Sau Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết, Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar cũng vừa được xem xét kiến nghị cấp phép bay theo chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, gửi đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Xem xét cấp phép cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar
Công văn cho biết, về báo cáo và kiến nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar tại văn bản số 04/VA ngày 4.12.2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau:
"Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị của Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: số 495/TTg-CN ngày 07.4.2017, số 309/TB-VPCP ngày 18.7.2017".
Trước đó, tại văn bản số 495/TTg-CN ngày 7.4.2017, Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành, việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc hãng Hàng không Vietstar phải chờ thêm 3 năm nữa. Trong khi đó, trong một diễn biến mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã ký Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Theo đó, đối tượng vận chuyển của Bamboo Airways bao gồm hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi; loại hình vận chuyển là thường lệ và không thường lệ. Vốn điều lệ trên giấy phép bay là 700 tỷ đồng.
Được biết, Vietstar Airlines là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân). Đến nay, Vietstar Airlines đã có 8 năm hoạt động.
Ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, hiện nắm vai trò Tổng giám đốc Vietstar Airlines.
Cạnh tranh hàng không và người dân được hưởng lợi
Từng chia sẻ với báo giới, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar Airlines, cho biết nếu được cấp phép Vietstar Air sẽ kinh doanh theo mô hình hàng không giá rẻ (LCC) hoặc hàng không siêu rẻ (ULCC).
Phân thị hàng không giá rẻ ở Việt Nam và trong khu vực còn nhiều tiềm năng để Vietstar Air khai thác hiệu quả. Đơn vị khác cùng tập đoàn là Công ty Cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt sẽ tiếp tục kinh doanh các dịch vụ hàng không chung, trong đó có các dịch vụ ga VIP và bay VIP bằng các máy bay phản lực nhỏ phục vụ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Như vậy, đối thủ nặng ký nhất của Vietstar Air trong thời gian tới có lẽ sẽ là Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết. Bởi theo thông điệp Bamboo Airways đưa ra trong thời gian qua đó là mức giá vé của hàng hàng không này sẽ ở mức vừa phải so với mặt bằng chung hiện nay.
Mẫu vé dự kiến của Bamboo Airways.
Ngoài ra, vé máy bay Bamboo Airways được mong chờ cho người có thu nhập thấp, doanh nhân và những người thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không. Trong đó, phân khúc vé máy bay giá rẻ là mong muốn của đại đa số khách hàng.
Hiện tại giá vé máy bay Bamboo Airways mới đang được Tập đoàn FLC dự thảo và sẽ sớm tung ra thị trường trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề cạnh tranh, các chuyên gia cho rằng, không cần phải đợi đến khi có Vietstar hay Bamboo thị trường mới có cạnh tranh mà thực chất, từ lâu nay, các hãng hàng không trong nước đã cạnh tranh với nhau và cùng cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế khác.
Tuy nhiên, với sự góp mặt của Vietstar, hưởng lợi đầu tiên chính là người dân. Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Người dân ngoài việc có thêm lựa chọn cho hành trình của mình, chắc chắn được hưởng mức giá hấp dẫn hơn.
Theo Dân Việt