Việc nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc đang giành thị phần mua sắm trực tuyến ở Việt Nam kéo theo nỗi lo về hàng hóa nước này tràn ngập thị trường Việt Nam.
Dù có nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, thương mại điện tử Việt Nam đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ dòng vốn của các đại gia Trung Quốc như Alibaba, Tencent, JD. Và điều này kéo theo những băn khoăn về việc hàng Trung Quốc cũng như các ứng dụng thanh toán di động đến từ quốc gia này sẽ dần chiếm ưu thế đối với thương mại điện tử Việt Nam.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang chi phối thị trường
Với quy mô thị trường được dự đoán có thể lên tới 10 tỷ USD vào năm 2022, thương mại điện tử Việt Nam đang là một “mỏ vàng” đối với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là những đại gia đến từ Trung Quốc.
Alibaba chính là ông lớn đầu tiên của Trung Quốc đặt chân vào thị trường Việt Nam qua thương vụ thâu tóm Lazada tại khu vực Đông Nam Á từ tháng 4/2016.
Alibaba của tỷ phú Jack Ma là ông lớn đầu tiên của Trung Quốc đặt chân vào thị trường Việt Nam qua thương vụ thâu tóm Lazada tại Đông Nam Á. |
Mới đây, Alibaba đã thay đổi lãnh đạo cấp cao của Lazada khi đưa ông Zhang YiXing (quốc tịch Trung Quốc) lên làm Tổng giám đốc Lazada Việt Nam thay cho vị CEO cũ người Pháp.
Trong khi đó, JD.com - đối thủ số một của Alibaba ở Trung Quốc cũng chứng tỏ tham vọng cạnh tranh với công ty của tỷ phú Jack Ma tại Việt Nam khi đầu tư 44 triệu USD vào Tiki từ cuối năm 2017 và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất tại công ty này.
Shopee, công ty đã xây dựng vị thế vững chắc tại trong cuộc đua tại Việt Nam từ khi gia nhập thị trường tháng 08/2016 cũng chịu sự chi phối gián tiếp của dòng vốn Trung Quốc. Shopee được hậu thuẫn bởi công ty mẹ SEA - tiền thân là đơn vị phát phiển game trực tuyến Garena. Và Tencent, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc với ứng dụng WeChat đang nắm giữ khoảng 40% cổ phần của SEA.
Đối thủ cạnh tranh của Alibaba tại Trung Quốc, JD.com cũng đang rót vốn vào thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Sendo vừa được rót thêm 51 triệu USD bởi tập đoàn tài chính Nhật Bản SBI Holdings và một số công ty khác có trụ sở tại châu Á. Hai tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản đang đầu tư vào các trang thương mại điện tử riêng của mình là Lotte.vn và Aeoneshop.com.
Central Group của Thái Lan đã mua lại Zalora Việt Nam và đổi tên thành Robins.vn từ năm 2017.
Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp chỉ sử dụng vốn nội như Adayroi của tập đoàn Vingroup.
Tuy nhiên, với sự tách tốp của Lazada, Shopee, Tiki so với phần còn lại, có thể nói thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đang chịu sự chi phối không nhỏ của những nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhìn rộng ra, không chỉ riêng Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á cũng đang dần trở thành cuộc chơi của 3 ông lớn Trung Quốc Alibaba, Tencent và JD. Lazada và Shopee đều nằm trong nhóm dẫn đầu tại Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore. JD cũng đã đầu tư vào Indonesia và Thái Lan nhằm tích cực giành lấy thị trường hơn 600 triệu dân.
Nỗi lo mang tên “hàng Trung Quốc”
Việc những cái tên nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam đều đang chịu ảnh hưởng từ nhà đầu tư Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về việc hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập và chiếm ưu thế trước hàng Việt trên thị trường mua sắm trực tuyến, nhất là sau khi khách hàng liên tục phản ánh về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên Lazada, Shopee, Sendo trong thời gian gần đây.
Những lo ngại này có cơ sở khi các nhà đầu tư rất có thể sẽ ưu tiên việc hàng hóa Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn trên các hệ phống phân phối trực tuyến mà họ đang nắm quyền chi phối tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là hàng hóa Trung Quốc đã xuất hiện dày đặc không chỉ trên thị trường thương mại điện tử mà còn cả bán lẻ truyền thống từ lâu. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn về giá cả cũng như số lượng, mức độ đa dạng không chỉ so với hàng Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Và với thương mại điện tử, việc cung cấp càng ngày càng nhiều lựa chọn về sản phẩm cũng như mức giá chính là một trong những điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp thu hút được khách hàng.
Vì vậy, chính người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm với chất lượng, xuất xứ, giá cả phù hợp với nhu cầu, khả năng của bản thân và đóng vai trò quyết định những sản phẩm, thương hiệu nào sẽ tồn tại được trên thị trường. Đi kèm với đó, việc giám sát và quản lý môi trường bán lẻ trực tuyến cũng cần được thực hiện chặt chẽ và quyết liệt hơn để bảo vệ khách hàng mua sắm qua mạng.
Lợi thế trong cuộc đua thanh toán di động
Việc nắm trong tay các trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam sẽ đem lại ưu thế lớn cho những đại gia đến từ Trung Quốc trong cuộc đua khốc liệt tiếp theo: Thanh toán di động.
Thị trường thanh toán di động ở Việt Nam hiện tại vẫn đang ở trong giai đoạn đầu tiên khi các ứng dụng phải giải bài toán tăng trưởng số lượng khách hàng sử dụng thường xuyên.
Nắm trong tay các trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam tạo ưu thế lớn cho các đại gia Trung Quốc trong cuộc đua thanh toán di động. Ảnh: cw.com.hk |
Để tăng lượng khách hàng cũng như tần suất sử dụng, ngoài những ưu đãi, các ứng dụng thanh toán di động phải có mạng lưới đối tác chấp nhận thanh toán đủ lớn. Và các sàn thương mại điện tử chính là lời giải quan trọng cho vấn đề này.
Tháng 11/2017, Alipay - nền tảng thanh toán di động của Alibaba đã kí kết thỏa thuận hợp tác với NAPAS - công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bước đi đầu tiên để Alipay tiến tới việc xuất hiện chính thức tại Việt Nam.
Với con số hơn 30 triệu lượt truy cập mỗi tháng, Lazada sẽ đem lại lợi thế vô cùng lớn cho Alipay một khi ứng dụng này được tích hợp vào hệ thống thanh toán của Lazada.
Trong lúc đó, ứng dụng thanh toán AirPay của SEA cũng đang nắm trong tay ưu thế lớn nhờ nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn này. Bên cạnh Shopee, SEA còn đang sở hữu nền tảng đặt món ăn trực tuyến Delivery Now và công ty giao nhận Giaohangtietkiem, những điều kiện có thể giúp AirPay phát triển nhanh.
Và bản thân Tencent cũng đang sở hữu WeChat Pay - một ứng dụng thanh toán phổ biến ở Trung Quốc và một số quốc gia có cộng đồng gốc Hoa lớn tại Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và hoàn toàn có thể mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Việt Đức/Zing