Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, 'căn bệnh' mà nhiều startup hiện đang mắc phải, đó là: tự tin thái quá, định giá startup quá cao. Điều này khiến ông suy nghĩ về chính bản thân mình 15-20 năm trước, cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Shark Tank mùa 3 tập 6 phát sóng tối 28/8 được khép lại với đầy những bất ngờ và kịch tính với sự góp mặt của vị “cá mập” mới – ông Nguyễn Hòa Bình, Nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn NextTech.
Được người xem đặt biệt danh hóm hỉnh là “Shark phũ phàng”, ông Bình không ít lần đưa ra những bình luận gay gắt khi thẳng thừng chê các startup Việt Nam “ngáo giá”, hay “em là người của hành tinh khác”.
Điển hình là trường hợp anh Lê Nguyễn Khánh Trình đã gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần công ty chuyên xuất khẩu khung xếp đa năng tự lực. Tự định giá startup 1.000 tỷ dù mới xuất khẩu được khoảng 1.000 đơn hàng, không chỉ Shark Bình, mà các Shark còn lại đều từ chối đầu tư, do Trình đã định giá công ty quá cao so với thực lực.
Câu chuyện của Lê Nguyễn Khánh Trình không chỉ đúng với chương trình Shark Tank mùa 3, mà còn là thực trạng của nhiều startup Việt Nam hiện nay. Việc tự định giá công ty quá cao so với năng lực thực tế đang khiến các startup không chỉ “lao đao” trong giai đoạn gọi vốn, mà còn ảnh hưởng tới cả hoạt động kinh doanh sau này.
Bệnh của người khởi nghiệp
Phân tích về màn gọi vốn của Lê Nguyễn Khánh Trình, Shark Bình cho hay, Trình gọi số vốn rất lớn cho một sản phẩm không có gì đặc sắc, hàm lượng chất xám sâu không cao, và rất dễ bị sao chép. "Tôi có cảm giác, Trình lên Shark Tank để quảng bá sản phẩm hơn là gọi vốn nghiêm túc", Shark Bình nói.
Vị "cá mập" nhận xét, căn bệnh mà Trình cũng như một số startup hiện đang mắc phải, đó là: tự tin thái quá, định giá startup quá cao. Điều này khiến ông suy nghĩ về chính bản thân mình 15-20 năm trước, cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy.
"Tôi tin là chỉ có cách phản biện quyết liệt, thẳng thắn, và thậm chí nếu phải dội một gáo nước lạnh vào họ để hết bệnh, thì tôi cũng xin làm. Từ cái tâm của mình, tôi muốn tốt cho các startup", Shark Nguyễn Hòa Bình trải lòng.
Theo đánh giá của ông, một doanh nghiệp như công ty của Trình sẽ chỉ trở thành một SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), bản chất không cần gọi vốn, hoặc nếu có gọi sẽ cần rất ít - khó chạm tới con số 5 triệu USD.
Chưa kể, công thức định giá mà Trình đưa ra chỉ phù hợp với các startup công nghệ thực sự - doanh thu tăng phi mã khi tăng trưởng, nhưng chi phí không tăng.
Nói cách khác, công ty vẫn sẽ có doanh thu, lợi nhuận ở một mức nhất định, nhưng tuyệt nhiên không phải startup - bùng phá, sáng tạo, doanh thu cấp số nhân. Shark Bình dự đoán, trong tương lai công ty sẽ gặp vấn đề lớn khi tăng trưởng, bởi sản phẩm này tương đối đơn giản và dễ bị sao chép.
Thất bại lớn nhất của startup
Ước tính mỗi năm thế giới có 50 triệu dự án startup công nghệ ra đời, còn Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% startup sẽ thất bại và phải giải thể, vì không tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường, cũng như thiếu một hệ sinh thái làm bệ phóng.
