Bánh mì là một loại đồ ăn rất cân bằng: Bánh nóng giòn, vị ngọt của thịt và vị chua của các loại rau nộm hòa quyện vào nhau.
Theign Yie Phan là đầu bếp của một nhà hàng chuyên về bánh mì Việt Nam ở Hong Kong mang tên Le Petit Saigon. Cô cho biết mình không hề cảm thấy chán dù ngày nào cũng thưởng thức loại đồ ăn gây "nghiện" này.
Phan chia sẻ: "Ngoài phở, bánh mì là một trong những món ăn phổ biến và nổi tiếng nhất của Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Đây là một loại đồ ăn rất cân bằng: Bánh mì nóng giòn, vị ngọt của thịt và vị chua của các loại rau nộm".
Vừa nói, cô vừa xếp vào trong chiếc bánh mì một lớp thịt heo thái mỏng, xúc xích Việt Nam, pate gan gà, rau dưa ăn kèm, sốt mayonnaise nhà làm và tương ớt. Nữ đầu bếp không phải là người duy nhất yêu mến món bánh mì. Từ khởi đầu khiêm tốn trên đường phố Sài Gòn, loại đồ ăn này đã trở thành một hiện tượng trên toàn cầu và được coi là món ăn đặc trưng cho văn hóa Việt Nam.
Nữ đầu bếp Theign Yie Phan.
Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào một quốc gia ở Đông Nam Á vốn nổi tiếng với các món cơm và mì như Việt Nam lại là khởi nguồn của một món ăn… có nguồn gốc từ phương Tây?
Quay trở lại lịch sử, bánh mì được cho là có từ thời kỳ Pháp thuộc tại Việt Nam từ những năm 1880 đến 1954. Và tất nhiên, trong những thứ người Pháp đem vào Việt Nam không thể không kể đến một số loại thực phẩm.
Peter Cuong Franklin là một đầu bếp có nhiều năm nghiên cứu ảnh hưởng của ẩm thực Pháp tại Việt Nam. Ông sinh ra ở Đà Lạt và trong giai đoạn chiến tranh, ông đã bị lạc mất gia đình rồi được nhận nuôi ở Mỹ.
Năm 1994, ông chuyển đến Hong Kong làm nhân viên ngân hàng đầu tư. Sau đó, ông đến Bangkok để theo học trường ẩm thực Cordon Bleu. Khi về Hong Kong, ông quyết định mở nhà hàng theo chủ đề Việt là Chom Chom và Viet Kitchen. Đến năm 2017, ông chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh để mở Anan Saigon.
Đầu bếp Peter Cuong Franklin.
Franklin chia sẻ: "Khi đến Việt Nam, người Pháp cần ăn loại thức ăn của riêng mình. Vì vậy, họ đã mang theo lúa mì để làm bánh mì, phô mai, cà phê và một số sản phẩm khác mà họ sẽ tiêu thụ mỗi ngày".
Từ đó, người Việt dần làm quen với những thực phẩm đến từ Pháp, dù chúng rất đắt đỏ ở thời điểm đó. Cuối cùng, người dân địa phương cũng học được kỹ thuật làm bánh mì từ lúa mì.
Franklin giải thích: "Một số người Trung Quốc được thuê làm đầu bếp và nấu ăn cho người Pháp. Theo thời gian, họ thay đổi công thức làm bánh mì với nhiều men và nước để làm cho nó nhẹ hơn và phù hợp hơn với khẩu vị của không chỉ người Pháp mà còn người Việt Nam.
Người Pháp thường ăn bánh mì baguettes phết với gan gà hoặc pate gan ngỗng. Tất nhiên, điều này khá xa xỉ với người Việt. Chính vì vậy, họ đã tự tạo phiên bản của riêng mình. Họ dùng gan heo rẻ và dễ chế biến hơn để thay thế. Ngoài ra, người Pháp còn thường ăn bánh mì với một ít bơ và có thể là mù tạt.
Đến những năm 1950, người Việt đã nảy ra ý tưởng kết hợp những thứ này lại với nhau trong một chiếc bánh mì duy nhất. Và tôi cho rằng đó là khởi nguồn của bánh mì Việt Nam ngày nay".
Một người bán bánh mì rong ở Việt Nam.
Dù có nguồn gốc khiêm tốn nhưng bánh mì Việt đã trở thành một món ăn gây bùng nổ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nước như Úc và Mỹ, nơi có nhiều người Việt Nam nhập cư. Ngày nay, có hơn 1,3 triệu người nhập cư Việt Nam sinh sống ở Mỹ và các món ăn truyền thống của họ đã được đón nhận rộng rãi bởi người Mỹ.
Phan sinh ra ở Malaysia và lớn lên ở Singapore. Chỉ đến khi qua Mỹ học tập, cô mới được giới thiệu về ẩm thực đường phố Việt Nam. Cô nhớ lại: "Tại Mỹ, mỗi khu vực có trường đại học đều có rất nhiều xe đồ ăn và mỗi xe đó đều có bán bánh mì".
Phan tin rằng việc nhiều người Mỹ yêu thích bánh mì là bởi họ đều quen thuộc với các thành phần: bánh mì, thịt, rau, dưa muối, tương cà và tương ớt. Có thể nói, bánh mì Việt Nam dễ ăn, dễ "nghiện" và đó là lý do tại sao nó lại trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Trung bình, một chiếc bánh mì ở Việt Nam có giá khoảng trên dưới 20.000 đồng. Thế nhưng cách đây hai năm, Franklin đã tạo ra một sự khuấy động nhỏ khi giới thiệu món bánh mì có giá 100 USD (hơn 2 triệu đồng) tại Anan Saigon.
Cận cảnh món bánh mì 100 USD của Anan Saigon.
Ông chia sẻ: "Một phần nhiệm vụ của tôi là góp phần nâng ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới và cho thế giới thấy giá trị của những món ăn Việt. Bánh mì Việt phổ biến khắp thế giới vì nó rất ngon nhưng vấn đề là nhiều người nghĩ chúng rẻ. Vì thế, tôi đã làm một điều điên rồ để tôn vinh giá trị của món ăn này".
Bánh mì "100 đô" của Anan Saigon bao gồm sốt mayonnaise nấm, pate, thịt lợn, gan ngỗng, ngò, dưa chuột, húng quế và bạc hà. Ngoài ra, món này còn được phục vụ kèm khoai tây chiên nhúng trứng cá muối. Franklin nói rằng có không ít người sành ăn tò mò sẵn sàng bỏ tiền ra để nếm thử hương vị của món ăn này.
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/SCMP