Năm 2017, FPT software mang về cho FPT tới 6.242 tỷ đồng doanh thu, chiếm hơn một nửa doanh thu mảng CNTT của Tập đoàn và lợi nhuận đạt 1.068 tỷ đồng.
Về mặt lý thuyết, "xuất khẩu phần mềm" hay "gia công phần mềm" được hiểu như việc làm thuê một phần, hoặc toàn phần các dự án phần mềm với tư cách Gia công sản phẩm thay vì Sở hữu sản phẩm.
Nhiệm vụ của đơn vị Gia công phần mềm là làm ra sản phẩm thỏa mãn yêu cầu của đơn vị, tổ chức thuê gia công, không tham gia vào việc kinh doanh sản phẩm. Như vậy, gia công phần mềm chỉ là 1 giai đoạn trong quá trình sản phẩm đến với người dùng.
Từng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, gia công phần mềm là một công việc thiếu sự sáng tạo, chưa xứng đáng với tiềm năng, cũng như cơ hội mà Việt Nam đang có.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, gia công hay xuất khẩu phần mềm lại là một ngành siêu lợi nhuận, tuy nhỏ nhưng lại có võ. Điển hình là trường hợp "cánh chim đầu đàn" của ngành - FPT Software, trong giai đoạn 2013 - 2017.
Theo đó, tại FPT Software, xuất khẩu phần mềm luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 30%/năm trong 5 năm qua. Kết thúc năm 2017, công việc này đem về cho FPT Software tới 6.242 tỷ đồng doanh thu - chiếm hơn một nửa doanh thu mảng CNTT của Tập đoàn mẹ, với lợi nhuận đạt 1.068 tỷ đồng.
Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software cho biết, từ trước đến nay, mảng gia công phần mềm của công ty này dù mang lại nhiều tiền nhưng vẫn bị nhiều nhà đầu tư xem là mảng mà FPT đi "làm thuê".
Không phủ nhận vai trò này, vị lãnh đạo chia sẻ thẳng thắn: "Có người bảo gia công phần mềm chẳng khác gì công nhân may, tôi thấy cũng hợp lý vì cứ cái gì làm ra tiền là được".
Ngành xuất khẩu trên đầu người có giá trị cao nhất Việt Nam
Để minh chứng điều này, ông Tiến nói về 4 yếu tố đặc biệt trong lĩnh vực gia công phần mềm tại FPT Software.
Đầu tiên, Chủ tịch FPT Software cho rằng, FPT Software có giá trị xuất khẩu/người cao nhất trong các ngành xuất khẩu Việt Nam (không tính các ngành xuất khẩu dầu hoặc than đá). Trung bình, mỗi kĩ sư xuất khẩu phần mềm làm ra khoảng 550 triệu đồng.
Yếu tố thứ hai, FPT Software xuất khẩu hàng có tỷ lệ "Việt Nam hóa" cao nhất so với các hàng xuất khẩu khác. Đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng quốc tế từ lâu đã luôn là một vấn đề lớn với xuất khẩu của nước ta.
Ví dụ như với một sản phẩm áo sơ mi, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp được vào đó chiếc nút áo. Hay với một chiếc điện thoại, các doanh nghiệp Việt "còn không đóng góp nổi một chiếc ốc vít" - theo như lời đại diện của Samsung từng nói. Trong khi đó, tỷ lệ "Việt Nam hóa" của sản phẩm phần mềm gia công lên tới 84 - 86%.
"Điều thứ ba là giá trị gia tăng. Nếu chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ USD tiền điện thoại thì để làm ra 30 tỷ đó thì chắc nhập khẩu cũng phải 25 tỷ USD. Phần giá trị gia tăng làm tại Việt Nam là rất ít. Ngay như ngành lúa gạo thì giá trị gia tăng của nông dân Việt Nam chỉ có 50%, còn lại phải nhập phân bón, nhập thuốc trừ sâu...", ông Tiến phân tích.
Còn với gia công phần mềm của FPT Software, trong 100 USD xuất khẩu thì có tới 84 USD – 86 USD là do người Việt Nam làm ra. Đây là con số rất ổn nếu so với các ngành xuất khẩu khác.
Cuối cùng là yếu tố thị trường. Thị trường gia công phần mềm quy mô thế giới mà FPT Software đang tham gia còn rất dồi dào cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
"Chúng ta xuất khẩu lúa gạo 7 - 8 triệu USD thì ổn, còn 10 triệu USD là thừa. Như cà phê, Hiệp hội cà phê thế giới thậm chí còn đề nghị Việt Nam chặt bớt cây cà phê đi, bởi vì Việt Nam xuất khẩu cà phê nhiều quá, thế giới dùng không hết", ông Tiến nói.
Tuy nhiên, trong ngành phần mềm, dư địa còn rất lớn, làm bao nhiêu cũng không lo thừa. Và càng làm thì sẽ càng thấy thiếu, vì thực tế là công nghệ luôn luôn theo chiều hướng đi lên, luôn luôn cần phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Điểm nóng gia công phần mềm ở Việt Nam
Về cơ bản, ngành gia công phần mềm tại Việt Nam được đánh giá là còn khá non trẻ. Hơn một thập kỷ trước đây, một số công ty đa quốc gia trong đó có Intel và Oracle đã bắt đầu tiếp cận với lực lượng lao động ngành CNTT tại Việt Nam
Ngoài những chính sách mới giúp thu hút doanh nghiệp ngoại, Việt Nam đã đầu tư nhiều vào giáo dục STEM (viết tắt của 4 chữ gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Kết quả, Việt Nam đã có cả một lực lượng kỹ sư công nghệ lành nghề.
Các ngành công nghệ và gia công phần mềm tại Việt Nam tăng trưởng đều đặn. Năm 2017, Việt Nam thăng hạng 5 bậc trong chỉ số dịch vụ Global Services Location Index - chỉ số đo xếp hạng dịch vụ gia công phần mềm do công ty tư vấn A.T. Kearney tính toán.
Khi các công ty lớn như Intel, IBM, Samsung Display, Nokia hay Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, thành công của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm là không thể phủ nhận.
Bên cạnh đó, một yếu tố được cho là thuận lợi để phát triển gia công phần mềm ở VIệt Nam đó là văn hóa người lao động rất "trung thành" với công ty đang làm việc.
Điều này xuất phát từ sự trung thành đối với gia đình. Ở các quốc gia khác trong khu vực, các kỹ sư thường chấp nhận ra nước ngoài để theo đuổi sự nghiệp, còn nhiều kỹ sư Việt Nam lại muốn làm việc gần nhà.
Nhìn vào bức tranh tổng thể, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có thế mạnh bao gồm: công nghệ, dịch vụ tài chính, truyền thông, trò chơi, tích hợp phần mềm... Với chi phí hợp lý, Việt Nam phù hợp với những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đón đầu xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và Blockchain.
Đối với phần lớn doanh nghiệp, thách thức lớn của ngành gia công phần mềm ở Việt Nam chính là thích ứng được với đội ngũ lao động lành nghề ở xa (cách từ 5.000 - 10.000 dặm).
Sự thích ứng này chỉ có thể có được thông qua hoạt động đào tạo và kết nối. Việc đào tạo một đội ngũ làm việc ở xa theo đúng cách sẽ giúp đặt nền móng cho sự thành công, cũng như giúp đưa ra các chuẩn chung trong ngành phần mềm.
Theo Việt Hưng/The Leader