Người mua sắm tại Mỹ có vô vàn lựa chọn về tạp hóa như những siêu thị lớn, cửa hàng giảm giá, cửa hàng gia đình, cửa hiệu cao cấp… ngay cả khi họ sống ở thành phố nhỏ nhất. Tuy nhiên, với nhiều người trong số 21 triệu người Mỹ gốc Á, mua hàng tạp hóa đồng nghĩa với một điều: tới 99 Ranch Market, theo SCMP.
99 Ranch Market là cái tên phổ biến tại các cộng đồng châu Á lớn nhất ở Mỹ. Các siêu thị khác có xu hướng đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng nhất định, với cửa hàng nhỏ hơn, bán hàng hóa Nam Á, Đông Nam Á và Nhật Bản. Chỉ 99 Ranch và đối thủ duy nhất – chuỗi cửa hàng Hàn Quốc H Mart – phục vụ nhu cầu đa dạng của cộng đồng người Mỹ gốc Á.
99 Ranch hiện là chuỗi siêu thị châu Á lớn nhất tại Mỹ với lượng khách hàng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, con đường để 99 Ranch có vị thế như ngày nay không hề đơn giản.
Ảnh: SCMP.
Câu chuyện của 99 Ranch Market bắt đầu vào năm 1984 tại thành phố Westminster, bang California, ngoại ô Los Angeles. Roger Chen, một người đến từ Đài Loan, đã quyết định mở khu chợ đầu tiên tại đây với tên gọi ban đầu là 99 Price Market.
“Chen nhớ quê nhà – những âm thanh, mùi vị và thức ăn quen thuộc”, Teddy Chow, phó chủ tịch mảng tiếp thị và quảng cáo của 99 Ranch Market, nói. “Ông ấy tự hỏi tại sao không thể mua thực phẩm và những thương hiệu từ quê nhà tại Mỹ”.
Theo Chow, ngay từ đầu, Chen vốn đã là một doanh nhân. “Ông ấy thấy có nhu cầu, xác định khoảng trống và tìm cách lấp vào”.
Nhờ sự bùng nổ số người châu Á tại California, quá trình mở rộng của 99 Ranch Market ở bang này diễn ra rất nhanh. Năm 1998, Chen mở cửa hàng đầu tiên ở ngoài bang California – thành phố Seattle, bang Washington. 99 Ranch hiện có 52 cửa hàng tại 7 bang với tương lai sáng lạn.
Cục Thống kê Mỹ ước tính số người Mỹ gốc Á là hơn 21 triệu người vào năm 2016, tăng đáng kể so với con số 3,5 triệu người hồi năm 1980, 4 năm trước khi 99 Ranch ra đời.
Số lượng người gốc Á tại Mỹ gia tăng đồng nghĩa nhu cầu thưởng thức hương vị quê nhà cũng tăng.
99 Ranch vẫn nằm dưới sự điều hành của gia đình Chen và do con trai ông, Jonson Chen quản lý. Giống như Chen, Jonson cũng là doanh nhân. Ông có nhiệm vụ hiện đại hóa công ty “từ gốc đến ngọn”. Tốt nghiệp Trường Kinh doanh Wharton, Jonson đang giúp việc làm ăn của gia đình ngày càng phát triển và cạnh tranh.
“Sau khi rời trường, tôi bắt đầu công việc tại miền bắc California, tìm hiểu công việc của gia đình, trải qua mọi cấp bậc”, Jonson nhớ lại. “Cha muố tôi biết tất cả các bộ phận khác nhau. Tôi thậm chí còn đi bổ sung hàng lên kệ khi nghỉ hè thời trung học. Vào những năm 2000, nhiều công nghệ trong ngành bán lẻ dần thay đổi”.
