'Bamboo Airways là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh, phát triển ngành hàng không'

27/07/2018 14:51

Riêng 4 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco đang chiếm 78% thị phần trong nước. Cần thêm nhiều hãng hàng không mới cho người dân lựa chọn và trải nghiệm?

Riêng 4 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco đang chiếm 78% thị phần trong nước. Cần thêm nhiều hãng hàng không mới cho người dân lựa chọn và trải nghiệm?

 

TS. Huỳnh Thế Du phát biểu tại hội thảo - Ảnh: BizLIVE.

20 năm, hàng không thế giới tăng trưởng 16 lần

Trình bày tham luận tại hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam” do BizLIVE tổ chức, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, năm 2014, ngành hàng không thế giới có 1.402 hãng hàng không thương mại, 26.965 máy bay phục vụ thương mại, 3.883 sân bay và đã bay 32,8 triệu chuyến bay thương mại toàn cầu, tạo việc làm cho 62,7 triệu người.

Đến năm 2015, ngành hàng không thế giới đã vận chuyển 3,6 tỷ lượt khách và 51,2 triệu tấn hàng hóa, đã tạo ra 2.700 tỷ USD, chiếm 3% GDP toàn cầu. Năm 2017, ngành hàng không đã tạo ra doanh thu 754 tỷ USD, chi phí hoạt động là 697 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 34,2 tỷ USD, đem lại lợi tức đầu tư (ROI) cho ngành này là 9%.

Trong 20 năm qua, ngành hàng không thế giới đã tăng trưởng ngoạn mục tới 16 lần, đặc biệt từ năm 2010 đến nay đã tăng đáng kể, trong khi đó, nhu cầu đường bộ cũng tăng lên rất nhiều.

Dự báo toàn cầu đến năm 2036, lượng khách hàng không sẽ tăng gấp đôi lên 7,8 tỷ người, và các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh nhất tới 2,1 tỷ người, mức tăng 4,6%/năm. Tiếp đến là khu vực Châu Âu tăng 2,3% và đạt 550 triệu người, Bắc Mỹ tăng 2,3% và đạt 452 triệu người, Mỹ La tinh tăng 4,2% và đạt 421 triệu người, Trung Đông tăng 5% và đạt 322 triệu người, Châu Phi tăng 5,9% và đạt 274 triệu người.

Việt Nam mới có 46 triệu lượt khách được đi máy bay

Đặt trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao so với thế giới tương đương với Philippines khi có thị trường hàng không năng động. Năm 2017, ngành hàng không Việt Nam đạt doanh thu 121.120 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, vận chuyển 46,39 triệu lượt khách.

Nguồn: CTCK Vietinbank

Tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng nhanh từ mức 78,9% năm 2015 lên gần 85% năm 2017. Với 4 hãng hàng không trong nước hiện nay, gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco thì Vietnam Airlines vẫn đang dẫn đầu với thị phần chiếm 40%, đứng thứ 2 là Vietjet Air chiếm 27%, tiếp theo là Jetstar Pacific chiếm 10%... còn lại là thị phần của Vasco và các hãng hàng không nước ngoài.

Nguồn: CTCK Vietinbank

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không, nhu cầu đi lại bằng phương tiện này cũng tăng nhanh chóng, đặc biệt tăng mạnh từ năm 2013 - 2016. Nếu như năm 2013 tăng trưởng gần 7 lần thì năm 2016 tăng trưởng tới 16 lần.

Hiện tỷ lệ hành khách hàng không Việt Nam chiếm khoảng 40% dân số với mức thu nhập bình quân đầu người trên 6.000 USD/năm. Đối với Việt Nam, đến năm 2034 dự báo tổng dân số là 105 triệu người, GDP bình quân đầu người là 18.000-22.000 USD.

Cũng theo dự báo, nếu trung bình các nước có thu nhập 18.000-24.000 USD thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm. Còn nếu thu nhập tương đương với Thái Lan hiện tại thì khách hàng không có thể lên đến 110 triệu người.

Ngành hàng không có tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế nói chung, đối với ngành du lịch, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. So sánh với 30 nước tăng trưởng ngành hàng không mạnh nhất, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2000 – 2017 tới 14,8 lần. Tính từ giai đoạn 07 năm gần đây từ 2011 – 2017 tăng 2,6 lần, đứng thứ 4 trong Top 30.

Tóm lại, ngành hàng không đã tăng trưởng cao trong thời gian qua, nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào ngành hàng không, giúp lĩnh vực này phát triển mạnh hơn. Hành khách so với dân số ở mức rất cao so với mức thu nhập hiện tại. Tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không thế giới trong khoảng 10-20 năm tới là ổn định. Nếu Việt Nam có thể đạt được mức khách hàng so với dân số như Thái Lan thì tiềm năng của ngành hàng không còn rất lớn.

Cũng theo ông Du, việc phát huy vai trò của tư nhân, ví dụ kế hoạch của Bamboo Airways là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh phát triển ngành hàng không.

HOÀNG ANH

Nguồn: BizLive