Agribank vừa công bố Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng giữa niên độ (cho kỳ hoạt động từ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020). Liên quan đến việc tín dụng tăng trưởng thấp và nợ xấu gia tăng, Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank.
Bà Phượng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, do tác động động của COVID-19 nợ xấu tăng tại các chi nhánh kéo theo tổng nợ xấu phát sinh thêm 16.877 tỷ đồng. Nợ xấu tập trung chủ yếu tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, tập trung chính trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (10.021 tỷ đồng, chiếm 45%), lĩnh vực nông lâm, thuỷ hải sản (3.425 tỷ đồng, chiếm 15%), lĩnh vực tiêu dùng (3.134 tỷ đồng, chiếm 14%) và một số lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, xây dựng.
Thách thức nợ xấu
Trong nửa đầu năm 2020, cùng với sụt giảm của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, khiến GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%. Khi nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gặp nhiều khó khăn, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, thậm chí không có khả năng trả nợ, bà đánh giá thế nào về tác động của COVID-19 đến gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...
Bằng việc quản lý chặt chẽ nợ xấu, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh có nguồn thu trả nợ; kiểm tra việc chấp hành quy chế cho vay đối với tất cả các khoản nợ đã xử lý rủi ro; chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác để thực hiện tư vấn, môi giới mua/bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ; trích lập dự phòng đúng quy định của NHNN… nợ xấu mặc dù tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Agribank.
GDP nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 1,81%, mặc dù đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng là mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây của Việt Nam; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng chịu không ít những tác động tiêu cực. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã rất tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5 - 2,5%, thậm chí có ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay tới 3 - 4%/năm nhưng tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 vẫn trong tình trạng ảm đạm.
Với Agribank thì thế nào thưa bà, liệu COVID-19 có phải là nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng trưởng thấp?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Agribank cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi 6 tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng trưởng rất thấp chỉ đạt 1,2%, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5%- 2,5%; tiếp tục triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình để đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Vậy tại Agribank, tính đến 30/6/2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là bao nhiêu thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Tại Agribank, tính đến 30/6/2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 167.320 tỷ đồng. Agribank đã thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí theo Thông tư 01 là 52.846 tỷ đồng, trong đó: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 14.433 khách hàng với dư nợ (gốc, lãi) 43.478 tỷ đồng; Miễn giảm lãi cho 1.512 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi 9.368 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Agribank cho vay mới gần 60.000 tỷ đồng đối với hơn 18.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19; hạ lãi suất cho hơn 35.000 khách hàng với số dư nợ được hạ lãi suất trên 45.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Agribank 3 lần liên tiếp giảm lãi suất 0,5%- 2,5%, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.
Theo thống kê, với số lượng doanh nghiệp Việt Nam tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro cũng vì thế tăng lên. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân bị đình trệ, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, vận tải, kinh doanh thương mại, dịch vụ… rơi vào tình trạng “ngủ đông”, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, thậm chí không có khả năng trả nợ, do đó đã làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu ngân hàng.
Chưa kể, lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Agribank còn chịu thêm tác động của dịch tả lợn châu Phi, hạn hán xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, nông sản không xuất khẩu được, nhất là những tháng đầu năm cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Trong 06 tháng đầu năm 2020, tại Agribank, tổng nợ xấu phát sinh thêm 16.877 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (chiếm 45%), lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản (chiế 15%), lĩnh vực tiêu dùng (chiếm 14%) và một số lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, xây dựng.
Tuy nhiên, bằng việc quản lý chặt chẽ nợ xấu, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh có nguồn thu trả nợ; Kiểm tra việc chấp hành quy chế cho vay đối với tất cả các khoản nợ đã xử lý rủi ro; Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác để thực hiện tư vấn, môi giới mua/bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ; Trích lập dự phòng đúng quy định của NHNN… nợ xấu mặc dù tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Agribank.
COVID-19 kéo lợi nhuận giảm
Cùng với những thách thức từ nợ xấu, cũng như các tổ chức tín dụng khác, qua số liệu công bố cho thấy lợi nhuận của Agribank đã giảm so với kế hoạch đề ra?
Bà Nguyễn Thị Phượng: Đây là hệ quả tất yếu khi tổng thu của ngân hàng vẫn chủ yếu từ hoạt động tín dụng trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là hiện nay, nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất suy giảm, Agribank cũng như các ngân hàng dù muốn đẩy mạnh cho vay, thậm chí giảm mạnh lãi suất, cải thiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ, kích cầu vay vốn, thì cũng khó có thể cho vay.
Chưa kể, Agribank còn thực hiện các chính sách giảm lãi suất đối với các đối tượng ưu tiên thông qua triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững); cùng với đó là thực hiện tăng trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN...
Theo bà từ nay đến cuối năm thách thức gì đang đặt ra đối với Agribank?
Trước tác động của dịch bệch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống, hoạt động của ngân hàng, kết quả kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tình hình diễn biến của dịch bệnh. Riêng đối với Agribank, rất nhiều thách thức đặt ra từ nay đến cuối năm, khi mà để được cấp 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước thì Agribank phải đạt được lợi nhuận trên 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, việc cần ưu tiên nhất của ngân hàng đó là chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn, đón thời cơ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều này đòi hỏi toàn hệ thống Agribank phải rất quyết tâm, nỗ lực phấn đấu với mong muốn đại dịch COVID-19 sớm được ngăn chặn, đẩy lùi, nền kinh tế đất nước sớm được phục hồi, doanh nghiệp, người dân sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn, đón thời cơ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với mong muốn đại dịch COVID-19 sớm được ngăn chặn, đẩy lùi, toàn hệ thống Agribank thực hiện tiết giảm chi phí, cải thiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ, kích cầu vay vốn, thực hiện các chính sách giảm lãi suất đối với các đối tượng ưu tiên, giảm phí dịch vụ thanh toán để hỗ trợ khách hàng, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng của các thành phần kinh tế, đáp ứng nhu cầu vay vốn, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Xin trân trọng cảm ơn bà!