Quy mô Dự án Điện gió Thanglong Wind được công bố là 11,9 tỷ USD cho 3.400 MW, khiến nhiều người quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo phân vân về tính khả thi.
Choáng về vốn
Dự án Điện gió Thanglong Wind (tên chính thức của Dự án Điện gió Kê Gà trước đây) vừa có lễ công bố giấy phép khảo sát được cấp tại khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, làm cơ sở để xây dựng báo cáo khả thi.
Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, sau khi nhận được giấy phép khảo sát chính thức, mục tiêu của nhà đầu tư là tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi để đảm bảo giai đoạn I của Dự án sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió.
Giai đoạn phát triển tiếp theo, ThangLong Wind II, ThangLong Wind III, ThangLong Wind IV, ThangLong Wind V lần lượt được đưa vào khai thác từ năm 2023 đến 2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là Thăng Long Wind VI với công suất 400 MW.
Phương án khảo sát chi tiết dự án trên dựa vào 5 nội dung, gồm thu thập số liệu gió liên tục trong 12 tháng với độ cao lên tới 200 m so với mực nước biển; sử dụng máy bay khảo sát trên không thực hiện trong 4 mùa để khảo sát sự di trú của các loài chim biển, động vật có vú, các loại sinh vật biển; khảo sát địa vật lý trong khu vực tuyến cáp điện truyền tải vào bờ và khu vực phát triển điện gió ngoài khơi; tiến hành khoan, lấy mẫu tại khu vực phát triển điện gió với độ sâu khoảng 80 m dưới đáy biển; nghiên cứu và khảo sát môi trường dưới nước, sinh thái biển.
Theo Enterprize Energy Group, Dự án Thanglong Wind ngoài khơi dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng tại khu vực cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20 - 50 km, với tốc độ gió bình quân 9,5 m/s. Diện tích thực hiện khảo sát là 2.800 km2, trong đó khu vực dự án là 2.000 km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800 km2. Diện tích thực tế để thực hiện Dự án chiếm khoảng 25-30%.
Tổng công suất của Dự án được lên kế hoạch là khoảng 3.400 MW, với quy mô vốn đầu tư được thu xếp tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia.
Nhấn mạnh rằng, tỉnh Bình Thuận sẽ có chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị khảo sát thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án, ông Lương Văn Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, điện gió trên đất liền có nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến ngành nghề khác. Tỉnh mong muốn nhà đầu tư và địa phương cùng phối hợp thực hiện tốt để dự án được triển khai hiệu quả.
Bao giờ khả thi?
Enterprize Energy Group cũng đã công bố tổ hợp các đối tác triển khai Dự án Điện gió Thanglong Wind là Société Générale (SOC GEN), Mitsubishi Vestas Offshore Wind (MVOW), ODE và các đối tác trong nước gồm Vietsovpetro, PVC - MS, EVN PECC3, Haduco và Hemera Media.
Cụ thể, Société Générale làm tư vấn tài chính cho giai đoạn đầu, huy động vốn xây dựng và phát triển dự án; Vietsovpetro và PVC-MS sẽ thiết kế và chế tạo các cấu trúc ngoài khơi; còn MVOW sẽ cung cấp công nghệ tua-bin gió.
Hoan nghênh một dự án điện xanh, nhưng Cộng đồng Năng lượng tái tạo Việt Nam cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi của dự án này. “Theo tính toán, vốn đầu tư cho 1 MW điện gió ngoài khơi này có giá 3,5 triệu USD. Nếu gió tốt, từ 4.000 giờ/năm thì mỗi năm, doanh thu của 1 MW cũng là 392.000 USD, với giá mua điện là 9,8 UScent/kWh và cần từ 15 - 20 năm để hoàn vốn. Tất nhiên là, nếu chọn được địa điểm tốt, có thể vận hành tới 5.000 giờ/năm, sẽ giúp cho Dự án hiệu quả hơn”, ông Tùy Anh, một chuyên gia tư vấn các dự án năng lượng tái tạo nhận xét.
Theo ông Anh, tại Hàn Quốc, chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đang được kỳ vọng sẽ giảm xuống dưới 3 triệu USD/MW trước năm 2025 để hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, giá mua điện gió loại này được đề xuất ở mức 13 UScent/kWh và có thêm giá bán quyền phát thải để bù vào.
Các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hiện có suất đầu tư khoảng 700.000 USD đến 1 triệu USD cho 1 MW công suất, nhưng chưa có hệ thống pin lưu trữ. Còn điện gió trên bờ có suất đầu tư khoảng 2 triệu USD/MW và cần khoảng 14 năm để hoàn vốn (với điều kiện không bị sa thải phụ tải vì thiếu đường dây truyền tải). Như vậy, đầu tư cho điện gió ngoài khơi tốn kém hơn nhiều.
Ở một khía cạnh khác, trên website của Enterprize Enrgy có giới thiệu 3 dự án điện gió ngoài khơi gồm Ormonde offshore wind farm (Iceland), Hai Long offshore wind farm (Đài Loan) và Thang Long offshore wind farm (Việt Nam).
“Dự án Ormonde có công suất 150 MW thuộc sở hữu của Eclipse Energy, nhưng đã được bán cho Vattenfall (Thụy Điển) vào năm 2008 và chính Vattenfall mới là đơn vị phát triển dự án này với việc phát điện hồi năm 2012. Dự án Hải Long có quy mô 500 MW + 500 MW được nghiên cứu từ năm 2012, nhưng tới giờ vẫn nhắc tới mốc thời gian xây dựng là 2021-2024. Còn Dự án Thanglong có được triển khai đúng như kế hoạch đặt ra là khai thác vào năm 2023-2026 không thì chưa biết”, nick Đỗ Minh Thắng đến từ một công ty chuyên tư vấn năng lượng tái tạo tại Pháp nhận xét.
(Theo Báo Đầu tư)