AirAsia thông báo sẽ ngưng hợp tác với kênh du lịch trực tuyến Traveloka, sau 2 lần các chuyến bay của hãng này biến mất trên hệ thống của "kỳ lân" của Indonesia.
AirAsia vừa tuyên bố các chuyến bay của AirAsia Indonesia biến mất không rõ nguyên nhân trên hệ thống của Traveloka lần thứ hai trong vòng hai tuần.
Đại diện hãng hàng không này tại Indonesia tuyên bố ngưng hợp tác với "kỳ lân" tỷ USD của đất nước này và khuyến nghị hành khách mua vé AirAsia nên đặt trực tiếp từ trang web airasia.com hoặc ứng dụng di động của hãng.
"Việc các chuyến bay của AirAsia không hiển thị trên hệ thống chắc chắn đã gây tổn thương cho sự hợp tác giữa AirAsia và Traveloka. Traveloka đã không thể hiện thiện chí củng cố niềm tin cho chúng tôi. Họ đã từ chối khi chúng tôi cố gắng liên lạc để làm rõ sự việc này", Giám đốc điều hành AirAsia Indonesia Dendy Kurniawan cho biết.
"Việc loại bỏ một số chuyến bay của AirAsia Indonesia trên kênh Traveloka thể hiện rõ ràng sự thiên vị. Theo thông tin thu thập từ các đoạn hội thoại trên mạng xã hội, Traveloka đã đề xuất khách đặt vé với các hãng hàng không khác khi khách đặt câu hỏi về sự biến mất của các chuyến bay AirAsia trên kênh này. Do đó, Tập đoàn AirAsia quyết định ngưng hợp tác với Traveloka, có hiệu lực ngay lập tức."
Ông Dendy cho biết trang web và ứng dụng di động của AirAsia là sự lựa chọn tốt hơn, khách có thể đặt vé rẻ trực tiếp từ chúng tôi và được hưởng 15kg hành lý miễn phí trên các chuyến bay nội địa Indonesia cũng như các chương trình khuyến mãi giảm giá của khách sạn.
Các chuyến bay của AirAsia lần đầu biến mất trên hệ thống Traveloka vào ngày 14 - 17 tháng 2 năm 2019, trùng với lịch nâng cấp hệ thống của AirAsia vào ngày 16 tháng 2 năm 2019. Traveloka lấy lí do AirAsia nâng cấp hệ thống để giải thích với khách hàng về sự biến mất của các chuyến bay AirAsia trên kênh của họ trong 13 giờ liền.
Tuy nhiên, các chuyến bay của AirAsia lại biến mất một lần nữa trên Traveloka vào ngày 2 tháng 3, sau khi hệ thống AirAsia đã nâng cấp thành công và không được làm rõ nguyên nhân.
Dendy nói thêm: Thị trường cần phải có cạnh tranh tự do và công bằng để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng quyền lợi tốt nhất. Chúng ta không nên để sự độc quyền giết chết cạnh tranh và tăng chi phí đi lại cho khách hàng.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