Ai là chủ nợ lớn nhất của FLC?

30/03/2022 07:07

Hai ngân hàng đang có các khoản cho vay lớn nhất với FLC là Sacombank và BIDV với tổng dư nợ trên 3.500 tỷ đồng, được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo Airways và các dự án của FLC.

FLC ra sao sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt? Ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền chủ tịch và tài sản cho một phó tổng giám đốc FLC. Hiện tài sản của ông Quyết trên sàn chứng khoán khoảng 4.500 tỷ đồng.

Là một trong những nhà phát triển bất động sản du lịch lớn nhất trong nước, tính đến cuối năm 2021, Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) có tổng tài sản - nguồn vốn vào khoảng 33.800 tỷ đồng.

Cấu thành khối tài sản - nguồn vốn này, ngoài vốn chủ sở hữu hơn 9.700 tỷ đồng, FLC còn có các khoản nợ phải trả lên tới hơn 24.000 tỷ, chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Trong số nợ phải trả hơn 1 tỷ USD quy đổi này, riêng khoản người mua trả tiền trước tại doanh nghiệp đã là hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền khách hàng mua bất động sản, dịch vụ của FLC đã trả tiền cho doanh nghiệp nhưng chưa nhận hàng.

Chủ nợ lớn nhất của FLC

Ngoài khoản nợ phải trả trên, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết cũng có hơn 6.200 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính với các ngân hàng, công ty chứng khoán. Trong đó, vay ngắn hạn là 2.035 tỷ và 4.170 tỷ đồng dài hạn.

Trong nhóm ngân hàng và các tổ chức tài chính cấp tín dụng cho FLC, chủ nợ lớn nhất hiện nay là Sacombank với số dư đến cuối năm 2021 lên tới 1.840 tỷ đồng, thông qua 2 hợp đồng tín dụng. Cả 2 đều là khoản vay dài hạn và mới phát sinh trong năm 2021.

Tháng 4/2021, Sacombank và Bamboo Airways cũng đã ký kết hợp tác toàn diện. Sau giai đoạn này, FLC mới bắt đầu phát sinh các giao dịch tín dụng với ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM.

Chủ nợ lớn thứ 2 tại FLC hiện nay là BIDV với tổng dư nợ cho vay 1.747 tỷ đồng thông qua cả các khoản vay ngắn hạn và dài hạn.

z3300897196847-6175b92e3125194352b3694d6083613b-1648598773.jpg

OCB cũng là chủ nợ lớn của FLC với số dư 1.392 tỷ đồng đến cuối năm 2021, thông qua một khoản vay ngắn hạn và 2 khoản phát hành trái phiếu. Trước đó, FLC và OCB cũng có thỏa thuận hợp tác chiến lược từ tháng 1/2019.

Ngoài ra, các ngân hàng NCB, Agribank và Công ty Chứng khoán MBS cũng đang là chủ nợ tại FLC với số dư cho vay hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh FLC, các ngân hàng kể trên cũng đang là chủ nợ chính tại Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes - một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái FLC.

Trong đó, đến cuối năm 2021, FLCHomes đang có khoản dư nợ hơn 710 tỷ đồng tại các ngân hàng. Các bên cho vay chính vẫn là Sacombank với gần 400 tỷ; NCB cho vay 200 tỷ và OCB cho vay 108 tỷ đồng .

FLC đang thế chấp gì để vay vốn?

Theo FLC, các hợp đồng tín dụng doanh nghiệp này ký kết với ngân hàng đều có tài sản đảm bảo là cổ phiếu doanh nghiệp và người có liên quan FLC, Bamboo Airways cùng các dự án bất động sản của tập đoàn này.

Cụ thể, 2 hợp đồng vay vốn tại Sacombank phát sinh trong năm 2021 vừa qua của FLC đều là khoản vay dài hạn. Trong đó, khoản vay 1.240 tỷ đồng có thời hạn 60 tháng, lãi suất theo từng khế ước nhận nợ được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay tại các dự án mà FLC triển khai.

Tượng tự, khoản vay 600 tỷ đồng thời hạn 120 tháng tại Sacombank với mục đích bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi suất cố định 10,5%/năm, được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cùng các tài sản khác của bên có liên quan FLC.

Với các khoản vay tại BIDV, ngoài 34,5 tỷ đồng vay trong 36 tháng (tính từ tháng 11/2019), FLC còn vay 143 tỷ với kỳ hạn 144 tháng và 1.165 tỷ với kỳ hạn 192 tháng. Lãi suất các khoản vay này phụ thuộc vào thỏa thuận của từng hợp đồng nhưng đều được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay tại các dự án do FLC triển khai.

Ong Trinh Van Quyet bi khoi to anh 1

Ngoài các dự án bất động sản, nhiều cổ phần BAV (Bamboo Airways) cũng được dùng làm tài sản thế chấp để FLC và công ty thành viên vay vốn ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại Agribank, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết có 2 khoản vay với giá trị lần lượt 19,75 tỷ (ngắn hạn) và 29 tỷ (dài hạn). Trong đó, khoản vay ngắn hạn được dùng để bổ sung vốn lưu động, lãi suất 7,5%/năm, được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong khi khoản vay dài hạn được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay.

Với số dư nợ 1.157 tỷ tại NCB, FLC ký kết các hợp đồng vay vốn này từ tháng 7-12/2020, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất thả nổi và được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, các tài sản khác và 60 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways).

Với các hợp đồng vay vốn của FLCHomes, khoản vay gần 400 tỷ đồng tại Sacombank được bảo đảm bằng 57,5 triệu cổ phần BAV do ông Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long.

Tương tự, khoản vay gần 200 tỷ đồng tại NCB để bổ sung vốn lưu động cho FLCHomes được đảm bảo bằng 30 triệu cổ phiếu BAV do ông Quyết và vợ - bà Lê Thị Ngọc Diệp - sở hữu và 30 triệu cổ phiếu BAV thuộc sở hữu của FLC.

Còn lại, khoản vay 108 tỷ đồng mà OCB cấp cho công ty bất động sản này cũng đang được bảo đảm bằng các khoản tiền gửi của công ty, 5,06 triệu cổ phiếu BAV của ông Quyết và vợ, cùng 13 triệu cổ phiếu BAV do FLC sở hữu.

Bạn đang đọc bài viết "Ai là chủ nợ lớn nhất của FLC?" tại chuyên mục Chuyện thương trường.