Tuần này, thế giới công nghệ cao nói riêng và thế giới kinh doanh nói chung đã chứng kiến một sự kiện đáng nhớ: Apple – hãng công nghệ cao nổi tiếng với sản phẩm iPhone đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên cán mốc giá trị 1.000 tỉ USD.
Ảnh minh họa, nguồn: i.ytimg.com
Người ta đang bàn tán rằng, sự kiện này của Apple sẽ tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp lớn khác như Google, Amazon… vươn tới cái mốc 1.000 tỉ USD, từ đó tạo ra cộng đồng “doanh nghiệp 1.000 tỉ USD” trong tương lai.
Thế nhưng trong tâm thư gửi đến hơn 120.000 nhân viên của Apple, CEO của hãng – Tim Cook – lại nhìn nhận về cái mốc 1.000 tỉ USD như một điều bình thường, như thể cái gì đến sẽ phải đến…
Tim Cook cho rằng, giá trị vốn hóa cán mốc 1.000 tỉ USD của Apple “không phải là thước đo quan trọng nhất”; rằng đó là “cột mốc quan trọng mang đến nhiều tự hào nhưng nó không nên là trọng tâm của Apple”. Tim Cook khẳng định “số liệu tài chính chỉ là kết quả của những sáng tạo, ưu tiên sản phẩm và khách hàng, luôn giữ vững giá trị của Apple”.
Như vậy có hai thứ giá trị mà Apple đang đạt được
Giá trị thứ nhất là vốn hóa doanh nghiệp, cán mốc 1.000 tỉ USD, số 1 thế giới, nhưng không nên xem nó là trọng tâm của Apple.
Giá trị thứ hai mới thực sự quan trọng, và nó chính là cốt lõi, là nguồn gốc để dẫn đến giá trị thứ nhất: Sự sáng tạo, ưu tiên cho sản phẩm và khách hàng. Đây cũng chính là những giá trị được nhận thức, được định vị và trở thành triết lí kinh doanh của Apple. Để khi người ta nhớ đến, nhắc đến Apple là nói đến sự sáng tạo của sản phẩm; chất lượng đạt đến mức chuẩn mực, tinh tế để phục vụ người dùng một cách tốt nhất. Chỉ có thương hiệu Apple, triết lí Apple bị người ta mượn, lạm dụng, xâm phạm chứ Apple không bao giờ kinh doanh với sự lập lờ của giá trị và thương hiệu.
Nhìn từ triết lí kinh doanh của Apple, với những giá trị được duy trì và giữ gìn, nếu liên tưởng một chút đến cú treo thưởng 1 tỉ đồng mới đây của Con Cưng trong xìcăngđan đang diễn ra, cho thấy sự sai lầm trong xử lí khủng hoảng của Con Cưng: Muốn dùng một thứ giá trị (tiền) để khẳng định sự trong sạch, để khỏa lấp dư luận đang bất lợi cho Con Cưng; nhưng lại không làm đến cùng một cách minh bạch và thành thực để chứng minh giá trị cốt lõi và triết lí kinh doanh của mình.
Trường hợp của chuỗi cửa hàng Mumuso thì còn tệ hơn: Lập lờ trong việc dùng xuất xứ Korea/Hàn Quốc để quảng bá tại cửa hàng cho dù ngay tại Hàn Quốc không hề có chuỗi cửa hàng Mumuso kinh doanh trên thị trường.
Khi những giá trị cốt lõi không được chọn lựa và chốt giữ để duy trì trong triết lí kinh doanh, mà muốn dùng một thứ giá trị khác để truyền thông đánh bóng hay khỏa lấp, thì đến bao giờ mới tạo được niềm tin thực sự đối với người tiêu dùng, đặc biệt là trong lúc đang gặp khủng hoảng về thương hiệu?
Thẩm Hồng Thụy
Theo Lao Động