Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bầu Đức sắp xếp lại cơ đồ sau biến động tỷ USD

18/09/2018 15:55

Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tiếp tục sắp xếp lại việc quản trị của tập đoàn sau cú bắt tay tỷ USD với tỷ phú Trần Bá Dương và những thay đổi hậu thời kỳ tái cấu trúc khi ông lớn Thaco vào cuộc.

Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tiếp tục sắp xếp lại việc quản trị của tập đoàn sau cú bắt tay tỷ USD với tỷ phú Trần Bá Dương và những thay đổi hậu thời kỳ tái cấu trúc khi ông lớn Thaco vào cuộc.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa thông báo đăng ký mua thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico trong khoảng thời gian từ 19/9 đến 18/10/2018.

Theo thông báo, mục đích của giao dịch là để chuyển nhượng cổ phiếu của công ty con về công ty mẹ để đáp ứng nhu cầu quản lý công ty.

Nếu giao dịch thành công, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sẽ tăng sở hữu tại HAGL Agrico (HNG) từ 55,1% hiện tại lên 57,81%, tương đương gần 513 triệu cổ phiếu HNG.

Việc sắp xếp lại diễn ra trong bối cảnh HAGL Agrico vừa miễn nhiệm một loạt thành viên HĐQT và nhân sự cao cấp, vốn là người của HAGL trước đó và thay thế bởi người từ đối CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco (THA) của ông Trần Bá Dương, sau khi Thaco và HAGL có cú bắt tay tỷ USD nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp của Bầu Đức cũng như thúc đẩy dự án bất động sản tại Myanmar.

HAGL Agrico gần đây cũng thông báo về kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 87,4 triệu cổ phiếu với giá chào bán 16.000 đồng/cp để nâng vốn điều lệ lên trên 9.740 tỷ đồng. Đối tượng chào bán mà HNG hướng đến là những nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ HNG trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực trồng trọt, tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Ngay sau cú bắt tay tỷ USD với tỷ phú Trần Bá Dương, doanh nghiệp của Bầu Đức đã lộ điểm yếu. HAGL công bố báo cáo tài chính quý hợp nhất soát xét bán niên 2018 với con số lỗ ròng tăng gấp 3 lần so với báo cáo tự lập trước đó lên gần 35 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh so với báo cáo tự lập là nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch.

Trước đó, ngày 3/8/2018, HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư và hợp tác toàn diện giữa các cổ đông với đối tác là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), qua đó Thaco sẽ hỗ trợ Tập đoàn và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), công ty con của Tập đoàn, trong việc tái cơ cấu hoạt động và các khoản tài chính nhằm phù hợp dòng tiền trả nợ trước hạn.

Theo thỏa thuận, Thaco và nhóm cổ đông đầu tư hơn 3,8 ngàn tỷ đồng và sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico. Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay, đồng thời đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, dự kiến trong năm 2019 và 2020 sẽ tăng từ 12.000 ha lên 30.000 ha.

Bên cạnh đầu tư vào HAGL Agrico, Thaco còn thông qua công ty con là CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, sở hữu 65% vốn của HAGL Land với tổng vốn đầu tư hơn 4 ngàn tỷ đồng.

Trên thực tế, Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương đã và đang bơm tiền vào các doanh nghiệp của Bầu Đức. Với khối tài sản khổng lồ, các DN của Bầu Đức có thể sẽ dần hồi phục, thậm chí có thể trở thành đế chế trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, vai trò của Bầu Đức tại các doanh nghiệp của mình sẽ suy giảm.

Bầu Đức từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, dám nói, dám làm nhưng đôi khi cô độc và phiêu lưu với các tham vọng của mình.

Tầm nhìn dài hạn, khả năng nắm bắt cơ hội đã giúp ông Đoàn Nguyên Đức nổi lên trong nhiều lĩnh vực gỗ đá, bất động sản nhà ở, thậm chí cả thủy điện. Tham vọng với rừng cao su rộng hàng chục ngàn hecta chiến lược tại Lào, rồi giấc mộng ông trùm nông nghiệp với đàn bò ngồi ở Việt Nam bán sữa khắp Đông Nam Á cũng như ước mơ gây dựng nền tảng cho bóng đá Việt Nam tiếp tục giúp Bầu Đức nổi như cồn.

Tuy nhiên, vốn đầu tư quá lớn đi cùng với những khoản vay khủng trong khi giá cao su bất ngờ sụt giảm và dòng tiền không đủ để bù đắp chi phí đã vùi dập các doanh nghiệp của Bầu Đức chìm vào khó khăn trong vài năm gần đây.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời vẫn đang diễn ra. Nỗi lo về một cuộc chiến thương mại trên thế giới khiến VN-Index chưa thể tiếp cận ngưỡng 1.000 điểm, cho dù khối ngoại vẫn mua ròng khá nhiều.

Áp lực bán trải rộng trên nhiều nhóm cổ phiếu, từ ngân hàng cho tới bất động sản và xây dựng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng điểm khá mạnh nhờ kỳ vọng giá dầu tăng.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực bán có thể vẫn còn tiếp diễn khi chỉ số tiếp cận mốc 1.000 điểm. Trong các phiên tới, áp lực bán có thể vẫn còn tiếp diễn khiến chỉ số cần thêm thời gian tích lũy trước khi hồi phục trở lại.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường trong trạng thái điều chỉnh ngắn hạn sau chuổi tăng điểm ở tuần trước và chỉ số sẽ tiếp tục vận động tích lũy quanh ngưỡng 990 điểm trong các phiên sau.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/9, VN-index giảm 3,73 điểm xuống 987,61 điểm; HNX-Index giảm 0,61 điểm xuống 112,76 điểm. Upcom-Index giảm 0,13 điểm xuống 51,82 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Theo Vietnamnet