Bí mật đằng sau doanh thu của Apple

29/01/2019 13:28

Đằng sau doanh thu đang tăng trưởng đều đặn của Apple là một sự thật cay đắng: số lượng iPhone bán ra đang giảm dần theo từng năm. Thế nhưng thủ thuật giúp Apple duy trì doanh thu đang dần chạm tới cực hạn. Liệu Apple đang lao đầu vào vực thẳm, hay tất cả chỉ là cú khựng lại tạm thời? 

Stephen McBribe, chuyên gia phân tích và quản lý quỹ của RiskHedge, ngồi trên chiếc taxi đi tới đại học Columbia. Ông cùng người tài xế đang sôi nổi bàn về về mức giá của iPhone qua từng thời kì.

"Trong vòng tám năm qua, Apple đã đẩy giá iPhone lên 500%. Năm 2010, chiếc IPhone 4 mới cáu có giá 199 đô la Mỹ. Năm 2014, ta cần 299 đô để mua iPhone 6 vừa ra mắt. Tới hiện tại, phiên bản thấp nhất của chiếc iPhone X là 1.149 đô la Mỹ."

"Ôi trời, chừng ấy là tôi có thể trả được tiền thuê nhà cả tháng," người tài xế cảm thán. "Ai mà mua nổi chúng kia chứ?"

Xuất hiện vết nứt của Apple

Apple đã trải qua một thập kỉ hoàng kim. Kể từ ngày chiếc iPhone thế hệ đầu ra mắt vào năm 2007, doanh thu công ty đã nhảy vọt lên gấp 10 lần, giá cổ phiếu bay cao hơn 700%. Cho đến tận tháng 11.2018, đây vẫn là công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán thế giới.

Nhưng giữa tháng 1.2019, Apple đưa ra một thông tin khiến nhà đầu tư sửng sốt: Lần đầu tiên kể từ năm 2002, công ty cắt giảm dự báo doanh thu. Hệ quả là giá cổ phiếu trượt dài, mất đi 10% ngay trong ngày, đánh dấu khoảng thời gian cổ phiếu Apple mất giá 35% tính từ mức đỉnh tháng 11.2018. Điều này đã thổi bay 446 tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư và là đợt mất giá cổ phiếu lớn nhất của một công ty trong lịch sử.

Và đây chỉ là mới bắt đầu.

Bí mật đằng sau doanh thu của Apple - ảnh 1Giá cổ phiếu Apple trượt dài từ tháng 8 tới tháng 12.2018. Nguồn: RiskHedge.

Bí mật của Apple xung quanh mức tăng trưởng
doanh thu mạnh mẽ

Nếu chỉ nhìn vào doanh thu của Apple, mọi thứ vẫn rất êm đẹp. Giai đoạn 2001 trở đi đều chứng kiến mức tăng trưởng đều đặn của doanh thu công ty.

Bí mật đằng sau doanh thu của Apple - ảnh 2Ảnh: Doanh thu của Apple. Nguồn: RiskHedge.

Thế nhưng đằng sau tăng trưởng doanh thu là một sự thật cay đắng: lượng iPhone công ty bán ra đang ngày một sụt giảm. Thời kỳ đánh dấu lượng iPhone bán ra cao nhất là năm 2015. Năm 2018, Apple bán ra ít hơn 14 triệu chiếc điện thoại so với ba năm trước đó.

Nhân tố giúp doanh thu của Apple tăng lên chính là giá thành của những chiếc iPhone. Năm 2014, giá trung bình của iPhone rơi vào khoảng 600 đô la Mỹ. Chỉ sau bốn năm, tới tháng 9.2018, để mua được chiếc iPhone X vừa được ra mắt, khách hàng cần bỏ ra tới 999-1.349 đô la Mỹ, theo cách tính của Statista.

Điều này đi ngược lại với quy luật lịch sử của thị trường: các sản phẩm công nghệ thường mất giá theo thời gian. Không lâu trước đây, những chiếc tivi màn hình phẳng có độ phân giải cao từng được xem là những món hàng xa xỉ và có giá lên tới hàng ngàn đô la. Ngày nay, ta có thể mua một chiếc tivi 55 inch chỉ với giá 500 đô la Mỹ trên bất cứ trang thương mại điện tử nào.

Một ví dụ khác là điện thoại di động. Năm 1984, Motorola cho ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên với mức giá ngất ngưởng 4.000 đô la Mỹ. Ngày nay, giá trung bình của một chiếc điện thoại chỉ là 320 đô la, theo công ty nghiên cứu IDC. Như vậy giá điện thoại di động đã giảm 92%, thế nhưng Apple lại đẩy giá thiết bị của mình lên tới tận con số 500%. Đây là một điều đáng nể. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Apple có thể tăng giá sản phẩm tới bao giờ?

Câu trả lời nằm ở vòng đời của các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm mang tính đột phá.

12 năm trước, chỉ 120 triệu người trên thế giới sở hữu điện thoại di động. Ngày nay con số này chạm ngưỡng hơn năm tỉ người, theo IDC.

Apple chính là một trong những nhân tố chính tạo đà cho số lượng điện thoại bùng nổ. Là một trong những gã khổng lồ của thị trường điện thoại toàn cầu, Apple còn là chủ nhân của danh hiệu công ty niêm yết mang về nhiều lợi nhuận nhất trên thị trường chứng khoán.

Hầu hết công ty sẽ bắt đầu sa chân vào vực thẳm sau khi lượng sản phẩm bắt đầu chạm đỉnh. Apple đã xoay sở vô cùng khôn khéo khi kéo dài thời kỳ hoàng kim bằng cách tăng giá sản phẩm. Điều này có thể làm được là nhờ lượng khách hàng "cuồng tín" đông đảo vào thương hiệu này. Nhưng mọi thứ đều có giới hạn, và số tiền khách hàng sẵn sàng chi trả để có trên tay chiếc điện thoại mang logo quả táo khuyết cũng vậy.

iPhone đã, vẫn và sẽ là sản phẩm chủ đạo của Apple. Những chiếc điện thoại di động đóng góp tới 2/3 doanh thu của hãng, trong khi iPad và Macbook chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu và tình hình kinh doanh những sản phẩm này cũng đang khựng lại.

Nếu Apple thuận theo lẽ tự nhiên của thị trường và cắt giảm giá thành xuống ngang bằng với hai năm trước, công ty sẽ phải bán thêm 41 triệu sản phẩm nữa để đạt tới mức doanh thu vừa công bố.

Vào tháng 11.2018, Apple thông báo hãng sẽ ngưng công khai số lượng sản phẩm bán ra. Đây là thông tin quan trọng mọi nhà đầu tư có quyền được biết tới, nhưng Apple đã quyết định đưa con số này vào bóng tối.

Những vướng mắc hiện tại của Apple khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới Nokia. Từng là bá vương của thị trường điện thoại, nhưng sau khi đạt tới ngưỡng xấp xỉ 27 đô la Mỹ vào năm 2007, giá trị của Nokia xuống dốc không phanh 80% tính tới năm 2018.

Bí mật đằng sau doanh thu của Apple - ảnh 3Ảnh: Giá cố phiếu Nokia. Ảnh: RiskHedge.

Liệu số phận của Apple cũng sẽ như Nokia, hay hãng sẽ có thể tự vực dậy khỏi vũng lầy hiện tại? Thời gian sẽ nhanh chóng đưa ra câu trả lời.

Theo Forbes Vietnam

Bạn đang đọc bài viết "Bí mật đằng sau doanh thu của Apple" tại chuyên mục Chuyện thương trường.