Kế thừa ước mơ từ mẹ, doanh nhân 8X Trần Tâm Phương đã giúp hiện thực hóa ước mơ đưa giấm gạo Thủy Tâm ra thế giới.
Năm 1988, đang là nhân viên của Viện Hóa thuộc Viện Khoa học Việt Nam, bà Trần Thị Mai Loan đã nghiên cứu về giấm gạo. Rồi khi nhìn thấy tiềm năng thương mại hóa của giấm gạo, bà đã mở xưởng sản xuất tại nhà và giao hàng ở các chợ. Thế nhưng, người viết tiếp câu chuyện giấm gạo cũng như thực hiện ước mơ đưa giấm gạo Thủy Tâm ra thế giới lại chính là con trai thuộc thế hệ 8X của bà - Trần Tâm Phương.
Doanh nhân 8X Trần Tâm Phương
Ươm mầm ước mơ
Du học ngành công nghệ hóa tại Trường Đại học British Columbia, Canada, Trần Tâm Phương là một trong số ít người Việt được học bổng toàn phần trị giá 35.000 USD/năm của ngôi trường này. Năm 2011 tốt nghiệp nhưng Phương chưa biết quyết định tương lai thế nào, ở lại Canada thì có ngay công việc ổn định, thu nhập tốt, còn về nước thì chưa biết có cơ hội khởi sự kinh doanh riêng hay không để vừa đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân, vừa có thu nhập cao hơn so với đi làm thuê.
Phương chia sẻ: "Ngay những năm cuối đại học ở Canada, tôi đã có nhận thức về khởi nghiệp, nhất là khi nghe bạn bè người nước ngoài thường nói về startup. Những câu chuyện về Silicon Valley, những khái niệm như "gọi vốn", "cổ phần", "giá trị doanh nghiệp" bắt đầu xuất hiện trong tiềm thức của tôi.
Thời gian đó, khi đến các quán phở Việt Nam ở Canada và Mỹ, tôi thấy hầu hết các quán đều không có giấm tỏi - loại gia vị để món ăn trở nên ngon hơn. Chợt nhớ đến những chai giấm gạo và ý định của cha mẹ là muốn tìm người kế tục nghề làm giấm gạo của gia đình, tôi nảy ra ý nghĩ cần phải làm điều gì đó để các quán phở trên thế giới đều có giấm gạo Thủy Tâm. Thế là tôi quyết định về nước, tiếp quản nghề làm giấm gia truyền của mẹ”.
Năm 2012, về Việt Nam, biết rõ kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức của mình chưa đủ để khởi nghiệp, tuy nhiên đã định hướng sẽ theo ngành hóa thực phẩm nên Phương lựa chọn đi làm thuê cho các tập đoàn có liên quan tới ngành hóa và sản xuất thực phẩm. Sau 5 năm đi làm, tích lũy được kha khá kinh nghiệm, Phương bắt đầu tính đến việc khởi nghiệp.
Điều khiến Phương tự tin khi bắt tay vào khởi nghiệp là hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ cho startup tại Việt Nam bắt đầu có nhiều dịch vụ miễn phí như tư vấn luật, mentor, marketing... Bên cạnh đó, Phương cũng có quan hệ tốt với bạn bè, đồng nghiệp cũ trong ngành nên cũng dễ dàng tìm kiếm nhân sự.
"Nhưng quan trọng nhất là yếu tố "gia vị của mẹ”. Ở bên trời Tây, tôi không được ăn phở với giấm, không được ăn BBQ với hồ tiêu của mẹ, nên tôi muốn đưa "gia vị của mẹ” đến với nhiều người Việt ở nước ngoài. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện đủ để bước đầu khởi nghiệp thành công", Phương khẳng định.
Cuối năm 2015, vừa đi làm, vừa tranh thủ đi nghe các talkshow về khởi nghiệp, tập viết "pitch deck" (kế hoạch kinh doanh của startup), nộp đơn vào các chương trình gọi vốn nhỏ và bắt đầu sử dụng "gia vị của mẹ” đi thuyết trình gọi vốn. Nhớ lại ngày đầu đặt tên công ty là VNGAR, đọc giống Vinegar (nghĩa là giấm), nhưng không biết phải đăng ký kinh doanh như thế nào.
Khi tìm tới các nhà đầu tư gọi vốn, họ yêu cầu đăng ký kinh doanh thì tôi mới biết mình còn thiếu sót. Song, thành công đầu tiên cũng mở ra, năm 2016, Phương nhận được lời đề nghị từ Hatch Incubator với số tiền 5.000USD đổi lấy 10% giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công do giá trị thấp nhưng bù lại, Phương có được kiến thức về đầu tư, gọi vốn cho khởi nghiệp, phân biệt được các vòng gọi vốn như Seed, Series A, Series B, Series C...
Gian nan hành trình gọi vốn
Năm 2017, Phương nghỉ việc ở tập đoàn nước ngoài và nộp đơn vào các chương trình khởi nghiệp. "Lần đầu tiên tôi quyết định đi tìm người đồng sáng lập và hành trình tìm kiếm khá gian nan, vì đi giới thiệu, thuyết trình về sản phẩm, kế hoạch kinh doanh toàn bị chê bao bì sản phẩm, nhãn mác xấu, chưa đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, không định hướng rõ ràng...
Sau nhiều lần thất bại tôi mới nhận ra sản phẩm này liên quan tới vi sinh, hóa học nên những người đồng sáng lập cũng phải có kiến thức về hóa học. Hơn nữa, khi thuyết phục ai đó hợp tác với mình thì cần nói rõ cho họ biết cả cơ hội lẫn rủi ro công việc mang lại để họ cân nhắc và sẽ không hối tiếc khi quyết định nhận lời đồng hành cùng mình.
Tập trung liên hệ với những đồng nghiệp cũ và tôi may mắn tìm được chị Nguyễn Thị Tuyết là người đồng sáng lập hiện tại", Phương kể. Sau đó hai người bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp, cùng đi học về kinh doanh, thương hiệu, pháp lý, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tạo mối quan hệ, cùng thảo luận về viễn cảnh phát triển công ty, cùng chia sẻ ước mơ. Theo Phương, việc đội ngũ tin tưởng và hiểu nhau là vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Việc đầu tiên cần bàn là tên doanh nghiệp. Phương nhớ lại: "Ban đầu chúng tôi nghĩ ra rất nhiều tên: VNGAR, Ceres, VinGar..., và cuối cùng đã chọn VNGAR. Nhưng tôi nghĩ chả lẽ mình chỉ làm mỗi giấm, sao không nghĩ tới sản phẩm gì lớn hơn, có thể vươn ra toàn cầu, và trong đầu tôi bật ra từ "fermentation" (lên men).
Theo tôi được biết, ở nước ngoài, mảng thực phẩm lên men được đề cập khá nhiều, trong khi ở Việt Nam lại ít được nói tới. Ngoài ra, tôi đang đi theo hướng "ăn sạch, uống sạch" và cũng tìm hiểu về dinh dưỡng. Từ đó chúng tôi bàn tới việc cho ra đời sản phẩm lên men của người Việt, lấy tên là Vietferm".
Mất một năm trời chuẩn bị cho phần thương thuyết gọi vốn đầu tư và kết quả là Phương đã nhận được số tiền đầu tư 4 tỷ đồng từ hai doanh nhân lớn. Phương cho hay, với các nguồn vốn vừa gọi được, anh sẽ bắt tay ngay vào việc đưa giấm Việt ra thế giới để tiếp tục phát triển ngành nghề truyền thống hơn 30 năm này của gia đình.
Theo DNSG