Lượng dầu thô mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga trong tháng 3 cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu do công ty tư vấn hàng hóa Kpler tổng hợp, lượng dầu thô mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga trong tháng 3 cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình ở mức 360.000 thùng/ngày.
Ông Alex Booth, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Kpler, cho biết các lô hàng dầu đã cam kết từ Nga không tìm được người mua ở châu Âu đang được chuyển hướng sang Ấn Độ, nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 trên thế giới.
Theo dự đoán của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu dầu của Ấn Độ có khả năng tăng hơn 8% vào năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Do đó, việc Ấn Độ có thể nhập khẩu dầu của Nga với mức giá chiết khấu cao được chính phủ nước này rất quan tâm.
Bên cạnh đó, hai nước cũng sử dụng đồng tiền quốc gia của Ấn Độ và Nga để thực hiện các giao dịch để tránh phải sử dụng đồng USD cũng như các lệnh trừng phạt liên quan.
Trong khi Mỹ, Anh và nhiều quốc gia châu Âu đang thúc giục Ấn Độ không mua dầu mỏ và khí đốt của Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine thì hồi tuần trước Ấn Độ đã đưa ra quan điểm chính thức rằng cộng đồng quốc tế không nên chính trị hóa các giao dịch năng lượng hợp pháp.
Ở động thái liên quan, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc đến lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ như một bước đi đầu tiên nhằm khiến Nga giảm đi nguồn thu từ năng lượng.
Trong khi Ba Lan và các nước vùng Baltic ủng hộ mạnh mẽ bước đi này thì các quốc gia khác, đáng chú ý nhất là Đức và Hungary, lại bày tỏ quan ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu, và điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá dầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hiện đang đến Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU, để tham dự các cuộc họp với các nhà lãnh đạo cấp cao khác.
Trong khuôn khổ chuyến công du này, ông Biden sẽ cùng lãnh đạo các nước đồng minh thảo luận về tình hình hiện nay tại Ukraine, cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine cũng như xem xét siết chặt các biện pháp hiện có.
Theo kế hoạch, Tổng thống Biden cũng sẽ làm việc với lãnh đạo các nước NATO để có những điều chỉnh lâu dài hơn đối với việc bố trí lực lượng NATO và tuyên bố "hành động chung" nhằm tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.