Theo báo cáo tài chính, Alibaba đạt gần 56 tỷ USD doanh thu và 12 tỷ USD thu nhập ròng trong năm tài chính gần đây nhất, trong khi Amazon báo cáo doanh thu 233 tỷ USD và 10 tỷ USD thu nhập ròng trong năm 2018.
Ngày 23/7 vừa qua, tập đoàn Alibaba cho biết đã triển khai mô hình kinh doanh thương mại điện tử B2B (mô hình trong đó giao dịch diễn ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau) cho các công ty Mỹ. Đây được coi là động thái nhằm tăng tính cạnh tranh với đối thủ Amazon và là một phần trong kế hoạch tầm cỡ của Alibaba nhằm phát triển thị phần quốc tế.
Để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển kinh doanh bên ngoài Trung Quốc, nền tảng AliExpress.com sẽ cho phép các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán buôn của Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp và nhà bán buôn khác tại Mỹ và trên toàn cầu.
Alibaba đối đầu với Amazon trong mảng B2B tại Mỹ.
Thông báo ngày 23/7 của Alibaba được đưa ra một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với hàng xuất khẩu của nước này. Căng thẳng giữa hai nước đã không ngừng tăng lên, với càng nhiều cuộc đối đầu mở rộng sang các vấn đề thương mại, kinh tế và đặc biệt là công nghệ.
Kết quả là chính phủ Mỹ đã thắt chặt luật cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc mua tài sản của Mỹ và cho các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.
Chủ tịch Alibaba, ông Michael Evans cho biết: "Mặc dù có những căng thẳng nhất định giữa hai bên nhưng chúng tôi vẫn quyết định thực hiện kế hoạch tại Mỹ một cách cẩn thận. Tôi đã dành nhiều thời gian ở Washington để đảm bảo họ hiểu được điều mà Alibaba đang cố gắng làm ở Mỹ, bao gồm việc ra mắt hôm nay, bởi nó liên quan đến một số hình thức công nghệ mà chúng tôi muốn họ cảm thấy thoải mái về điều đó".
Alibaba được thành lập năm 1999 với tư cách là trang web B2B kết nối các nhà sản xuất và bán buôn tại Trung Quốc. Từ đó, công ty đã phát triển thành nhà điều hành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Được biết đơn vị B2B của Alibaba tách biệt với các nền tảng bán lẻ như Tmall.com và Taobao.com – những trang web bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Một nhà kho của Tmall ở tỉnh Quảng Đông.
Hiện Alibaba đang thúc đẩy thương mại điện tử bán lẻ trên toàn thế giới. Mới đây, công ty đã ra mắt trang web tiếng Anh của Tmall Global để thu hút người tiêu dùng ở nước ngoài.
Với sự ra mắt mô hình B2B, Alibaba sẽ cạnh tranh với Amazon.com, tập đoàn có nền tảng tương tự từ năm 2015 – Amazon Business, phục vụ khách hàng tương tự ở Mỹ. Theo John Caplan, người đứng đầu đơn vị B2B khu vực Bắc Mỹ của Alibaba, để cạnh tranh với Amazon, công ty sẽ cung cấp cho khách hàng một khoản phí thành viên vừa phải, khoảng vài nghìn USD mỗi năm. Ngoài ra, nền tảng của Alibaba có khả năng sẽ không thu phí quá cao từ mỗi lần giao dịch thành công của các bên.
Người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về vấn đề trên. Theo thông tin trên trang web của công ty, một nhà bán buôn đủ điều kiện có thể đăng ký ở mức tối thiểu là 39,99 USD/tháng. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận, Amazon tính phí tới 15% doanh số của các bên bán hàng được tạo ra từ nền tảng.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba đã bắt đầu kế hoạch mở rộng toàn cầu từ năm 2015. Dù vậy, doanh thu thương mại điện tử quốc tế của họ vẫn ở mức thấp, khoảng 9% trong tổng doanh thu của tập đoàn.
Theo báo cáo tài chính, Alibaba đạt gần 56 tỷ USD doanh thu và 12 tỷ USD thu nhập ròng trong năm tài chính gần đây nhất, trong khi Amazon báo cáo doanh thu 233 tỷ USD và 10 tỷ USD thu nhập ròng trong năm 2018.
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, Alibaba – công ty có hơn 10 triệu doanh nghiệp B2B và 180.000 thương hiệu khác nhau, đang tập trung hơn vào lĩnh vực này – thị trường trị giá 23.900 tỷ USD, lớn gấp 6 lần thị trường bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, Caplan cho biết nhiều giao dịch B2B của Alibaba có xu hướng chậm lại.
Thỏa thuận B2B đầu tiên của Alibaba được ký kết 4 tháng trước với công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ văn phòng hàng đầu thế giới Office Depot của Mỹ. Hai bên đã ra mắt trang web thương mại điện tử đồng thương hiệu cung cấp cho các thương gia Trung Quốc cơ hội bán hàng cho 10 triệu khách hàng của Office Depot và tham gia vào kênh phân phối cũng như logistics của công ty này để có thể giao hàng vào ngày hôm sau tại Mỹ.
theo SCMP