iPhone ra đời không chỉ đe dọa đến smartphone cùng thời mà còn đe dọa đến cả nguồn sống lớn nhất của Apple. Nhưng Steve Jobs vẫn cứ tham gia vào cuộc chiến di động...
Chắc chắn tất cả mọi người đều đồng ý rằng di sản lớn nhất của cuộc đời Steve Jobs là iPhone. Từ 2016 tới nay, mỗi năm Apple đều bán được trên 200 triệu mẫu smartphone đắt đỏ, mang về cho Apple hàng trăm tỷ USD và cũng là tiền đề để công ty này cán mốc nghìn tỷ vào năm 2018.
Bí quyết thành công của iPhone nằm ở chỗ, Steve Jobs đã nhìn thấy vấn đề lớn nhất của điện thoại cùng thời (và đưa ra câu trả lời cho vấn đề ấy). Trong sự kiện vén màn chiếc điện thoại này, Steve Jobs đã chỉ đích những chiếc smartphone cùng thời trên sân khấu để chỉ trích. "Bàn phím quá xấu xí và không thể thay đổi".
BlackBerry nằm trong danh sách bị chỉ trích. Thậm chí, BlackBerry còn gắn liền với thiết kế bàn phím QWERTY trên di động. BlackBerry từng là biểu tượng của giới doanh nhân, của sự chuyên nghiệp.
Nhưng với Steve Jobs, biểu tượng của BlackBerry chỉ là minh chứng đau lòng cho thấy người dùng đang phải chịu đựng các giới hạn của công nghệ cùng thời. Bàn phím QWERTY cứ nằm ở đó, và vì thế người dùng lúc nào cũng mất một nửa diện tích hiển thị cho tính năng mà họ có thể không cần dùng tới. Một trong những lý do khiến iPhone có màn hình cảm ứng là để "ẩn" bàn phím ảo khi người dùng lướt web hoặc xem video.
Dĩ nhiên, BlackBerry cũng chẳng chịu yên lặng trước những lời chỉ trích của Apple. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, CEO của RIM (BlackBerry) là Mike Lazaridis đã từng nói: "Tôi không thể gõ trên bàn phím cảm ứng của iPhone, đến giờ tôi vẫn không thể gõ được, nhiều người bạn của tôi cũng vậy".
Một năm sau, ông chia sẻ với Silicon.com rằng "Xu thế thú vị nhất trên lĩnh vực di động là bàn phím QWERTY" đầy đủ.
Câu trả lời đầu tiên của BlackBerry dành cho iPhone là chiếc Storm với màn hình tạo cảm giác click sau khi nhấn. Nhưng rồi chiếc smartphone ấy cũng thất bại ê chề vì cơ chế "màn hình click" quá dễ hỏng; tỷ lệ đổi trả của khách hàng thậm chí còn lên tới 100%.
Đến năm 2013, BlackBerry mới vén màn được một hệ điều hành di động thông minh ngang tầm với iOS và Android. Hai sản phẩm đầu tiên của BB10, một chiếc vẫn mang bàn phím QWERTY chiếm đến một nửa màn hình. Rồi đến khi chuyển sang Android, BlackBerry vẫn cố mang bàn phím QWERTY (cỡ nhỏ) đặt xuống dưới thân máy. Một thất bại nữa lại xảy đến, bởi trừ bàn phím QWERTY ra, smartphone Android của BlackBerry dở tệ trên mọi mặt.
Quá nặng lòng với bàn phím vật lý, BlackBerry đã liên tiếp tự chuốc lấy thất bại.
Sau này nhìn lại, ai cũng hiểu rằng Dâu Đen đã sai lầm đến như thế nào. Nhưng trong bối cảnh của năm 2007, nếu ở vị trí của Lazaridis, chắc chắn số đông sẽ đưa ra quyết định tương tự. Tên tuổi của BlackBerry lúc đó (và cả sau này) gắn liền với cảm giác nhấn phím tuyệt hảo. Nhắc đến BlackBerry, hình ảnh bàn phím QWERTY sẽ hiện ra đầu tiên.
Nếu BlackBerry quyết tâm liệt bám đuổi iPhone (hay những chiếc Android), sự thay đổi sẽ gây ra một cơn địa chấn lớn cho cả công ty. Những kỹ sư đã nhiều năm nghiên cứu bàn phím và touchpad sẽ đi về đâu? Điều gì sẽ xảy ra với chuỗi cung ứng của BlackBerry, vốn chắc chắn đã được tối ưu cho những chiếc smartphone có bàn phím vật lý chứ không phải là màn hình cảm ứng cỡ lớn? Làm thế nào để BlackBerry có thể chinh phục được trải nghiệm cảm ứng? Tình cảm của người hâm mộ có bị ảnh hưởng khi một công ty vốn tự hào về bàn phím lại chuyển sang trải nghiệm bấm "dở tệ" như iPhone?
Muốn bắt kịp với xu thế do iPhone định đoạt, BlackBerry sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Thế nhưng, để sống sót, để vươn lên làm chủ con sóng của thời đại, chẳng có cái giá nào là quá đắt cả. Đó là điều BlackBerry đã không nhận ra, còn Apple thì có.
Có rất nhiều điều để nói về iPhone, nhưng Steve Jobs đã gói gọn trải nghiệm này trong câu nói kinh điển: "Điện thoại. iPod. Máy liên lạc Internet". Trước iPhone, nguồn sống quan trọng nhất của Apple là iPod. Khi iPhone ra đời và từ từ lên ngôi, doanh số iPod quả nhiên suy giảm dần cho đến khi bị iPhone qua mặt vào năm 2010. Từ iPhone 4 trở đi, lần lượt từng chiếc iPod đi vào chỗ chết, đến nay chỉ còn iPod Touch vốn có thể coi là ... iPhone rút gọn.
Apple đã sẵn sàng dùng một danh mục sản phẩm mới để giết chết nguồn sống quan trọng của mình, ngay cả khi iPod còn là chìa khóa cho phép Apple thống trị cả một thị trường (máy nghe nhạc) và góp phần quan trọng nhất vào công cuộc hồi sinh của công ty. Những bài toán mà Apple phải giải quyết khi phát triển iPhone cũng vô cùng mới mẻ - chip di động, màn hình cảm ứng, nhưng Apple đã sẵn sàng đâm đầu vào những lĩnh vực lạ lẫm và khó nhằn ấy.
Nhờ thế, Apple vươn lên làm chủ phân khúc cao cấp, cùng lúc chiếm luôn phần lớn lợi nhuận của cả ngành công nghiệp di động: năm 2018 chẳng hạn, dù đi xuống nhưng lợi nhuận một quý của Apple vẫn cao hơn lợi nhuận cả năm của Huawei.
Còn BlackBerry thì đã biến mất gần như hoàn toàn khỏi bản đồ smartphone thế giới: cái tên từng đại diện cho khái niệm smartphone giờ chỉ còn là một công ty phần mềm, là một thương hiệu nhượng quyền cho TCL (Trung Quốc)... Những gì còn lại chỉ là nuối tiếc - giá ngày ấy BlackBerry dám tự bắn vào chân mình, vị thế của Samsung hay Google giờ có lẽ đã là của Dâu Đen.
Theo Liam
Trí Thức Trẻ