Afotech – chủ sở hữu ‘mì Cung Đình’, đứng ở đâu so với Acecook, Thực phẩm Á Châu, Uniben?

24/08/2021 17:35

Là thương hiệu có vai vế trên thị trường mì ăn liền Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm châu Á (Afotech), chủ sở hữu “mì Cung Đình”, đã cho thấy sự chắc chắn về sản xuất kinh doanh khi doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2016 – 2019 tăng trưởng đều đặn.

Afotech – chủ sở hữu ‘mì Cung Đình’, đứng ở đâu so với Acecook, Thực phẩm Á Châu, Uniben?

Afotech – chủ sở hữu ‘mì Cung Đình’, đứng ở đâu so với Acecook, Thực phẩm Á Châu, Uniben?

Afotech: Lược sử và tình hình kinh doanh

Afotech là một trong những công ty có mặt rất sớm trên thị trường mì ăn liền Việt Nam, được lập ra từ năm 1991 với tên gọi Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm C&E. Trụ sở ban đầu của công ty đặt tại số 604 đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và dòng sản phẩm đầu tiên là mì cân Micoem.

Sau gần 10 năm hoạt động, Afotech đã mở rộng sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ và lần lượt cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao hơn như Cung Đình, Gà Nấm, Mummum, Dim Dim, Tứ Tuyệt… Trong số đó, Cung Đình là sản phẩm được biết đến nhiều hơn cả.

Trụ sở của Afotech hiện nằm tại khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Quang Khải, sinh năm 1957, thường trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vào năm 2015, Afotech có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Khải nắm tới 73,57%. 2 cổ đông còn lại là bà Lê Thị Hoàng Oanh với 21,43% và ông Lê Hoàng Minh với 5%. Bà Oanh và ông Minh có cùng địa chỉ thường trú là phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nói trên được duy trì tới năm 2020.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019, Afotech có sự tăng trưởng khá nhanh về doanh thu. Cụ thể, nếu như năm 2016, doanh thu thuần của công ty đạt 887 tỷ đồng thì năm sau đã tăng lên 1.080 tỷ đồng, năm tiếp theo tăng lên 1.297 tỷ đồng và cán mốc 1.643 tỷ đồng vào năm 2019. Tính chung 4 năm, doanh thu thuần của công ty đã tăng gấp 1,8 lần.

Lợi nhuận gộp trong cùng giai đoạn diễn biến đồng pha với doanh thu, tăng đều đặn từ 284 tỷ đồng lên 336 tỷ đồng, lên tiếp 398 tỷ đồng và 530 tỷ đồng.

Biên lãi gộp trung bình 4 năm đạt 31%, cụ thể từng năm là: 32% (2016), 31% (2017). 30,6% (2018) và 32,2% (2019). So với các doanh nghiệp cùng ngành, biên lãi gộp của Afotech là không hề thấp.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn nói trên cũng được cải thiện qua từng năm: 2016 là 33 tỷ đồng, 2017 tăng gấp đôi lên 66,6 tỷ đồng, 2017 tăng nhẹ lên 64,5 tỷ đồng và 2019 tăng 33% lên 86 tỷ đồng. Trung bình 4 năm, lãi sau thuế của công ty đã tăng gấp 2,6 lần.

Với kết quả này, Afotech còn đứng sau khá xa các “đại gia” như Acecook, Thực phẩm Á Châu, Masan Consumer nhưng đã vượt lên trên những thương hiệu có tiếng khác như Uniben, Vifon.

Về tài sản, những năm 2016 – 2019, tổng tài sản của Afotech đã tăng từ 339 tỷ đồng lên 570 tỷ đồng, tương đương tăng 68%. Vốn chủ sở hữu tăng từ 144 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 94%. Với vốn chủ sở hữu tương đối dày dặn, có thể nói tình hình tài chính của Afotech khá lành mạnh.

Thực phẩm Fugi - công ty cùng chủ

Afotech có liên quan đến Công ty TNHH Thực phẩm Fugi. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 7/1/2000, đóng trụ sở tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giám đốc, người đại diện theo pháp luật chính là ông Lê Quang Khải.

Trước tháng 9/2017, Thực phẩm Fugi có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trong đó ông Lê Quang Khải nắm 98,5%, bà Lê Thị Hoàng Oanh (cổ đông của Afotech) nắm 1,5%. Đến tháng 9/2017, công ty tăng vốn lên 20 tỷ đồng, lúc này tỷ lệ sở hữu của ông Khải và bà Oanh bằng nhau, 50% mỗi người.

Năm 2019, công ty tiếp tục tăng vốn lên 32 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông vẫn giữ nguyên.

Thực phẩm Fugi có ngành nghề kinh doanh chính là cho thuê xe có động cơ, nhưng ngành nghề phụ là sản xuất mì ống, mì sợi, chế biến món ăn, thức ăn sẵn… Vì thế, đây là công ty có chung lĩnh vực với Afotech.

Giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty này tăng trưởng nhẹ, lần lượt là: 73 tỷ đồng, 81 tỷ đồng, 87 tỷ đồng và 91 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế các năm tương ứng là: 931 triệu đồng, 1,2 tỷ đồng, 2,6 tỷ đồng và 4,1 tỷ đồng.

Tài sản của công ty tăng gần gấp đôi trong cùng giai đoạn, từ 22,8 tỷ đồng lên 40,7 tỷ đồng, đa phần được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu – tăng từ 12 tỷ đồng lên 31 tỷ đồng.

Theo Ái Châu Tử/VietnamFinance