Ông chủ của siêu dự án 'Con đường di sản Vân Đồn' (Quảng Ninh) có tòa tháp cao 88 tầng là một doanh nghiệp mới thành lập 1 năm.
Siêu dự án đình đám
UBND tỉnh Quảng Ninh mới ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 phân khu B8 thuộc dự án Con đường di sản Vân Đồn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công siêu dự án này.
Phối cảnh dự án Con đường di sản Vân Đồn (ảnh: báo Quảng Ninh)
Dự án Con đường di sản Vân Đồn thuộc địa phận xã Hạ Long, tiếp giáp dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, được triển khai tại phân khu B8, có diện tích 109,36 ha, công suất thiết kế đáp ứng cho 17.390 du khách và bao gồm nhiều loại hình bất động sản.
Trong đó, diện tích dành cho đất ở thương mại là 13,9 ha (chiếm 17,4% diện tích quy hoạch), bao gồm: 156 căn biệt thự hướng biển; 35 căn biệt thự trên biển; 38 căn biệt thự trên mặt nước.
Một phần đất dành cho dịch vụ nghỉ dưỡng có diện tích 14,2 ha (chiếm 17,8% diện tích quy hoạch), được chia làm 3 khu dịch vụ hỗn hợp, khách sạn có số tầng cao từ 18 đến 43 tầng, với tổng số 4.212 phòng.
Diện tích đất thương mại dịch vụ rộng 10,6 ha dùng để xây câu lạc bộ biển, câu lạc bộ thể thao dưới nước, trung tâm tiệc cưới, bến du thuyền...
Điểm nhấn trong quy hoạch được phê duyệt là tòa cao ốc 88 tầng (tháp chữ V), quy mô 3.061 phòng. Đây là tòa tháp cao nhất trong tổng thể quy hoạch, được coi là biểu tượng của một siêu dự án.
Tòa tháp chữ V sẽ là điểm nhấn của dự án Con đường di sản Vân Đồn (nguồn: Internet).
Nếu xét về số tầng, tháp chữ V cao hơn 7 tầng so với tòa nhà đang giữ vị thế cao nhất Việt Nam vừa được khai trương, là tòa The Landmark 81 ở TP.Hồ Chí Minh, cao 81 tầng, của tập đoàn Vingroup.
Dự án Con đường di sản Vân Đồn là một “siêu dự án”, được ví như là “nơi tái hiện thương cảng Vân Đồn và thể hiện sự phát triển vượt bậc của Vân Đồn”.
Nó được tỉnh Quảng Ninh nhận định sẽ là một con đường di sản kết nối thiên nhiên, biển và núi rừng; lịch sử, văn hóa, xã hội; các dịch vụ lưu trú; các villa trên núi; khu dân cư; công viên vui chơi, thể thao; bảo vệ và trồng rừng. Con đường di sản này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn được sử dụng cho mục đích cứu hộ, bảo vệ rừng và phục vụ mục đích quốc phòng khi cần thiết.
Chủ đầu tư là ai?
Về mặt giấy tờ, chủ đầu tư của siêu dự án này là một cái tên khá xa lạ trong giới kinh doanh bất động sản: Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road (Vân Đồn Heritage Road).
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road chỉ mới được thành lập ngày 16/10/2017, có trụ sở thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 16/11/2017, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh mới tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về dự án Con đường di sản Vân Đồn.
Như vậy là thời diểm đó Vân Đồn Heritage Road mới được thành lập đúng 1 tháng và cho đến ngày nhận dự án được phê duyệt quy hoạch, nó chưa đầy một tuổi.
Vì sao một công ty có tuổi đời non trẻ, hoàn toàn xa lạ lại nhận được siêu dự án đình đám như vậy? Có một dấu hỏi lớn về năng lực của chủ đầu tư này.
Vân Đồn Heritage Road có vốn điều lệ là 980 tỷ đồng, được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập là: công ty Cổ phần Heritage Holdings (sở hữu 68%), công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền (sở hữu 30%), và cá nhân Tạ Nguyễn Quỳnh Mai (sở hữu 2%).
Người đại diện theo pháp luật của Vân Đồn Heritage Road là ông Tạ Đức Quyết – Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Lê Đình Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Vinh còn là cổ đông sáng lập của CTCP Heritage Holdings (Heritage Holdings), công ty mẹ của Vân Đồn Heritage Road.
Điều đáng chú ý là Heritage Holdings cũng chỉ được thành lập trước Vân Đồn Heritage Road có 6 ngày, tức ngày 10/10/2017, trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ 868 tỷ đồng, trong đó ông Lê Đình Vinh góp 22% vốn điều lệ; công ty TNHH GID Holding góp 12% và phần còn lại, 66% vốn điều lệ được góp bởi công ty Cổ phần Crystal Bay (Crystal Bay).
Người đại diện theo pháp luật của Heritage Holdings là ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT và bên cạnh ông Lê Đình Vinh với vai trò là Tổng giám đốc.
Công ty mẹ của Heritage Holdings, Crystal Bay cũng là một doanh nghiệp non trẻ, được thành lập vào 23/7/2016, trụ sở chính tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Crystal Bay có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là các cá nhân: ông Nguyễn Đức Tấn (sở hữu 20%), bà Nguyễn Thị Duyên (sở hữu 20%) và ông Nguyễn Đức Chi (sở hữu 60%, anh trai ông Tấn).
Đến đây, bóng dáng ông chủ thật sự của tòa tháp (trong tương lai sẽ là tòa tháp) cao nhất Việt Nam cùng siêu dự án Con đường di sản Vân Đồn đã lộ diện. Đó chính là cổ đông lớn nhất của Crystal Bay, ông Nguyễn Đức Chi.
Ông Nguyễn Đức Chi.
Nói về ông Nguyễn Đức Chi thì đây là một trong những đại gia bất động sản có tiếng tại tỉnh Khánh Hòa, người từng dính lùm xùm với dự án Nàng Tiên Cá – Rusalka.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Chi nguyên là Chủ tịch HĐQT công ty RIT, chủ đầu tư dự án Rusalka tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD. Sau 5 năm triển khai (2005), ông Chi vướng vòng lao lý về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và bị kết án 5 năm 6 tháng tù. Ông Chi sau đó bị mang danh "siêu lừa", gắn với số phận long đong của dự án Nàng Tiên Cá – Rusalka.
Dự án Rusalka dở dang và sau đó, bộ Kế hoạch & Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép đầu tư của công ty RIT. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận sử dụng đất của dự án này.
Đến năm 2010, ông Chi được ra tù trước hạn và xin tiếp tục được thực hiện dự án Rusalka, đồng thời đổi tên dự án này thành Champarama Resort & Spa (chủ đầu tư là công ty CP Khu Du lịch Champarama do ông Chi làm Chủ tịch HĐQT).
Sau khi hoàn thành dự án này, Champarama đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng vì lấn chiếm đất, sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia khi thực hiện dự án.
Tới đầu 2018, dự án tiếp tục bị Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra làm rõ về hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang.
Minh Minh
Theo Người đưa tin