Bertha Benz không chỉ tin vào chiếc xe do chồng mình phát minh mà bà còn tin vào chính mình khi tự tay lái xe vượt qua quãng đường hơn 100 km một cách an toàn.
Ngày 6/3 vừa qua, Mercedes-Benz đã tung ra đoạn video đầy cảm hứng mang tên "Bertha Benz: The Journey That Changed Everything" (Tạm dịch: Bertha Benz: Hành trình thay đổi thế giới) trên kênh YouTube của hãng.
Video quảng cáo giới thiệu ngắn gọn về hành trình mà bà Bertha Benz, vợ của nhà phát minh Karl Benz giúp đưa chiếc xe ô tô do ông chế tạo ra trở thành một phương tiện mang tính cách mạng của nhân loại. Sau gần 1 tuần, đoạn video đã có 2,5 triệu lượt xem cùng rất nhiều bình luận ủng hộ của người dùng internet.
Đoạn video do Mecedes-Benz đăng tải: "Bertha Benz: The Journey That Changed Everything".
Ở thời điểm "xe hơi" vẫn còn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ và mọi người chủ yếu di chuyển bằng xe ngựa, một người phụ nữ đã đi ngược lại số đông để chứng minh với thế giới rằng phát minh của chồng mình chính là tương lai của phương tiện giao thông vận tải. Bà Bertha Benz, vợ của người sáng lập hãng Mercedes-Benz đã thực hiện cuộc hành trình đường dài đầu tiên trên một chiếc ô tô, đối mặt với hàng loạt thử thách và tạo nên lịch sử.
Bertha không chỉ có niềm tin vào chiếc xe do Karl Benz chế tạo ra mà còn tin vào chính bản thân mình khi tự lái xe trong 12 tiếng đồng hồ để vượt qua quãng đường 106 km đầy thử thách một cách an toàn.
Bertha Benz kết hôn với Karl Benz năm 1872 tại Ladenburg, Đức. Bà là người góp phần quan trọng giúp tạo nên thành công của chồng không chỉ bằng tinh thần mà còn bằng việc giúp đỡ tài chính. Trước cuộc hôn nhân, Karl Benz gặp khó khăn về tài chính và bà Bertha đã xin trả trước tiền hồi môn. Điều này đã cứu doanh nghiệp của Karl khỏi cảnh phá sản.
Vợ chồng Karl và Bertha Benz.
Ngày 29/1/1886, Karl đã đăng ký bằng phát minh cho chiếc xe chạy bằng xăng đầu tiên, từ đó đặt một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, ông đã bị giới phát minh cũng như các nhà sản xuất chế giễu. Một số người còn gọi đây là "chiếc xe không ngựa" và cho rằng nó không thể di chuyển được.
Trước tình cảnh này, ngày 5/8/1888, không cho chồng biết, bà Bertha đã lái xe chở hai con trai chạy quãng đường dài 106 km từ Mannheim về thăm cha mẹ đẻ của bà ở Pforzheim. Đến đêm, bộ ba can đảm đã tới nơi an toàn. Sau đó, họ gửi một bức điện để thông báo cho Karl về chuyến đi trên chiếc xe của ông.
Bà Bertha đã lái xe đưa hai con về nhà bố mẹ đẻ an toàn.
Dù gặp không ít khó khăn trên đường nhưng cuối cùng chuyến đi của bà Bertha đã thành công và được lan truyền khắp nơi. Điều nãy cũng giúp đánh tan những nghi ngại của khách hàng về khả năng di chuyển của chiếc xe. Nhờ đó, doanh nghiệp của Karl đã đạt được thành công đáng kể về mặt doanh thu.
Qua chuyến đi trên, bà Bertha đã trở thành người lái ô tô đầu tiên trong lịch sử thế giới và nhà thuốc nơi bà dừng lại để mua ligroin (nhiên liệu để chiếc xe hoạt động) được coi là "trạm xăng" đầu tiên trong lịch sử.
Mặc dù là người có công chế tạo ra chiếc xe nhưng Karl Benz phải biết ơn người vợ của mình rất nhiều bởi bà là người luôn ở bên ủng hộ ông trong những giai đoạn khó khăn nhất. Và không chỉ riêng ông, thế giới cũng phải cảm ơn Bertha vì nếu không có hành trình đầy dũng cảm của bà thì con đường của ngành công nghiệp ô tô chắc hẳn sẽ còn nhiều chông gai.
Karl Benz từng chia sẻ về vợ với niềm tự hào to lớn: "Một người phụ nữ can đảm. Bà ấy đã giương cánh buồm mới của hy vọng và góp phần thay đổi lịch sử".
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp