn tiền dự trữ để đề phòng sự cố

Hãng CB Insights (Mỹ) đã khảo sát startup thất bại và nhận ra rằng một trong số các nguyên nhân là họ đã không dự trữ một khoản tiền để đề phòng sự cố. 29% startup được khảo sát đã tiêu hết số tiền mặt mà họ có, 18% gặp những sai lầm trong tính toán giá cả chi phí, 8% không chú trọng đến yếu tố tài chính. Đa phần các startup thất bại do không có sự “nhìn xa trông rộng”, không có sự chuẩn bị trước cho những rủi ro.

Bài học 5: Nghĩ rằng có đội ngũ giỏi chuyên môn là có thể thành công

Một số startup vào thời điểm khởi nghiệp đã có một đội ngũ những người rất giỏi chuyên môn, nhưng dần dần sự khác biệt về quan điểm cũng như tính cách, lối sống đã làm cho startup tan rã. Để khởi nghiệp thành công, bạn phải có một đội ngũ làm việc ăn ý, phối hợp tốt với nhau. Rich Karlgaard và Michael S. Malone, đồng tác giả cuốn sách Team Genius đã nói rằng để có được một nhóm làm việc lý tưởng, khi tuyển người phải xem xét thật kỹ. Đúng như vậy, thống kê của CB Insights cho thấy trong số các startup thất bại thì 23% có đội ngũ làm việc không phù hợp, 13% xảy ra bất hòa giữa các thành viên và nhà đầu tư.

Bài học 6: Tưởng rằng chọn thị trường nhỏ là sẽ thành công

Khi mà các doanh nghiệp lớn đã chiếm trọn miếng bánh thị phần thì các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp thường phải tìm thị trường ngách để phát triển. Nhưng đây chỉ là giai đoạn phát triển ban đầu. Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki, các công ty khởi nghiệp cần có một tầm nhìn dài hạn. Hãy nghĩ đến một ngày sản phẩm của bạn có mặt ở các thị trường ngoài Việt Nam, thậm chí ngoài Đông Nam Á.

FastGo là một ví dụ cho việc doanh nghiệp khởi nghiệp có tham vọng vượt ra ngoài thị trường Việt Nam. Quyết tâm nhảy vào cạnh tranh khi thị trường đã có một ông lớn là Grab, FastGo không thua mà hiện nay đã vươn cánh tay của mình sang Myanmar và sắp tới là Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Cũng theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, nguyên tắc hoạt động của startup phải là tăng trưởng nhanh, đột phá và tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Nếu chọn thị trường nhỏ thì startup sẽ khó đạt được điều này.

Hoài Nam

Theo VietTimes