Shark Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông thường đánh giá một startup dựa trên các tiêu chí như: xác định thị trường ngách, đội ngũ phù hợp, sản phẩm và quy trình vận hành đáp ứng, cách đánh thị trường đột phá và cách thức tăng trưởng bền vững…
Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc startup tìm ra công thức giải quyết “nỗi đau” của thị trường. Bởi theo ông Bình, nếu startup làm ra một sản phẩm mà thị trường không cần, hoặc có cũng được, không có cũng chẳng sao, thì đồng nghĩa họ đã thất bại.
Tất nhiên, ngay cả khi startup đã tìm ra công thức thành công, nhưng việc thiếu tệp khách hàng - hệ sinh thái cũng khiến họ gặp khó khăn trong kinh doanh. Do đó, cần xây dựng hệ sinh thái gồm mạng lưới khách hàng, cơ sở hạ tầng và sản phẩm dịch vụ tương hỗ.
Đặc biệt, cùng với hai yêu cầu trên, startup công nghệ “đói” vốn hoặc “đốt” vốn cũng dễ dẫn đến sai lầm và thất bại. Đồng quan điểm, Shark Phạm Thanh Hưng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của startup đó là người làm khởi nghiệp quá tự tin vào khả năng của mình.
“Vì quá tự tin, nên nhiều startup ngay khi nhận được tiền đã sớm đạp ga tăng tốc, dù họ mới còn đang tập lái. Họ chi quá nhiều tiền và tin rằng doanh thu sẽ đến. Nhưng thực tế, sai làm nối tiếp sai lầm”, Shark Hưng nói.
Kinh nghiệm né tránh thất bại
Nhận định về thực trạng thị trường startup hiện tại, Shark Dzung Nguyễn cho hay, thế giới công nghệ đang thay đổi từng ngày, đây là khó khăn chung của các startup, đặc biệt là các startup công nghệ.
“Chỉ cần startup đi vào hoạt động 6 tháng là biết được sản phẩm thất bại hay không, còn thành công ở đây chưa bàn đến. Hơn bao giờ hết, người sáng lập startup cần một cái đầu lạnh, và biết phân tích, lắng nghe”, Shark Dzung nói.
Đồng tình với quan điểm của Shark Dzung, Shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng, người khởi nghiệp trước khi muốn làm “chuyện lớn”, phải nghĩ ngay tới câu nói của người xưa: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Theo Shark Bình, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, tu thân bao giờ cũng cần được đặt lên đầu tiên. “Bản chất startup là biến 0 thành 1. Công ty, hay miếng đất không thể tự lên giá, tất cả là do con người. Quan trọng là startup có một đội ngũ sáng lập tốt để chiến đấu hết mình vì mục tiêu cuối cùng”, Shark Bình đưa ra lời khuyên.
Với 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, Shark Bình khẳng định, ông thấu cảm sự cô đơn và thiếu thốn trong giai đoạn khởi nghiệp của các startup Việt. Đó cũng là lý do ông sáng lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 với mong muốn đồng hành với các startup trên con đường đi đến thành công.
Lời khuyên của vị “cá mập”, đó là các nhà sáng lập khi khởi nghiệp không nên chú trọng quá nhiều đến tiền. Bởi tiền đôi khi là thuốc độc với các startup. Shark Bình nhấn mạnh: “Startup là khởi nghiệp trên nỗi đau của xã hội. Do đó, hãy chỉ quan tâm tới bài toán làm sao để giải quyết nỗi đau”.
Bổ sung ý kiến của Shark Bình, Shark Nguyễn Thanh Việt cho hay, các startup hiện nay hầu như chưa biết tự lượng sức mình. Bản thân các nhà sáng lập chưa biết mình đang ở đâu, thì khó có thể định giá được một công ty startup.
“Như việc gọi vốn là một ví dụ. Từ gọi vốn tới việc định giá startup, ít hay nhiều là dựa trên lĩnh vực kinh doanh. Phương pháp hợp lý thì bao nhiêu cũng là ít, còn phương pháp mà dở, thì một đồng cũng đã là nhiều”, Shark Việt kết luận.
Việt Hưng
Theo TheLEADER