Điện mặt trời đang bùng nổ ở Việt Nam, nhiều người đã mơ về ngày điện mặt trời, điện gió có thể thay thế nhiệt điện, thủy điện. Nhưng thực tế đâu phải chỉ màu hồng khi nguồn điện này có thể “sập nguồn” chỉ bởi một đám mây.
Không ai điều khiển được mặt trời
Khi nhà máy điện mặt trời Đức Huệ 1 của Tập đoàn Thành Thành Công ở Long An đang tiến hành để chuẩn bị vận hành thương mại, ngoài những cái lợi nhìn thấy rõ của điện mặt trời, các kỹ sư ở đây thừa nhận đặc tính của điện mặt trời là không ổn định. Không kể việc đương nhiên là chỉ phát điện ban ngày, thì ngày nắng hay ngày mưa công suất phát điện khác hẳn nhau. Ngay cả khi các tấm pin bị bám bụi cũng làm công suất phát điện bị ảnh hưởng.
“Khác nhà máy thủy điện hay nhiệt điện than, nhà máy điện mặt trời phụ thuộc ánh nắng, bức xạ mặt trời. Cơn mây qua là thay đổi nhanh lắm”, một kỹ sư túc trực tại nhà máy cho hay.
Điện mặt trời bổ sung vào hệ thống điện đem lại nhiều lợi ích, song phải chú ý các vấn đề khác. Ảnh: Lương Bằng |
Với mỗi nhà máy điện mặt trời, mây mưa, giông lốc được ví như “kẻ thù” khi làm cho công suất phát điện không được như mong muốn, hiệu quả không cao. Nhưng với hệ thống điện quốc gia, sự phập phù của điện mặt trời gây ra các vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), cho hay: "Các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, điện khí,... ngoài việc lượng điện sinh ra lớn chúng tôi chủ động điều chỉnh được công suất các nhà máy tùy theo nhu cầu tiêu thụ. Còn với các nhà máy điện mặt trời, công suất lại phụ thuộc vào thời tiết, chúng tôi không dự đoán, điều khiển được".
Nhà máy điện mặt trời bắt đầu phát điện từ 5h20-6h sáng, kết thúc vào khoảng 5h chiều. Công suất có thể thay đổi bất kỳ lúc nào (do mây che) và không ngày nào giống nhau.
“Khi một đám mây đi qua có thể sụt giảm 60-80% công suất, kéo dài trong 5-10 phút. Thống kê của chúng tôi thời gian vừa rồi vận hành, một ngày có 3-5 lần công suất sụt giảm ở mức 50-100%. Khi sụt giảm như vậy phải tính toán ngay lập tức bù nguồn khác vào để ổn định hệ thống điện”, đại diện A0 nói.
“Đặc thù hệ thống điện hiện nay là sản xuất và tiêu thụ đồng thời, nghĩa là chưa tích trữ ở quy mô lớn được, ở một thời điểm nào đó khi nhu cầu điện thay đổi thì công suất nguồn phải đáp ứng ngay để giữ tần số”, ông Ninh cho hay.
Minh chứng cho điều ông Ninh nói, một phó giám đốc khác của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia là ông Vũ Xuân Khu kể câu chuyện thực tế: Ngày 16/5, công suất cao nhất mà 27 nhà máy điện mặt trời phát ra là 1.200 MW, song sản lượng điện thu về chỉ 600 triệu kWh, bằng ¼ sản lượng điện của một nhà máy điện than có công suất 1.000 MW.
Ông Khu kể lại: Khoảng 12 giờ trưa ngày 7/5 vừa qua, tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, khi A0 đang vận hành 650 MW các nhà máy điện mặt trời thì đột ngột giảm nhanh xuống còn 200 MW do có đám giông. “Cũng may thời điểm đó đường dây 500kV còn dự phòng 200 MW nên hệ thống không vấn đề gì”, ông Khu nói.
Điện mặt trời có đặc điểm là không ổn định. Ảnh: Lương Bằng |
Dự phòng nguồn điện khi điện mặt trời sụt đột ngột
Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc A0, chia sẻ: "Chúng tôi đang vận hành các nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt là hơn 1.000 MW, có ngày mất hơn 400 MW trong miền Nam do thời tiết thay đổi. Đến 30/6 sẽ đưa vào vận hành khoảng 3.000 MW điện mặt trời, khi đó một ngày có thể mất 600 MW - tương đương một tổ máy nhiệt điện than rất lớn trong hệ thống".
Điều này có nghĩa, khi điện mặt trời và các nguồn điện “sạch” hòa lưới thì Trung tâm điều độ sẽ phải dùng các nguồn điện khác để dự phòng lúc điện mặt trời “sụt” đột ngột.
“Chúng tôi phải giữ riêng cho miền Trung và miền Nam từ 100 MW, 200 MW, 300 MW và cao hơn nữa”, ông Ninh cho biết.
Chia sẻ của ông Ninh có thể hiểu nôm na giống như thuê mấy trăm công nhân đến ngồi chơi mà vẫn phải trả lương cho họ để dự phòng.
“Cái này sẽ khó cho hệ thống điện vì các tuần trước chúng tôi chạy hết nguồn dầu lên cũng không có nguồn trong miền Nam để dự phòng. Chi phí cho việc chạy nguồn dầu, giữ nguồn dự phòng thế này với EVN chi phí là rất lớn, ở mức một vài trăm tỷ và cao hơn nữa. Điều này chứng tỏ rất khó cho EVN trong việc vận hành năng lượng tái tạo, không phải chỉ ở hệ thống điện mà cả chi phí”, ông Nguyễn Đức Ninh băn khoăn.
Cách đây ít lâu, khi trao đổi với báo giới, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc công ty năng lượng sông Hồng, đã chỉ ra nhiều điểm hạn chế của điện mặt trời, trong đó có việc phập phù của nguồn điện này.
Ông Nguyễn Thành Sơn cho rằng: Các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời thì độ bất ổn định của nó rất lớn, làm hệ thống điện vận hành rất không ổn định. Hệ thống điện của ta đã hợp nhất rồi, từ Bắc chí Nam, nếu một nhân tố vào mà không ổn định thì Tập đoàn Điện lực sẽ rất khó khăn trong duy trì ổn định hệ thống.
Chưa kể hiện nay, theo vị chuyên gia này, chênh lệch công suất trung bình giữa cực đại và cực tiểu của chúng ta là 2,5 lần. Nghĩa là, nếu thêm 1 kW công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5 kW để bù cho cái sự phập phù của năng lượng gió, năng lượng mặt trời này.
Vậy nên, trong một cuộc trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hùng Cường, Chỉ huy trưởng công trường dự án điện mặt trời Dầu Tiếng, đánh giá với tư cách cá nhân: Để phát triển điện mặt trời phải đồng bộ hệ thống lưới. Điện mặt trời không thay thế được nhiệt điện mà phải triển khai song song các nguồn điện. Khi vận hành cần có sự bù trừ cho nhau nên phải đầu tư song song.
Vietnamnet