Bước đi đầu tiên của Jonson là máy tính hóa các hoạt động, chuyển toàn bộ hệ thống lên hệ điều hành hàng đầu khi đó là Windows Vista. Thời điểm này, 99 Ranch là một nhà bán lẻ hiện đại, cho phép mua hàng trực tuyến, tổ chức các cuộc gặp cộng đồng ảo để chia sẻ công thức, quảng cáo, đăng thông tin khuyến mại trên internet.
Việc vận hành mạng lưới 99 Ranch, đảm bảo dự trữ nhiều loại hàng hóa nhất có thể là một nhiệm vụ rất thách thức. Người tiêu dùng chọn 99 Ranch bởi họ có thể tìm thấy những thành phần mà không nơi nào có. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, với những thực phẩm truyền thống khác biệt. Nhiều người nhập cư đã quen với những sản phẩm từ quê nhà của họ và không sẵn lòng chấp nhận một thứ khác.
“Chúng tôi là cửa hàng tạp hóa châu Á. Chúng tôi không chỉ hướng đến riêng khách hàng Trung Quốc”, Jonson nói. “Người Philippines, Thái Lan, Việt Nam… tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều thấy siêu thị của chúng tôi có thể chấp nhận được. Đó là lý do chúng tôi độc nhất”.
Jonson cũng đang cân nhắc cái gọi là “khoảng cách thế hệ”. Chen phục vụ chủ yếu người nhập cư gốc Á thế hệ đầu tiên trong khi những khách hàng trẻ tuổi ngày nay sinh ra và lớn lên tại Mỹ với khẩu vị phương Tây hơn.
“Chúng tôi đang làm tốt trong vấn đề chuyển giao thế hệ”, Jonson nói.
Ảnh: SCMP.
Một thách thức khác 99 Ranch phải đối mặt là chính phủ Mỹ. Hoạt động kinh doanh của hệ thống có liên quan đến các nhà sản xuất, thương hiệu nước ngoài. Đảm bảo những sản phẩm nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn tại Mỹ cũng là vấn đề khó nhằn.
99 Ranch cố gắng tự giải quyết nhiều nhất có thể. Phía sau hệ thống là một mạng lưới các nông trại, nhà máy, cơ sở sản xuất trải dài từ Trung Quốc tới Mỹ, thuộc sở hữu của 99 Ranch. Với sự giám sát nghiêm ngặt, sản phẩm từ cơ sở châu Á cũng tuân thủ tiêu chuẩn từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Ý nghĩa của ‘99 Ranch’
Theo Chow, 99 Ranch Market tượng trưng cho sự tài vận và sự tươi mới. Trong tiếng Trung Quốc “99” đồng âm với “tài vận vĩnh cửu”. Khẩu hiệu hiện tại của công ty là “chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa vì 100”. “Ranch” (trại chăn nuôi) và “Market” (chợ) thể hiện hai nơi mà mọi người thường tới mua những sản phẩm tươi nhất.
Chen không nhận ra sự bối rối do thương hiệu này mang lại. “Ranch Market” nghe khá rườm rà đối với người Mỹ trong khi biểu tượng số 99 lại khiến người qua đường hiểu nhầm là cửa hàng giảm giá nổi tiếng nào đó, còn gọi là cửa hàng 99 cent, hay xuất hiện trong cùng khu vực.
Ngày nay, 99 Ranch còn hơn cả một cửa hàng tạp hóa. Nó đã trở thành biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Á. Người đam mê ẩm thực hiểu khu nào có 99 Ranch, khu đó cũng có các cửa hàng đồ ăn Á chất lượng. Môi giới bất động sản Mỹ bắt đầu chú ý đến các đợt khai trương cửa hàng 99 Ranch, hiểu rằng đó là sự khởi đầu cho một đợt gia tăng dân số gốc Á trong khu vực, đồng nghĩa giá nhà cửa tăng.
99 Ranch Market cũng đáp lại sự ủng hộ từ cộng đồng bằng các hoạt động xã hội như tổ chức sự kiện văn hóa, chia sẻ miễn phí công thức liên quan thực phẩm châu Á.
Như Tâm/NDH